Những tác hại của thuốc lá

|

Hưởng ứng “Ngày Thế giới không thuốc lá” (31-5), Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và các bộ, ngành, đoàn thể về việc thực hiện hoạt động hưởng ứng. Qua đó, từ ngày 25 đến 31-5, tùy điều kiện chống dịch Covid-19 của từng nơi để triển khai “Tuần lễ quốc gia không thuốc lá”. 

Sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây bệnh và tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại việc hút làm tăng nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2, nhất là những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường… Với con số tử vong hằng năm trên toàn thế giới là 5 triệu người, phòng, chống tác hại thuốc lá đã và đang là một hoạt động y tế công cộng hết sức quan trọng đối với các nước trên thế giới. 

Năm 2011, chủ đề “Thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá” được WHO lựa chọn nhằm mục đích vận động các quốc gia thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả theo cam kết. Với chủ đề chính của năm nay là “Cam kết bỏ thuốc lá”, WHO kêu gọi các nước thực thi môi trường hoàn toàn không khói thuốc, tăng thuế thuốc lá, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao, cấm hoàn toàn quảng cáo, khuyến mại, tài trợ của các công ty thuốc lá và tạo nguồn kinh phí bền vững cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. 

Hút thuốc lá mang lại hệ lụy xấu cho nhiều gia đình, xã hội và độc tố chứa trong thuốc lá gây ra nhiều chứng bệnh nan y cho người sử dụng. Đặc biệt, hàng chục triệu người đã bị tiếp xúc với hút thuốc lá thụ động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2010 cho thấy, có 22,5% số người trưởng thành hút thuốc lá, trong đó 47,4% số nam giới hút thuốc lá và thuốc lào, nữ giới có 1,1%, là một trong nhóm 15 nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đã phối hợp các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Theo kết quả điều tra tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020, so năm 2015, tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành giảm từ 22,5% xuống còn 21,7%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn trong nhóm nước có số người hút thuốc lá cao. Không những thế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng. Khảo sát của Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cho biết, năm 2020 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh từ lớp 8 đến 12 là 8,35%, độ tuổi học sinh từ lớp 10 đến 12 cao hơn, với 12,6%, và xu hướng ngày càng tăng. 

Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội từ thuốc lá, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo ngành giáo dục tại các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, nhất là thuốc lá thế hệ mới tới sinh viên, học sinh các cấp. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về sức khỏe, cần có những quy định, chế tài mạnh mẽ với những người vi phạm thì sẽ có hiệu quả cao hơn so những lời kêu gọi, khuyến cáo như lâu nay.