Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới

|

Trước sức ép chỉ số giá tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô... Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu chính sách tiền tệ, tài khóa ưu tiên cho tăng trưởng, đồng thời kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4%.

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm của Việt Nam duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, thu lớn hơn chi, cán cân thương mại thặng dư. Cụ thể, sản xuất công nghiệp duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực, ước tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 7,3% (cùng kỳ năm trước giảm 2,6%).

Kinh tế duy trì xu hướng tích cực

Trái ngược với tình cảnh trống trơn đơn hàng vào giai đoạn này năm ngoái, năm nay nhiều doanh nghiệp đã thay đổi thị trường và mang lại kết quả là người lao động không thiếu việc làm.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony cho biết, những ngày này, các công nhân vẫn tăng ca đều đều khi lượng đơn hàng của doanh nghiệp đã có đủ đến hết quý II năm nay. “Nhờ năm 2023 đã phát triển thị trường mới tại các quốc gia châu Á, đặc biệt là Malaysia... năm nay công ty đã bù đắp được sản lượng sụt giảm ở thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, so với cùng kỳ năm ngoái, các thị trường cũ như Mỹ, Trung Đông đã phục hồi nhẹ và có đơn hàng trở lại”, ông Quang Anh lý giải.

Tương tự, trong lĩnh vực điện tử, ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty CP Truyền thông và máy tính Thánh Gióng cho biết, đơn hàng liên tục đổ về những tháng đầu năm khiến doanh nghiệp phải tuyển thêm khoảng 25 lao động để đáp ứng thời gian giao hàng. "Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu của chúng tôi tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty kỳ vọng kết quả này sẽ được duy trì từ nay đến cuối năm”, ông Dương tin tưởng.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 305,53 tỷ USD, tăng cao ở mức 16,6% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tăng 15,2%; nhập khẩu tăng 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,01 tỷ USD. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp thành lập mới, gia nhập lại thị trường (98.800 doanh nghiệp) nhiều hơn so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (97.300 doanh nghiệp).

Đáng chú ý, ngành du lịch tiếp tục bứt phá với các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh. Tính chung 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đầu tư mới vẫn duy trì ở mức tăng cao so với cùng kỳ kể cả về số dự án và vốn đầu tư với 1.227 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (tăng 27,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD (tăng 50,8% so với cùng kỳ).

Tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt mục tiêu 6 - 6,5%

Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng có nhiều tín hiệu tích cực, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Việt Nam trong năm sẽ đạt được mục tiêu GDP mà Quốc hội và Chính phủ đề ra từ 6 - 6,5%, song cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tung ra các gói tài khóa làm trợ lực cho tăng trưởng. Đầu tư công dự báo vẫn là trợ lực chính cho tăng trưởng kinh tế, dự kiến số vốn được đẩy mạnh giải ngân là gần 700.000 tỷ đồng, tăng 12% so với 2023.

Về chính sách tài khóa, dự báo lạm phát của Việt Nam 2024 khoảng 3,5 - 4%, dù cao hơn mức 3,25% của năm 2023 nhưng vẫn dưới mục tiêu

(4 - 4,5%), là mức chấp nhận được. Cùng với đó, nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ so với thu ngân sách trong ngưỡng Quốc hội cho phép, nên chuyên gia từ BIDV nhận định rủi ro tài khóa chỉ ở mức trung bình và Việt Nam còn dư địa chính sách tài khóa cho những gói hỗ trợ mới. Ông Cấn Văn Lực cho rằng: “Chính phủ có thể cân nhắc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024, cùng với cho phép giảm lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất trong nước như thời kỳ dịch Covid-19”.

Cũng theo vị chuyên gia này, chính sách tiền tệ sẽ là nhóm “bổ trợ” thông qua việc điều hành chủ động, linh hoạt, cho phép cơ cấu lại nợ (cho phép gia hạn đến hết năm 2024). Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá…

Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, kịp thời ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, nhất là về pháp lý, định giá đất, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận vốn phát triển nhà ở xã hội... Ngoài ra, cũng cần kết hợp thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, liên kết vùng, cải cách thể chế kinh tế, năng suất lao động, tăng đóng góp vào tăng trưởng. Nếu phát huy, khai thác tốt các động lực tăng trưởng mới này, GDP có thể tăng thêm từ 0,9 - 1,4 điểm phần trăm trước mắt trong bối cảnh toàn cầu đang suy giảm cũng như lâu dài.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, tình hình kinh tế-xã hội còn những hạn chế, khó khăn, thách thức, đặc biệt là sức ép, thách thức về kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô còn lớn. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; tiếp tục giảm lãi suất cho vay; thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư; thu hút FDI có chọn lọc; củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, khuyến mãi, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách cụ thể, hiệu quả thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, nhất là về 3 lĩnh vực: thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, AI…

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, với việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ; phân bổ sớm 29,1 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại.