Thăm thẳm Pha Luông

|

Anh bạn tôi, người rất sành địa lý khu vực Mộc Châu bảo rằng: “Leo Pha Luông đẹp nhất phải là tháng ba, tháng tư, khi tiết xuân đương nồng, thời tiết khô ráo, bầu trời quang đãng, cây cối xanh tươi, hoa đỗ quyên nở rộ. Khi ấy mới có thể cảm nhận hết sự hấp dẫn của cung đường ngoạn mục, cảnh sắc say đắm, núi non trùng điệp, thiên nhiên hùng vĩ và cả sự linh thiêng của đỉnh Pha Luông”.

1/Dường như nhận ra từ tôi cái sự mong đợi đến sốt ruột hàm ý từ câu hỏi ban đầu - “Mùa này đi Pha Luông đẹp không?”, anh cười và giải thích thêm: “Đó là nói thời điểm đẹp nhất. Thực ra lên được Pha Luông thì mỗi mùa mỗi vẻ, mùa nào cũng đẹp, miễn là có thời gian và sức khỏe. Chỉ có điều, nếu mưa gió thì không nên đi bởi sẽ rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm vì đường đi hiểm trở. Còn hiểm trở thế nào, cứ đọc mấy câu trong bài “Tây tiến” của Quang Dũng thì biết!”…

Và Pha Luông đã vào vòng ngắm cho chuyến đi…

2/Sau hơn hai chục cây số di chuyển bằng ô-tô đến bãi đỗ, bắt đầu hành trình bằng xe máy một đèo một lên Trạm kiểm soát Đồn Biên phòng Pha Luông. Đường đã dốc dếch, khúc khuỷu, nhưng chưa là gì so với chặng từ Trạm kiểm soát vào đến cửa rừng. Con đường mòn đúng là người đi, trâu, bò đi và nước chảy lâu ngày mà thành. Đường đã nhỏ, có chỗ hai người đi phải lách nghiêng để tránh nhau, lúc dốc ngược, ngay đó đã đổ xuôi như cắm đầu xuống, vòng vo quanh sườn đồi, trơn như đổ mỡ khi vượt qua những khe nước. Người yếu bóng vía thà đi bộ còn hơn ngồi sau xe máy.

Đứng ở chân núi nhìn lên, thăm thẳm đỉnh núi Pha Luông chìm khuất trong biển mây mù mịt! Anh bạn đồng hành mới quen tên Tú, với biệt danh Tú Pha Luông, bảo rằng: “May mà gặp ngày đẹp trời, sương mù ở dưới thấp tan sớm. Có ngày, sương mù phủ kín cả mặt đất nên đi xe máy vào chân núi đã khó khăn rồi!”. Đúng là chúng tôi gặp may, bởi Mộc Châu được mệnh danh là Mường Mọk, tức là xứ sở của sương mù. Sẽ là may hơn nữa nếu gần trưa leo lên đến đỉnh núi, gặp lúc mây mù tan hẳn, trời đất phong quang, có cơ hội nhìn ngắm cảnh vật, núi non hùng vĩ.

Vượt qua một sườn đồi cỏ dốc ngược mới được chừng dăm chục mét, mới đến cửa rừng mà cả đoàn đã phải dừng nghỉ, ai nấy hi hóp thở. Từ cửa rừng đi lên là con đường mòn dốc lên thăm thẳm, khúc khuỷu. Nhiều đoạn phải bám vào đá, vào cây rừng mà leo lên từng bước, từng bước một. Có đoạn dốc thẳng đứng, không có chỗ đặt chân, bám tay, người ta phải làm thang gỗ cho du khách trèo lên. Mới qua được một đoạn đường vài trăm mét mà ai nấy đã cởi áo khoác, có người chỉ mặc độc cái áo may ô. Trời lạnh là thế mà ai nấy đầm đìa mồ hôi. Trong khi mấy cháu bé người H’Mông chừng chưa đến chục tuổi, mang gùi trên lưng, bước đi thoăn thoắt như trên đất bằng.

…Nhưng chính hành trình lên núi cũng là một trải nghiệm thật thú vị. Lối mòn leo lên núi đi dưới tán rừng trùng điệp. Cây rừng tầng tầng, lớp lớp, to nhỏ chen nhau vươn lên cao. Có những cây rừng to cỡ mấy người ôm, bám đầy rêu mốc. Có những khoảng rừng, nhìn lên chỉ thấy một vòm lá xanh mà không thấy được ánh sáng trời. Thi thoảng lại có những thân cây đổ chắn lối, phải trèo lên hoặc chui xuống để vượt qua. Dây leo chằng chịt, buông võng xuống trước mặt. Mấy người trẻ tuổi, dư sức, còn bám lấy dây leo để đu như Tác-giăng. Bất chợt nghe tiếng suối chảy rì rào ngay đâu đó gần lắm mà không nhìn thấy dòng nước. Xa xa vọng lại tiếng vượn hú gọi bầy, nghe thật hoang dã mà bình yên.

Vượt qua một khe nứt sâu hun hút, tối om om, không nhìn thấy đáy, leo qua đoạn dốc cuối cùng để bước ra khỏi bóng rợp của tán rừng, đã hiện ra trước mắt một vùng đất khá phẳng, nghiêng chếch lên về phía trước. Đỉnh Pha Luông là đây. Trên mặt đất rặt một thứ cỏ mọc thành cụm, lá cứng cong cong khum xuống như những chiếc lồng đèn xanh xếp liền bên nhau. Thỉnh thoảng lộ ra những bãi đá rộng, phẳng phiu, mầu xám nhạt. Đó là thứ đá cát kết, trải qua quá trình phong hóa lâu dài, được mưa gió bào mòn, thổi sạch tinh không một chút bụi. Những bãi đá như tấm đệm thiên nhiên, được bày sẵn để mời gọi những du khách đã mỏi rã rời sau chặng đường “dốc thăm thẳm”, dừng chân nghỉ, thậm chí ngả lưng xuống, hít thở căng lồng ngực để thư giãn, để cảm nhận không khí trong lành đến tinh khiết trên độ cao gần hai nghìn thước của đỉnh Pha Luông.

3/Chúng tôi lên đến đỉnh Pha Luông đã 10 rưỡi trưa mà trời vẫn dày đặc sương mù. Đỉnh Pha Luông như một hòn đảo nhô lên tưởng như đang nổi bồng bềnh giữa biển mây mù trắng đục… Tú Pha Luông lại động viên: “Ta chịu khó đợi đi. Em chắc thế nào sau 12 giờ trưa, mây mù sẽ tan thôi. Chi bằng trong khi chờ đợi mây mù tan, chuẩn bị bữa trưa là vừa”. Trải vải mưa ra mặt đá, bày đồ nguội cùng xôi mang theo, mở nút chai rượu vang, vậy là đã có một bữa trưa thịnh soạn. Vừa dọn chỗ ngồi xuống quanh mâm “đại tiệc lưng trời”, chưa kịp nâng cốc giấy, đã nghe tiếng ai đó hô lên: “Ôi đẹp quá, mây tan rồi kìa!”. Không ai bảo ai, tất cả bật đứng dậy, nhìn về phía nhóm mấy chục thanh thiếu niên của Câu lạc bộ Việt võ đạo Thanh Xuân, nơi có ai đó vừa cất lên tiếng hô. Đúng thật, những làn mây mù mỏng tang đang bay dần qua đỉnh núi về phía đông bắc. Cảnh vật dưới chân núi đang hiện dần lên, ngày càng rõ hơn, ngày càng rộng hơn, cho đến khi nhìn thấy rõ cả đường chân trời. Nhân bảo như thần bảo, lúc đó vừa 12 giờ trưa.

Gọi là đỉnh Pha Luông nhưng đó là một khoảng rộng cỡ đến cả ha, khá bằng phẳng như một mặt bàn đá khổng lồ, hơi nghiêng đều từ tây nam xuống đông bắc. Triền núi phía đông bắc chính là đất xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, nơi có con đường mòn “dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm” mà chúng tôi vừa chinh phục. Nói là “dốc thăm thẳm” nhưng còn có độ nghiêng để mà leo lên, nhưng về hướng tây nam chắc chỉ có bay mới lên được. Đỉểm cao nhất của đỉnh Pha Luông chính là nằm ở phía này. Anh bạn tôi mở smartphone ra đo được đúng 1.897 m độ cao. Vách núi ở đây dựng thẳng đứng như bức tường thành cao mấy trăm mét. Có nơi, vách núi trên cao còn nhô hẳn ra ngoài, chênh vênh đến rợn người. Phần lớn trên bức tường thành ấy chỉ có đá “trơ gan cùng tuế nguyệt”, không có một thứ dây leo nào có thể bám vào mà sống nổi. Có cảm giác như tạo hóa đã xẻ mặt đất ra rồi đội phần đất đá Pha Luông lên thẳng lưng trời. Một điểm check in đặc biệt hấp dẫn với nhiều người là mỏm Đầu Rùa, mỏm đá nhô hẳn ra ngoài vách núi, chơi vơi giữa không trung. Mấy anh bạn trẻ không sợ độ cao trèo ra mãi cái Đầu Rùa, đứng tạo dáng để chụp ảnh và tung lên các trang mạng xã hội. Người yếu bóng vía mà chứng kiến cảnh đó đã bủn rủn chân tay…

Trên đỉnh núi, hơi lệch về hướng đông nam, có một tảng đá to cỡ cả cái xe tải, tròn trịa, nhẵn nhụi, mầu xám sẫm, nằm cân đối như được ai đó sắp đặt trên mặt đất. Trên mặt quay về hướng tây nam của tảng đá có hình con rồng vươn đầu thẳng lên cao được khắc lõm vào mặt đá. Không ai biết hình đó do ai khắc và khắc từ bao giờ. Một số đường nét trên hình khắc đã mờ đi vì mưa gió, song vẫn có thể nhận thấy rất rõ hình hài của con rồng, thấy rõ cả mắt, sừng, râu trên đầu rồng và những móng vuốt cong nhọn của chân rồng. Người ta bảo đó là tảng đá thiêng, ai đã lên đến đỉnh Pha Luông đều phải đến thăm viếng. Có người còn leo lên trên đỉnh tảng đá, bày lễ vật, thắp hương, khấn vái, cầu mong những điều tốt đẹp, may mắn. Không hiểu làm sao mà họ leo lên được trên đó vì chung quanh tảng đá đều khá tròn, nhẵn nhụi và hầu như không có chỗ để bấu víu.

4/Đứng trên đỉnh Pha Luông nhìn về phía nam ngay dưới chân vách núi là vùng đất của huyện Sốp Bâu (đôi khi người ta đọc là Sốp Bao) của nước bạn Lào. Cứ theo như sử sách chép lại, trước khi người Pháp phân chia lại địa giới hành chính xứ Đông Dương vào năm 1893, vùng đất này vẫn là châu Mã Nam, thuộc phủ Trấn Man, tỉnh Thanh Hóa của nhà Nguyễn (Đại Việt). Xa xa phía đông nam, nhìn thấy rất rõ con đường mầu đỏ quạch và những bản làng vùng đất Tam Chung của huyện Mường Lát, Thanh Hóa. Ngay dưới chân vách núi về phía tây bắc là cột mốc số 268 biên giới Việt - Lào. Từ cột mốc 268 nhìn ra xa, biên giới Việt - Lào được phân biệt rất rõ nét bằng dải rừng cây xanh về phía Việt Nam và về phía Lào là những đồi cỏ tiếp đến những dãy núi hình răng cưa nối tiếp mãi về phía xa. Từ ấy nhìn về hướng đông bắc là mầu xanh bạt ngàn của cây rừng trên dãy núi Pha Luông và những bản làng với những mái nhà trông như những bao diêm trải ra dưới chân núi. Xa hơn nữa là vùng đất cao nguyên Mộc Châu, Vân Hồ trải ra như những lớp sóng xanh lam, kế tiếp nhau tít tắp mãi về phía chân trời.

5/Chúng tôi về đến Hà Nội thì nghe tin, có tập đoàn kinh tế đã được tỉnh giao cho lập dự án làm cáp treo lên đỉnh Pha Luông. Đúng là thời khắc mở cửa khai thác du lịch Pha Luông đã điểm khi con đường cao tốc hơn 70 cây số từ Hòa Bình đi Mộc Châu đã rục rịch khởi công. Đúng là có cáp treo rồi, Pha Luông sẽ đón khách nườm nượp lên thưởng ngoạn như Phan Xi Păng, núi Bà Nà, núi Bà Đen và du lịch Mộc Châu sẽ có thêm sức hút, kinh tế Mộc Châu sẽ phát triển mở mang hơn lên. Nhưng bên cạnh niềm vui vẫn canh cánh nỗi lo, liệu khi có cáp treo rồi, đỉnh Pha Luông còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, sự trong lành tinh khiết và cả sự linh thiêng vốn có hay không!

Mộc Châu - Hà Nội, tháng 1/2024