Tiềm năng kinh tế vũ trụ
Theo Financial Times, báo cáo có tên “Không gian: Cơ hội trị giá 1,8 nghìn tỷ USD cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu” do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hợp tác với Công ty tư vấn McKinsey thực hiện và công bố mới đây cho thấy, nền kinh tế vũ trụ dự kiến sẽ đạt 1,8 nghìn tỷ USD vào năm 2035 khi các công nghệ hỗ trợ không gian phát triển. Sự phát triển này được dự đoán sẽ định hình các ngành công nghiệp không gian và phụ cận trong 10 năm tới, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hiện tại, một số công nghệ phụ trợ trong công nghiệp vũ trụ đang gắn bó mật thiết với đời sống con người, chẳng hạn như dự báo thời tiết, các tiện ích thông minh ngày càng phổ biến như đồng hồ thông minh, định vị vệ tinh... Các nhà nghiên cứu đánh giá, công nghệ vũ trụ ngày càng hiện diện rõ rệt và mang lại lợi ích cho nhiều bên liên quan hơn, như các ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống, chuỗi cung ứng và vận tải, giảm nhẹ thiên tai và thậm chí cả ngành thời trang. Tất cả lĩnh vực trên đều được hưởng lợi từ những đổi mới của công nghệ không gian.
Ông Sebastian Buckup, thành viên Ủy ban Điều hành WEF cho biết: “Các công nghệ vũ trụ đang mang lại giá trị lớn hơn cho nhiều lĩnh vực liên quan và phát triển đa dạng hơn bao giờ hết. Khi chi phí nghiên cứu và sản xuất giảm đi, khả năng tiếp cận tăng lên, những công nghệ này có thể định hình lại toàn bộ ngành công nghiệp và có nhiều tác động đến doanh nghiệp và xã hội, tương đương cuộc cách mạng của điện thoại thông minh hoặc điện toán đám mây”.
Cũng theo nhà lãnh đạo tại WEF, ngành công nghiệp vũ trụ sẽ chiếm một thị phần lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Ước tính đến năm 2035, nền kinh tế vũ trụ dự kiến đạt 1,8 nghìn tỷ USD, tăng từ mức 630 tỷ USD vào năm 2023 và đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 9% mỗi năm. Ông Buckup nhận định 9% là một con số cao hơn đáng kể so tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu. “Các công nghệ dựa trên không gian hoặc được hỗ trợ như truyền thông, định vị, điều hướng và thời gian; các dịch vụ quan sát Trái đất được dự đoán sẽ là động lực chính cho sự tăng trưởng này”, ông cho biết thêm.
Báo cáo của WEF còn đưa ra một số dự đoán rằng, phạm vi tiếp cận của công nghệ vũ trụ có khả năng tăng nhanh từ năm 2035 và có thể “cách mạng hóa nền kinh tế toàn cầu”. “Thí dụ, chuỗi cung ứng và vận tải sẽ được hưởng lợi từ hoạt động hậu cần hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn; ngành thực phẩm và đồ uống sẽ đạt hiệu quả tốt hơn trong việc vận chuyển hàng hóa dễ hỏng đến chặng cuối”, báo cáo nêu rõ. Theo đó, 5 lĩnh vực gồm chuỗi cung ứng và vận tải; đồ ăn và đồ uống; công nghiệp quốc phòng; bán lẻ, tiêu dùng và phong cách sống; truyền thông kỹ thuật số được dự báo sẽ tạo ra 60% giá trị trong nền kinh tế vũ trụ toàn cầu vào năm 2035. Ngoài ra, một số lĩnh vực khác cũng sẽ được hưởng lợi tương tự. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tương lai của việc khám phá không gian ngày càng có tính hợp tác.
Du lịch không gian sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai. Ảnh: SPACE TRAVEL |
Hình thành các tổ chức không gian đa quốc gia
Hiện nay, nhiều quốc gia đã phát triển các cơ quan không gian của riêng mình, đồng thời hình thành những tổ chức hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ không gian. Văn phòng LHQ về các vấn đề ngoài vũ trụ, Ủy ban LHQ về sử dụng hòa bình không gian bên ngoài và Ủy ban Tư vấn về hệ thống dữ liệu không gian, là những cơ quan quốc tế trong lĩnh vực không gian tiêu biểu cho sự hợp tác này. Nhìn lại lịch sử, năm 1975, 10 quốc gia châu Âu thành lập Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA); năm 1998, Mỹ và Nga cùng nỗ lực xây dựng Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), là những minh chứng cho tầm quan trọng của các nỗ lực phối hợp quốc tế cho các nhiệm vụ ngoài không gian.
Các tổ chức không gian đa quốc gia chủ yếu tập trung vào hợp tác khoa học và trao đổi dữ liệu. Trong khoảng 5-10 năm trở lại đây, đã có thêm nhiều tổ chức hợp tác mới ra đời, bao gồm Cơ quan Vũ trụ châu Phi với 55 thành viên; Cơ quan Vũ trụ Mỹ latin và Caribe có bảy quốc gia thành viên; nhóm Điều phối Không gian Arabia với 12 thành viên là các quốc gia Trung Đông. Việc hình thành những tổ chức này cho phép các nước hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác, đồng thời thúc đẩy khả năng nghiên cứu, triển khai những công nghệ không gian tiên tiến.
Ngoài ra, một nhóm lớn các nhà đầu tư, bao gồm cả khu vực công và tư, đang đầu tư vào không gian, với mức đầu tư đạt mức cao nhất từng được ghi nhận là hơn 70 tỷ USD vào năm 2021 và 2022. “Khi công nghệ tên lửa cỡ lớn trở nên phổ biến vào khoảng 10 năm tới, sẽ có nhiều cơ hội hơn cho những hoạt động khai thác không gian và dịch vụ trong quỹ đạo. Những ứng dụng như du lịch vũ trụ không còn nằm trong lĩnh vực khoa học viễn tưởng nữa”, ông Suffredini nhấn mạnh. Các chuyên gia kinh tế của WEF cũng dự báo, thị trường du lịch không gian dự kiến sẽ đạt giới hạn ở mức khoảng 4-6 tỷ USD cho đến năm 2035, với phần lớn doanh thu đến từ việc lưu trú trên các trạm vũ trụ trong quỹ đạo.
PGS về Quan hệ quốc tế và Vũ trụ, Trường đại học Hàng không Mỹ trong bài viết trên The Conversation đánh giá: “Hợp tác toàn cầu trong khám phá và phát triển không gian, bao gồm vô số hoạt động từ các sứ mệnh không gian có người lái đến nghiên cứu khoa học và triển khai vệ tinh. Sự hợp tác này thể hiện một khía cạnh then chốt của nền kinh tế vũ trụ hiện đại, mang lại những lợi ích đáng kể đồng thời đặt ra những thách thức mới”. Đã có nhiều báo cáo cho thấy có sự tăng trưởng vượt bậc của các hoạt động thương mại trong không gian trong vòng 10 năm trở lại đây.
Các công ty tư nhân hiện cũng đang là những nhân tố tham gia có tính quyết định trong lĩnh vực không gian, góp phần cung cấp các dịch vụ vệ tinh và vận chuyển thiết bị, nổi bật là SpaceX của tỷ phú Elon Musk. Việc giảm chi phí phóng vệ tinh và liên tục đổi mới những hoạt động không gian đã đóng vai trò là chất xúc tác, giúp các tổ chức có thể thực hiện được nhiều nhiệm vụ, sứ mệnh hơn trong không gian hơn so trước đây. Song, điều này cũng cho thấy sự cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng tăng mạnh.
Số liệu của WEF chỉ ra rằng, số lượng vệ tinh được phóng mỗi năm đã tăng với tốc độ 50%, trong khi chi phí phóng vệ tinh đã giảm 10 lần trong 20 năm qua. Nhờ có chi phí thấp hơn cho phép nhiều vệ tinh được đưa vào vũ trụ hơn. Chi phí của các dịch vụ dữ liệu vệ tinh cũng đã giảm theo và dự đoán xu hướng tương tự sẽ tiếp tục lan rộng trên các lĩnh vực khác nhau. Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty Axiom Space, ông Michael Suffredini đánh giá: “Tương lai của không gian không chỉ phụ thuộc vào những điểm đến mà chúng ta xây dựng, mà còn phụ thuộc vào hệ sinh thái kinh tế mà chúng ta tạo ra trên đường đi”.