Chuyện kể rằng trước đây có đoàn đi khảo sát cung đường nối thành phố hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) với thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa). Từ những cánh rừng âm u đại ngàn, sau một đêm ngủ trong lều, sáng thức giấc, họ nhìn thấy những giọt sương trong nắng sớm đẹp hơn nhiều nơi khác, họ gọi đó là “cung đường long lanh”.
Đèo Long Lanh dài 30 km xuyên qua dãy núi Lang Biang và Vườn quốc gia Bidoup. Xã Đạ Chais nơi con đèo “trườn” qua là có diện tích rộng (341,04 km2) gần bằng một nửa diện tích tỉnh Bắc Ninh (823,1 km2) và là một xã tiếp giáp với ba tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và Đắk Lắk.
Đất rộng, ít người sinh sống nên không khí trong lành. Ở đây có nhiều loại gỗ quý nhưng có một loại cây cần phải nhắc đến đó là cây gió cho trầm hương. Với nhiều người trước làm nghề tìm trầm, họ không lạ với những cánh rừng nơi đây. Nếu tiếp cận được và thật sự thân tình, họ sẽ tiết lộ cho bạn vài bí quyết như nghe tiếng chim kêu trong đêm để đoán vị trí của cây gió. Và sáng hôm sau, họ sẽ đi theo tiếng chim hót đêm qua tìm đến khu vực có trầm.
Trong các đoạn đường đèo chinh phục để đến với Đà Lạt, mỗi đoạn đường đèo đều là một điểm đến ấn tượng. Nhưng với một người đi du lịch chỉ cần “cưỡi ngựa xem hoa” là đủ thì thưởng ngoạn cung đèo này bằng xe máy không những thử thách khả năng ngồi trên yên xe khi qua các khúc cua mà còn khiến bạn phải thể hiện bản lĩnh tránh bật ra cảm xúc trước vẻ đẹp thơ mộng của núi rừng quanh co.
Là chuyện hiếm với ai đó khi được ngắm sương phủ trên bạt ngàn đồi núi. Cũng không dễ dàng có những khoảnh khắc ngắm mặt trời lên hay đổ bóng mà vẫn còn đâu đó những giọt sương còn đọng vương vấn trên cây cỏ. Và cũng thật khó để có những giây phút tâm hồn như được tháo gỡ khỏi những chật chội đô thị để thế vào đó là những khoảng trống nhẹ lâng tinh khiết thì hãy thử một lần chinh phục đèo Long Lanh để nhận được những trải nghiệm thi vị, quý giá không gì đánh đổi được.