Có chỗ bạn chỉ gặp một vài nhà sàn nhưng có chỗ bạn gặp vài chục cái như vậy. Ngày trước, kho lương thực được làm bằng cọc gỗ, cửa gỗ, phên đan bằng tre lồ ô và trên nóc cũng lợp bằng thân cây lồ ô đập dập. Tuy nhiên, những năm gần đây, kho đã được “tôn hóa” bằng các mầu sắc công nghiệp. Đi từ xa nhìn lên, các kho lương thực lô nhô giống như bản làng nho nhỏ chênh vênh bên vách núi.
Đi trong không gian này, du khách sẽ đi qua các thửa ruộng mà người đồng bào đã treo những chiếc chuông xập xòa nhờ gió thổi để đuổi chuột vào phá lúa. Và bên dãy hàng rào đều tăm tắp, uốn lượn theo triền dốc, những mầm rau xanh mướt đang vươn lên. Dưới chân hàng rào, đàn lợn, chó, mèo nằm phóng mắt lơ đãng. Chúng điềm nhiên và kệ người lạ đi qua.
Đến đây, du khách nên đi chậm để cảm nhận được sự khác biệt ở vùng dân cư không cách xa đồng bằng hoặc vùng duyên hải là mấy nhưng lại khác xa trong lĩnh vực thâm canh, trong tiêu chí cộng đồng và sự tinh tế dựa vào thiên nhiên, yêu thiên nhiên. Cách đồng bào nơi đây tạo ra âm thanh đuổi chuột phá lúa bằng sự kết nối thân cây lồ ô ngang dọc, buộc một hòn đá treo đầu ngọn vít cong cần, chỉ gió nhẹ hòn đá cũng đung đưa khiến sợi dây căng nặng nhích nhẹ tạo âm thanh xua đuổi bọn gặm nhấm khiến ai nấy nghe được đều thích thú. Còn bên trong ruộng rẫy, người Xơ Đăng đã bày những hình nộm trông coi mùa màng, mục đích là đuổi thú hoang, chim rừng sà xuống ăn cây, mổ hạt vui mắt khiến ai ai cũng muốn đến để chạm vào.
Bề ngoài tuy nhỏ nhưng khi bước vào kho, ngoài lương thực sẽ thấy có đủ những vật dụng, đồ dùng của đồng bào được đan bằng tre, kết hợp dây mây khéo léo tinh xảo. Trong đó có những gùi to cho người lớn, gùi nhỏ cho trẻ em, gùi có nắp đựng bắp đựng cơm, gùi có chân lên nương hái rau, lấy nấm. Một nền văn hóa riêng biệt truyền chảy trong đời sống cộng đồng chính là không gian của đồng bào Xơ Đăng trên dãy Ngọc Linh.