Trong hơn 50 năm, bà Louise Edwards đã thu thập các hạt me mọc hoang trên đảo Antigua thuộc vùng Caribe để tạo ra khuyên tai, thảm và thắt lưng. Bà Edwards lớn lên bằng nghề xâu hạt của gia đình, song ngày nay bà là một trong năm nghệ nhân bậc thầy duy nhất còn lại trên đảo, tất cả đều ở độ tuổi 70. “Đó là một nghệ thuật sắp lụi tàn. Tôi sẽ sớm bỏ nghề khi mắt tôi mờ dần đi”, bà Edwards chia sẻ với The Guardian.
Cách đây nhiều thế kỷ, những phụ nữ châu Phi bị bắt làm nô lệ ở Antigua và Barbuda, nơi sinh sống của khoảng 100.000 dân, đã bắt đầu làm nghề xâu hạt. Sau khi hòa bình lập lại trên đảo quốc này, công việc xâu hạt đã trở thành một nguồn thu nhập của phụ nữ tại đây. Dù vậy, hiện trên đảo chỉ có rất ít thợ thủ công còn bám trụ với nghề, phần lớn là những người cao tuổi, khiến nét văn hóa độc đáo này của Caribe đứng trước nguy cơ mai một.
Nếu tìm hiểu kỹ, các công đoạn của việc xâu hạt thủ công để tạo ra thành phẩm rất tốn công sức. Những nghệ nhân xâu hạt thường lựa chọn hạt của loài me hoang dã (tên khoa học là Leucaena leucocephala), là một trong 100 loài xâm lấn mạnh nhất thế giới. Do đó, việc thu thập hạt giống còn giúp bảo vệ môi trường. Các hạt sau khi thu hoạch sẽ được đun sôi trong nước biển và giữ ẩm, trước khi được các nghệ nhân xâu lại với nhau theo cách hoàn toàn thủ công. “Một khi hạt khô, chúng vẫn cứng trong nhiều thập kỷ. Do đó, các thành phẩm từ hạt này vô cùng bền”, bà Edwards nhấn mạnh.
Việc xâu hạt cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ tuyệt đối. Dù là nghệ nhân giàu kinh nghiệm, song bà phải mất một giờ để làm khuyên tai. Những món đồ phức tạp hơn, chẳng hạn như tấm lót cốc, tách; thảm, túi xách… có thể mất cả tuần. “Các bạn trẻ không muốn làm nghề này. Họ cho rằng công việc quá nhiều công đoạn phức tạp, trong khi thu nhập không xứng đáng cho công sức họ bỏ ra”, bà Edwards nói.
Me hoang dã thường được lựa chọn lấy hạt để xâu. Ảnh: BOTANIQUE STUDIOS |
Trước tình hình đó, những phụ nữ ở đảo quốc này đã tìm cách nhằm hồi sinh nghệ thuật truyền thống. Bà Anne Jonas, thư ký của Toàn quyền Antigua và Barbuda, với sự giúp đỡ của Đặc phái viên văn hóa đất nước, bà Barbara Paca, đã nộp đơn xin tài trợ để mở rộng các buổi hội thảo miễn phí nhằm đào tạo nghệ thuật xâu hạt. Bà Jonas cho biết: “Xâu hạt được coi là môn nghệ thuật thủ công độc đáo của Antigua và Barbuda. Môn nghệ thuật này kể một câu chuyện có sức ảnh hưởng mạnh mẽ về cách chúng tôi đã vượt qua những thách thức trong quá khứ và phát triển như hiện nay… Hơn nữa, nó còn tạo ra các cơ hội kinh tế cho phụ nữ trong nước”.
Các buổi hội thảo là bước khởi đầu để khơi dậy sự quan tâm của công chúng trong nước. Bà Denise Walcott, 47 tuổi, đến buổi hội thảo lần đầu vào tháng 6 cùng với cô con gái 16 tuổi. Bà cho biết: “Con gái tôi thích các sản phẩm từ hạt và tôi cũng thích nó. Các tác phẩm đều đẹp và thiết kế rất phức tạp. Đây là một nét văn hóa độc đáo của đất nước. Sẽ rất tiềm năng nếu tổ chức các tour du lịch nhằm khám phá nét văn hóa này. Tôi thật sự hy vọng thấy sản phẩm này được sản xuất ở Antigua và Barbuda với quy mô lớn hơn và xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng trên thế giới”.
Không chỉ tổ chức hội thảo, bà Jonas cùng các cộng sự còn quảng bá về nghề xâu hạt trên mạng xã hội. Các tác phẩm làm từ hạt giống cũng được gửi đi giới thiệu như một phần sản phẩm của Antigua và Barbuda tại Venice Biennale, một trong những lễ hội văn hóa kéo dài nhất thế giới tổ chức tại Italy; trưng bày tại triển lãm Frank Walter tại Bảo tàng Garden ở Thủ đô London (Anh).
Với những nỗ lực thời gian qua, nhiều nghệ nhân xâu hạt tại quốc đảo vùng Caribe hy vọng sẽ có nhiều người trẻ quan tâm đến nghệ thuật truyền thống này, giúp nét độc đáo văn hóa của Antigua và Barbuda có thể lưu truyền về sau.