Tủa Chùa là huyện khó khăn bậc nhất của tỉnh Điện Biên, còn Huổi Só là xã khó khăn nhất huyện. Nhìn trên bản đồ, rẻo đất ven sông Đà ấy có hình chiếc bao đựng dao thật cân đối. Còn trong tiếng Dao, Huổi Só nghĩa là “khe suối”. Đây cũng là vùng tiếp giáp “ngã ba sông Đà - ngã ba tam tỉnh”, gồm: xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên), xã Nậm Mạ (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) và xã Cà Nàng (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La).
Chúng tôi dừng chân ở một homestay ngay bên cầu Pa Phông nhìn ra hồ sông Đà của Quàng Thị Hoa - người phụ nữ Thái, Phó Chủ tịch UBND xã và chồng tên Dành - người Dao quần chẹt. Mới đi vào hoạt động từ tháng 8/2023 trong điều kiện không có điện, phải chạy máy phát, nhưng lượng khách của khu lưu trú khá ổn định. Chị Hoa sinh năm 1989, tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế quốc dân, là một trong những gương mặt nổi bật của cộng đồng, tiêu biểu cho sự tiên phong của thế hệ trẻ.
Ghé Huổi Lóng, rất dễ dàng bắt gặp các bà, các chị đang se lanh, nhuộm chàm, dệt vải. Họ gần như giữ gìn nguyên vẹn trang phục truyền thống với phần tua rua chỉ đỏ, xanh, hồng thành một dải mềm mại buông từ cổ xuống ngực, nổi bật trên nền áo chàm tôn lên vẻ đẹp mộc mạc mà sâu lắng. Những mái tóc đen, mượt của phụ nữ Dao cũng được rẽ ngôi đơn giản nhưng tinh tế, lạ mắt theo đúng truyền thống. Chúng tôi đến đúng lúc đồng bào nhộn nhịp chuẩn bị cho Tết thanh minh. Bên chái nhà, phía thì có người nhuộm vải, phía kia người khác lom khom ngâm gạo, đồ xôi. Ngũ sắc ánh lên trong nắng bình minh đầy rộn ràng, nao nức. Bà con vừa vào bếp, vừa tự hào khoe, người Dao còn có bánh chưng đen với quy trình nhuộm gạo nếp từ than gỗ cây núc nác hoặc tro rơm nếp. Tro này phải đem hòa với nước suối đầu nguồn, để lắng rồi mới trộn vào gạo nếp. Bánh có hình gù, phần nhô lên giống như đỉnh núi, được bao quanh bởi 6 đường lạt dài chạy dọc. Phần gù càng nhô cao, bánh càng đẹp, sẽ được lựa chọn dâng cúng tổ tiên. Mầu đen của bánh tượng trưng cho sự hòa hợp của đất trời, con người, mùa màng bội thu, no ấm.
Nghệ nhân Ưu tú Phàn Quang Châu (Phàn A Bụ, sinh năm 1952) từng là một người lính tham gia bảo vệ Tổ quốc, trở lại đời sống thanh bình đã dành gần trọn cuộc đời để giữ gìn bản sắc dân tộc mình qua việc bảo tồn, thực hành các nghi lễ truyền thống và tinh hoa văn hóa. Từ những năm 2000, ông mở lớp dạy chữ Dao, lúc đông tới 70 người học, và bây giờ đã tách làm hai lớp, một lớp do người trong bản dạy các cháu tuổi mẫu giáo, một lớp ông dạy thanh thiếu niên và người trưởng thành. Gia tài quý giá nhất ông luôn nâng niu là những cuốn sách cổ của dân tộc mình. Không chỉ bảo quản, gìn giữ, ông còn nghiên cứu, ghi chép rồi lan tỏa đến cộng đồng.
Gió xứ này thật lạ. Khi êm ả như lời ru. Khi dữ dội rít lên trườn qua đèo vực. Khi âm vang như lời gọi tự ngàn xưa… Trưởng thôn Lý A Dén sinh năm 1985 tươi cười khoe với khách đứa con mới chào đời được hơn một tháng đã nằm nôi, vừa tắm nắng gió ngoài hiên vừa thiu thiu ngủ. Anh nói, mưa nắng thế nào thì đàn ông vẫn lên rừng, phụ nữ vẫn trồng bông, dệt vải và trẻ con sớm tối nô đùa.