Mở tương lai cho bán đảo Bình Quới - Thanh Đa

|

Sự trì hoãn trong quy hoạch và phát triển bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) trong 30 năm qua đã gây nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực đối với cộng đồng dân cư sinh sống tại đây. Tuy nhiên, thông tin mới về quy hoạch bán đảo khiến họ tràn trề hy vọng.

Muốn làm sớm, làm nhanh

Đầu tháng 3, người dân Bình Quới - Thanh Đa đón nhận thông tin về khu vực mình đang sống sẽ trở thành công viên văn hóa và sinh thái ven sông. Đây là thông tin mới thay cho thông tin cũ, trước đây địa bàn đã từng là “khu đô thị”, rồi đến “thung lũng silicon valley” và “treo” đã 30 năm nay.

Ông Lâm Thanh Thật, ngụ hẻm 490, đường Bình Quới, phân vân: “Không biết chủ trương trên có thành hiện thực không? Có triển khai nhanh không, chứ tui thấy bà con trong xóm kêu trời bấy nay. Lúa cấy thì không được bao nhiêu. Chăn nuôi gây ô nhiễm nhà bên, lối xóm, gây mất đoàn kết. Đất vườn, đất cha ông tổ tiên để lại, muốn bán để chia vốn cho cái làm ăn cũng không được quyền”.

Việc quy hoạch, rồi đổi thay quy hoạch hơn 30 năm qua, khiến hạ tầng tại khu vực này không được đầu tư và nâng cấp đúng mức. Điều này gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông trên con đường là trục chính chạy trong bán đảo. Những buổi triều cường, đường biến thành sông. Sự thiếu hụt trong hệ thống giao thông, hệ thống cống rãnh không hoàn chỉnh, gây ra nhiều bất tiện cho cư dân.

Tìm lối thoát đi, bà Thái Thị Lành, 67 tuổi, đã mua đất, cất nhà trên huyện Củ Chi cho toàn bộ gia đình, phần đất và nhà trong Bình Quới vẫn để đó. Thỉnh thoảng bà Lành về coi đất và thăm chơi lối xóm, hiểu nỗi khổ của bà con lối xóm xưa. Bà Lành phàn nàn: “Việc không có quy hoạch rõ ràng đã làm cho khu vực này dễ bị ô nhiễm môi trường. Sự xâm nhập của nước sông nhiễm mặn vào đất làm cây lúa cũng khó sống, khó nặng bông. Rồi ô nhiễm từ chất thải và nước thải sinh hoạt không được xử lý đúng cách tác động tới hơi thở, sức khỏe của nhiều người”.

Vào đình Bình Quới thắp nén nhang, gặp được nhiều người quen cũ, bà Lành tâm sự: “Gặp nhau, kể chuyện cũ cũng vui. Nhiều người cũng mong sớm được giải phóng mặt bằng, được đền bù, có tiền sẽ mua nhà nơi mới, mong thoát sình lầy, thoát ruồi muỗi đu bám”.

Mơ về công viên xanh

Về tình cảnh người dân sống trong quy hoạch treo quá lâu, Thạc sĩ tâm lý học Vũ Thu Hà, Viện Nghiên cứu và Can thiệp tâm lý VPIT, nhận định: “Sự không chắc chắn trong quy hoạch đã khiến nhiều cư dân phải sống trong tình trạng bất ổn và lo lắng về tương lai. Sự đe dọa của việc phải di dời và mất môi trường sống quen thuộc cũng gây ra sự mất mát tinh thần trong cộng đồng”. Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa từng được mệnh danh là “nơi đất khó bán, người khó mua bậc nhất của thành phố” vì lý do không được phép. Bán đảo có diện tích khoảng 427 ha. Đây là khu vực duy nhất còn nhiều quỹ đất trống, chủ yếu là đất đồng ruộng, vườn tạp, ao sình. Ý tưởng về một công viên văn hóa, sinh thái tạo dựng trên khu vực này, không những chỉ là “lá phổi xanh” của thành phố mà còn là điểm đến hấp dẫn ven sông Sài Gòn.

Nay, ý tưởng đó đang dần trở thành hiện thực, khiến nhiều người từng qua bán đảo đi chơi, đi câu tỏ ý vui mừng. Kỹ sư công nghệ Ngô Hoàng Dũng, ngụ đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), cho rằng: “Chuyển đổi quy hoạch của bán đảo Bình Quới - Thanh Đa từ một khu vực dân cư sang một công viên sinh thái mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân sở tại và người dân thành phố. Công viên sinh thái sẽ tạo ra một không gian xanh mát, giúp làm giảm hiệu ứng đô thị, cải thiện chất lượng không khí và giảm ô nhiễm môi trường”.

Công viên sinh thái ra đời không những chỉ tốt cho người dân mà còn giúp bảo vệ môi trường tự nhiên, bao gồm cả các loài động vật và thực vật đặc hữu trong bán đảo, đồng thời góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái. Một môi trường sống xanh sạch và gần gũi với thiên nhiên sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố nên ai cũng đồng lòng, ủng hộ.

Người dân thành phố rất chịu đọc tin tức, nhất là tin tức nơi mình đang sống sẽ thay đổi ra sao? Ông Lâm Thanh Thật cho hay: “Trước đây, đất ở đây có nguy cơ rơi vào tay buôn bất động sản. Nhưng nay, có lẽ cũng đến hồi kết rồi. Tôi vui. Khi công viên sinh thái ra đời, sẽ cung cấp một môi trường lý tưởng cho các hoạt động vui chơi, giải trí”.