Bạo lực súng đạn đã len lỏi vào mọi ngõ ngách trong đời sống xã hội Mỹ do nước này có số dân thường sở hữu súng nhiều nhất thế giới. Thậm chí số lượng súng nhiều hơn cả dân số, khi cứ 100 người thì có khoảng 120 khẩu súng. Nhà văn Mỹ Janice Ellis bình luận, ở Mỹ, dù là ở cửa hàng tạp hóa, trung tâm mua sắm hay trường học, người dân đều có thể trở thành nạn nhân của bạo lực súng đạn.
Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất trên thế giới thường xuyên xảy ra các vụ bạo lực súng đạn. Động cơ xả súng cũng rất đa dạng như thù hận, bệnh tâm thần, bạo lực băng đảng, mâu thuẫn gia đình... hay đơn giản chỉ là cãi vã trong nhà hàng đồ ăn nhanh, tức giận khi bị vượt xe, bấm còi trên đường. CNN cho hay, từ đầu tháng 6, bốn vụ xả súng đã xảy ra tại các bang Wisconsin, Arkansas, Ohio và Michigan của Mỹ, khiến bảy người chết và 55 người khác bị thương.
Tổ chức phi lợi nhuận Kaiser Family Foundation ở Mỹ mới đây công bố một báo cáo cho hay, hơn một nửa số người Mỹ trưởng thành được khảo sát cho biết, họ hoặc người thân từng một lần gặp phải vụ việc liên quan súng đạn. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy mối liên quan rõ ràng giữa tỷ lệ sở hữu súng và bạo lực súng đạn ở Mỹ.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, trong những năm gần đây, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Mỹ tiếp tục gia tăng, việc cắt giảm nhân viên, doanh nghiệp đóng cửa, kinh tế suy thoái… dẫn đến xã hội ngày càng phân hóa, kéo theo tâm lý cực đoan. Bạo lực súng đạn gia tăng cũng khiến nhiều người muốn sở hữu súng để tự vệ.
Dù có nhiều nguyên nhân khiến các vụ xả súng diễn ra như “cơm bữa” tại Mỹ, song điều cốt lõi là nước này vẫn còn tỏ ra lỏng lẻo trong các quy định, chế tài và quản lý sở hữu súng đạn. Mâu thuẫn giữa phe Cộng hòa và Dân chủ suốt hàng chục năm qua chung quanh Tu chính án thứ hai của Hiến pháp về quyền của người dân được nắm giữ và mang vũ khí đã tạo lỗ hổng chết người trong hệ thống luật pháp. Vì vậy, việc Tòa án Tối cao Mỹ giữ nguyên lệnh cấm sử dụng súng của liên bang xem ra mới chỉ giải quyết được “bề nổi của tảng băng”.