1/Nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4, 112 già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên dương.
Nhận bằng khen tại Hội nghị tuyên dương, Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Nam, Trưởng ban liên lạc hát dân ca soọng cô tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ về tâm huyết gìn giữ và lan tỏa văn hóa dân tộc. Theo bà, dân ca soọng cô rất quan trọng trong đời sống của dân tộc Sán Dìu. Theo truyền thống, tục hát soọng cô thường diễn ra vào dịp nông nhàn, sau khi thu hoạch vụ mùa vào tháng 11 âm lịch, tháng Chạp hoặc trong các dịp lễ hội, Tết đến xuân về, đám cưới, hát giao duyên, đón bạn bè, anh em… và ngay cả trong lao động sản xuất để giúp tinh thần mọi người thêm sảng khoái hăng say làm việc. Hồi chưa làm câu lạc bộ, bà thường tham gia hát mỗi dịp liên hoan văn nghệ, giao lưu trong tỉnh. Từ niềm yêu thích làn điệu dân ca đến khi ý thức được cần phải giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Bà đã cùng các chị em thành lập nên Câu lạc bộ hát soọng cô tại thôn Trung Mầu năm 2013. Ngoài các giờ sinh hoạt tại câu lạc bộ, bà cùng các nghệ nhân khác còn tranh thủ truyền dạy cho thế hệ trẻ vào các hội, lễ, Tết, dịp hè. Bà còn tìm cơ hội cho các nghệ nhân được trình diễn tại đại hội của các ban, ngành trong tỉnh nhằm lan tỏa nét đẹp của văn hóa dân tộc mình.
2/Còn Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức (người dân tộc Pa Cô) thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị luôn trăn trở với những tri thức bản địa đang dần bị mai một. Ông bỏ công đi tìm hỏi, nghiên cứu các tri thức bản địa của các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều tại địa phương. Thí dụ như kinh nghiệm về thời tiết, kinh nghiệm làm nhà, kinh nghiệm qua sông, kinh nghiệm lấy vợ, kinh nghiệm phát nương làm rẫy, kinh nghiệm đi lấy thuốc trên rừng… Đi đâu ông cũng ghi chép các làn điệu dân ca rồi đem về dịch ra tiếng Vân Kiều, Pa Cô và tiếng Kinh.
Nghệ nhân cho biết, lúc đầu cũng khó khăn lắm, thí dụ về dân ca, cứ mỗi làng bản còn người lớn tuổi, bậc cao niên thì còn biết, hiểu được khoảng 30 đến 40 bài. Gặp các nghệ nhân đó, phải nhờ họ đọc và mình ghi âm. Sau đó mình về nhà nghe lại rồi ghi chép. Rồi xây dựng giáo án từ các tài liệu thu thập để đi truyền dạy một cách bài bản.
Nhiều cơ sở giáo dục đã mời nghệ nhân Kray Sức về truyền dạy các tri thức dân gian của dân tộc Pa Cô, Vân Kiều. Bắt đầu truyền dạy từ năm 2011, đến nay nhiều học trò của ông đã trở thành giảng viên, cùng ông bước trên con đường gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Ông chia sẻ, mình làm cho họ thấy các điệu dân ca dân vũ của họ thật là đẹp. Bởi thực tế nhiều người rất ngại ngùng do nhiều nơi còn quan niệm rằng văn hóa của dân tộc thiểu số là lạc hậu. Có nhiều nơi thì người ta cứ nghĩ mặc trang phục đồng bào Pa Cô thì người Kinh sẽ coi thường. Rồi có những nơi có suy nghĩ là hát dân ca của mình làm gì, ai nghe đâu. “Tuy vậy, thời gian gần đây chúng tôi đã thu hút được tương đối đông các em, đặc biệt là các em nhỏ. Trong năm 2023, chúng tôi đã truyền dạy được cho 406 học viên. Sau hội nghị này chúng tôi sẽ mở khoảng ba đến năm lớp nữa”, nghệ nhân Kray Sức cho biết.
3/Nghệ nhân Y Sim ÊBan (dân tộc Ê Đê, tỉnh Đắk Nông) mong muốn sớm có chính sách hỗ trợ kinh phí phù hợp, tạo môi trường cho các già làng, trưởng buôn, những người có tâm huyết và năng khiếu sáng tác, sưu tầm, bảo tồn các giá trị, nét đẹp tinh hoa văn hóa của các dân tộc. Theo ông, cần có thêm những hướng dẫn, các biện pháp quản lý, giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa trong lễ hội truyền thống cũng như phong tục, tập quán tốt đẹp cho các cán bộ văn hóa, chính quyền cơ sở và nhân dân.
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, sẽ tiếp thu các góp ý, các đề xuất giải pháp, từ đó nghiên cứu đề xuất các chính sách, xây dựng nội dung, giải pháp bảo tồn cụ thể, thiết thực để bảo tồn văn hóa các dân tộc, góp phần giữ gìn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, tránh nguy cơ bị mai một, phai nhạt bản sắc dân tộc. Đồng thời, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào.
Tính đến cuối năm 2023, trên toàn cộng đồng dân tộc Sán Dìu của tỉnh Vĩnh Phúc đã có 40 câu lạc bộ hát dân ca soọng cô. Các nghệ nhân đã vận động kinh phí và in được hơn 300 bản sách về các bài hát soọng cô như một cách để lưu truyền lại tiếng nói, chữ viết cho người Sán Dìu.