Tìm lời giải cho thị trường lao động châu Á

|

Theo Reuters, dù châu Á quy tụ nhiều quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng, song các nền kinh tế phát triển nhanh của khu vực này cũng đối mặt tỷ lệ người trẻ thất nghiệp ở mức cao kỷ lục. Tình trạng này có thể dẫn tới gia tăng căng thẳng xã hội.

“Bom hẹn giờ”

Nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở châu Á đang gặp tình trạng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ngày một tăng. Theo số liệu công bố từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực này trong năm 2023 là 14,4%, cao hơn nhiều so mức trung bình của giai đoạn 2010-2020 (12%). The Wall Street Journal cũng ước tính, khoảng 30 triệu người trong độ tuổi 15-24 tại các quốc gia đông dân tại châu Á không tìm được công việc phù hợp, chiếm gần một nửa trong tổng số 65 triệu người thất nghiệp trong cùng độ tuổi trên thế giới.

Tại Indonesia và Malaysia, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ lần lượt là 14% và 12,5%. Bangladesh, quốc gia từng được coi là hình mẫu xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, vài năm gần đây cũng ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên lên 16%, cao nhất trong ít nhất 3 thập kỷ. Aktaruzzaman Firoz (28 tuổi), tốt nghiệp thạc sĩ ngành Xã hội học năm 2021 nhưng không tìm được việc làm dù đã ứng tuyển tới 50 vị trí. Firoz chia sẻ, trong năm nay anh đã cạnh tranh ứng tuyển công việc nhà nước với 500 ứng viên khác cho 2 vị trí. Firoz lọt vào vòng cuối nhưng rồi bị loại. Để trang trải cuộc sống, Firoz mượn tiền từ gia đình. Tình trạng thất nghiệp đã khiến anh gạt bỏ ý định tìm kiếm bạn đời. “Sao tôi có thể kết hôn khi không thể chăm lo cho gia đình mình?”, Firoz chia sẻ.

Tại Ấn Độ, dù tỷ lệ nói trên đã giảm trong những năm gần đây, con số này vẫn cao hơn mức trung bình toàn cầu. Ấn Độ cũng tồn tại tình trạng những cử nhân, thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ làm các công việc cơ bản với mức lương rất thấp. Tuy nhiên, ngay cả những công việc có mức lương thấp, mức độ cạnh tranh cũng vô cùng khắc nghiệt. Theo đó, một công việc không đòi hỏi trình độ cao nhưng có tới 75.000 lá đơn nộp xin việc. Trước tình hình đó, hồi tháng 4, Chủ tịch đảng Quốc đại Ấn Độ (INC), Rahul Gandhi kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi và đảng cầm quyền BJP không để Ấn Độ trở thành “trung tâm thất nghiệp” của thế giới.

Tỷ lệ thất nghiệp cũng không khả quan hơn tại Trung Quốc. Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê quốc gia nước này, tỷ lệ nói trên của thanh niên từ 16-24 tuổi tăng lên 17,1% trong tháng 7. Đây là mức thất nghiệp cao nhất của thanh niên kể từ khi Bắc Kinh áp dụng hệ thống tính toán dữ liệu mới hồi tháng 12 năm ngoái.

Trong khi đó, theo số liệu trên Cổng thống kê quốc gia (KOSIS) của Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc ngày 1/10, tính đến tháng 8/2024, số người không có việc làm là 564.000 người. Trong đó, có 113.000 người đã thất nghiệp hơn 6 tháng, chiếm 20%, mức cao nhất trong 25 năm kể từ ghi nhận 20,1% tháng 8/1999, thời điểm xảy ra khủng hoảng tiền tệ châu Á.

Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cao có thể gây ra tình trạng thiếu an ninh việc làm, thu nhập không ổn định và hạn chế khả năng tiếp cận các chương trình bảo trợ xã hội dành cho người lao động, đồng thời làm tăng nguy cơ nghèo đói và bất bình đẳng xã hội.

Biếm họa: AGOVINO

Bài toán cấp bách

Theo The Wall Street Journal, có nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng tình trạng thất nghiệp tại châu Á. Cụ thể, công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi cục diện của ngành sản xuất. Ngành may mặc - động lực tăng trưởng chính của Bangladesh - dần chuyển sang dùng máy móc sản xuất thay vì lao động chân tay. Kết quả là xuất khẩu hàng may mặc ở Bangladesh dù tăng gấp đôi trong thập niên qua song tăng trưởng việc làm của ngành này diễn ra với tốc độ rất chậm. Tương tự, trong năm qua, Indonesia cũng ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 5%, song phần lớn nhờ vào sự mở rộng chưa từng có trong lĩnh vực khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, những ngành sử dụng nhiều máy móc hạng nặng và không cần nhiều nhân lực.

Không chỉ vậy, tình trạng thất nghiệp gia tăng còn đến từ sự mất cân bằng trong lựa chọn ngành nghề. Ngày càng nhiều sinh viên ở các nước đang phát triển của châu Á theo đuổi bằng cấp để phục vụ các công việc văn phòng trong các lĩnh vực như thiết kế, tiếp thị, công nghệ và tài chính sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, đây là những ngành nghề không được tuyển dụng nhiều tại các quốc gia của họ.

Ấn Độ nổi tiếng với ngành công nghệ thông tin phát triển, song cũng chỉ tuyển số lượng nhân sự nhất định do nhiều vị trí đã được AI đảm nhận. Theo báo cáo năm 2023 của Trường đại học Azim Premji ở thành phố Bangalore nước này, hơn 40% số sinh viên tốt nghiệp đại học dưới 25 tuổi của Ấn Độ đang thất nghiệp. Con số này cao hơn nhiều so tỷ lệ thất nghiệp 11% ở nhóm lao động cùng độ tuổi, biết chữ nhưng chưa học xong tiểu học.

Bối cảnh cũng tương tự ở Bangladesh. Những người có bằng đại học có tỷ lệ thất nghiệp cao gấp ba lần so tỷ lệ thất nghiệp tổng thể, theo một cuộc khảo sát của chính phủ vào năm 2022. Nhiều người sống nhờ tiền trợ cấp của cha mẹ cho đến trên 25 tuổi. Nhiều người Bangladesh quyết tâm ứng tuyển các công việc trong hệ thống của chính phủ vì khu vực tư nhân kém phát triển, không có nhiều công việc văn phòng ổn định.

Trước những thách thức trên, các quốc gia châu Á đang khẩn trương tìm giải pháp nhằm cải thiện tình hình. Asif Mahmud, một sinh viên 26 tuổi, hiện là cố vấn của Bộ Thanh niên và thể thao của Chính phủ Bangladesh cho biết, tình trạng khủng hoảng việc làm ngày càng gia tăng đã khiến người trẻ nước này vô cùng bất bình. Theo Mahmud, vấn đề có thể giải quyết bằng cách cho phép các trường đại học hợp tác với ngành công nghiệp để đào tạo những sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng làm việc.

Trong khi đó, bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, AI hiện tác động lớn tới thị trường việc làm toàn cầu năm 2024. Để ứng phó với những tác động của AI tới thị trường việc làm, bà Georgieva kêu gọi chính phủ các nước phải thiết lập mạng lưới an toàn xã hội và đưa ra chương trình đào tạo giúp người lao động nâng cao tay nghề. Bà Georgieva cũng khuyến nghị người lao động cần chủ động nâng cao kỹ năng, đặc biệt là các khả năng tận dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất và thích ứng với sự thay đổi của thị trường.

Đồng tình với quan điểm trên, Tổng Giám đốc ILO Gilbert Houngbo nhấn mạnh, các nước trong khu vực cần khẩn trương đầu tư vào giáo dục, đào tạo nghề, tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận thị trường việc làm. Bên cạnh đó, cần tập trung giải quyết tình trạng bất bình đẳng, xóa nghèo và an sinh xã hội, giúp người lao động yên tâm làm việc, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nói riêng và thế giới nói chung.