Quan điểm mới và tinh thần đối thoại ngầm ẩn

|

Công trình nghiên cứu khá đồ sộ “Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX trong bối cảnh văn hóa thời Lê mạt - Nguyễn” của PGS, TS Vũ Thanh chủ biên (và tập thể tác giả TS Nguyễn Đức Mậu, PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn, TS Phạm Thị Ngọc Lan, TS Trần Thị Hải Yến, TS Mai Thị Thu Huyền) là một ghi nhận đáng quý, rất cần thiết và hữu ích đối với công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học trung đại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Cuốn sách gồm hai phần, với tổng số là 5 chương.

Phần thứ nhất: “Văn học thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX trong bối cảnh lịch sử - văn hóa thời Lê mạt, Nguyễn”: 3 chương nội dung đi từ các vấn đề về bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX đến các vấn đề về đặc điểm, diện mạo chung của đời sống văn học và các thể loại, tác phẩm và tác gia tiêu biểu. Bằng việc đặt tình hình của đất nước Việt Nam thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX trong bối cảnh văn hóa khu vực Đông Á và thế giới, sách đã định vị được bản ngã Việt Nam, sự tiếp thu, chọn lọc tinh hoa của nền văn hóa trung tâm lúc bấy giờ (Trung Hoa) để kiến tạo nên một diện mạo riêng cho văn hóa Việt Nam ở các thế kỷ đó. Sự suy thoái của thể chế chính trị này, sự hưng thịnh của thể chế chính trị kia khiến cho bức tranh lịch sử xã hội có quá nhiều các gam mầu sáng tối khác nhau. Cũng bởi chính những gam mầu sắc sáng tối khác nhau ấy mà văn học thời kỳ này có nhiều thay đổi theo chiều hướng hướng đến con người nhiều hơn, chuẩn bị mở ra và bùng nổ của những xu hướng, trào lưu văn học giàu giá trị tư tưởng nhân đạo, nhân văn vượt thời đại.

Phần thứ hai của cuốn sách là “Văn học nửa cuối thế kỷ XIX trong bối cảnh văn hóa thời Nguyễn và thực dân phong kiến”, được sắp xếp trong hai chương: Chương 4 là bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa nửa cuối thế kỷ XIX và chương 5 là đặc điểm, diện mạo nửa thế kỷ văn học với khuynh hướng và tác gia tiêu biểu. Các khuynh hướng văn học như văn học yêu nước chống Pháp trở thành bộ phận chủ lưu chi phối đời sống văn học cả nước; văn học trào phúng, phê phán và tố cáo thực dân - phong kiến phát triển thành một dòng văn học; văn học trào phúng phát triển đến đỉnh cao với Trần Tế Xương; xu hướng văn học đô thị với Dương Khuê… đã được sách đặt ra và bàn luận đầy đủ, có chiều sâu, cung cấp một cái nhìn vừa toàn cảnh, vừa đặt trọng tâm vào những hiện tượng điển hình nhất. Trong các phần này, nội dung viết về văn chương yêu nước của Nguyễn Quang Bích; thơ Nguyễn Khuyến; thơ Trần Tế Xương, cũng như Dương Khuê là những phần viết có giá trị tham khảo tốt cho những ai quan tâm.

Công trình có quan điểm mới trong nhìn nhận giai đoạn văn học, nhìn nhận từng xu hướng văn học, từng tác gia văn học và ngay cả ở từng tác phẩm văn học tiêu biểu. Bản thân điều đó đã tạo cho cuốn sách một chỗ đứng hết sức đáng trân trọng trong bức tranh nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay và dường như, tinh thần đối thoại ngầm ẩn cũng là một điểm cần được lưu ý khi tiếp cận cuốn sách.