Việc cử tri Iran lựa chọn ông Pezeshkian, nhà cải cách có quan điểm ôn hòa, làm Tổng thống mới được xem là thông điệp tích cực, hứa hẹn quan điểm đối ngoại của nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ được điều chỉnh theo hướng cởi mở và thân thiện. Chính ông Pezeshkian cũng từng tuyên bố theo đuổi chính sách “cân bằng Đông-Tây”, nghĩa là mở cửa trở lại với phương Tây trong khi duy trì quan hệ tốt đẹp với các cường quốc ngoài phương Tây.
Trong bài viết trên báo Tehran Times sau khi đắc cử, ông Pezeshkian nêu rõ: Nguyên tắc chỉ đạo chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Iran là hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng và các tổ chức khu vực để tăng cường quan hệ kinh tế, giải quyết thách thức chung, tiến tới thiết lập khuôn khổ đối thoại, xây dựng và phát triển lòng tin trong khu vực. Iran sẽ nắm bắt các cơ hội, tạo sự cân bằng trong quan hệ với tất cả các nước, phù hợp lợi ích quốc gia cũng như yêu cầu về hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới.
Riêng về mối quan hệ trắc trở với phương Tây, nhà lãnh đạo mới của Iran nhấn mạnh ý tưởng đối thoại mang tính xây dựng, đưa quan hệ đi đúng hướng trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Những tuyên bố của tân Tổng thống Iran được giới phân tích đánh giá là thông điệp mang mầu sắc mới, tinh thần cởi mở, linh hoạt hơn dù vẫn thận trọng và được kỳ vọng thổi luồng sinh khí mới tới quốc gia đang chìm trong khó khăn kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, mục tiêu cân bằng chính sách đối ngoại không dễ thực hiện. Phe bảo thủ, có quan điểm cứng rắn với phương Tây vẫn kiểm soát Quốc hội. Việc khó nữa là bảo đảm cải thiện quan hệ với phương Tây không ảnh hưởng tới các mối quan hệ vững chắc hiện có với các đối tác kỳ cựu.
Cái khó đã được đề cập ngay trong phát biểu nhậm chức, khi Tổng thống Masoud Pezeshkian nhấn mạnh mong muốn “bình thường hóa quan hệ kinh tế”, nhưng vẫn không quên cam kết “chống lại các lệnh trừng phạt”.