Nơi tôn vinh tinh hoa nghề Việt

|

Festival Nghề truyền thống Huế 2017 diễn ra từ ngày 28-4 đến 2-5 tại TP Huế, nơi hội tụ các làng nghề tiêu biểu đến các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”. Đây là sự kiện góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch và tìm đầu ra cho nghề thủ công truyền thống.

Trải qua sáu kỳ tổ chức, Festival Nghề truyền thống Huế tôn vinh nhiều nghề đã có từ lâu đời ở Huế cũng như nhiều địa phương trên cả nước. Không gian Festival làng nghề Huế năm nay được tổ chức trong một khung cảnh đặc trưng với 30 ngôi nhà rường - kiệt tác của nghề chạm khắc gỗ Huế bên cạnh bờ sông Hương, kéo dài trên suốt tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Hơn 320 nghệ nhân, phần lớn là nghệ nhân bàn tay vàng, nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú và những người thợ tài hoa của 40 cơ sở nghề ra mắt công chúng. Nhiều sản phẩm nghề truyền thống nổi tiếng vùng đất cố đô và nhiều làng nghề trong nước gồm: thêu, dệt, pháp lam, kim hoàn, chạm khảm, mỹ nghệ đồng, trúc chỉ, gốm, hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, tranh Đông Hồ... và các loại bánh, đặc sản ẩm thực Huế. Điểm mới của Festival nghề truyền thống năm nay là khai trương, đưa vào hoạt động Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ tại Huế, quy tụ gần 400 tác phẩm, hiện vật, tranh ảnh, tài liệu gồm các thể loại: tranh thêu, tranh thêu hai mặt, điêu khắc chỉ và các hiện vật được trưng bày liên quan đến nghề thêu. Sự ra đời của Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ sẽ tạo thêm nét văn hóa và điểm nhấn du lịch độc đáo, làm cho khu vực trục không gian văn hóa trên đường Lê Lợi (TP Huế) trở thành điểm đến hấp dẫn du khách khi đến Huế.

Mỗi làng nghề lại gắn với những câu chuyện lịch sử, những bàn tay vàng và những sản phẩm ấn tượng riêng. Trong nhiều làng nghề về tham dự Festival Nghề truyền thống Huế 2017, có một làng nghề khá đặc biệt, đó là làng nghề gốm Mỹ Thiện ở xã Châu Ổ, Bình Sơn (Quảng Ngãi). Nhiều tư liệu để lại cho thấy, vào thời Chúa Nguyễn, làng nghề này đã sản xuất các đồ gốm tinh xảo để Chúa Nguyễn sử dụng và làm tặng phẩm. Sang thời nhà Nguyễn, gốm Mỹ Thiện tiếp tục được sử dụng nhiều trong cung đình. Qua thời gian, làng nghề này đứng trước nguy cơ thất truyền, hiện chỉ còn hai vợ chồng nghệ nhân gìn giữ. Nghệ nhân Ngô Đào Giang cho hay: “Tham gia Festival Nghề truyền thống Huế chính là cơ hội để nghề gốm quảng bá đến mọi nơi biết được giá trị của làng nghề. Cuộc sống dù có nhiều thay đổi, song những giá trị truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống hiện đại”.

Festival Nghề truyền thống Huế tập trung vào hoạt động thao diễn nghề truyền thống để công chúng có cơ hội trải nghiệm các công đoạn tạo ra những sản phẩm truyền thống. Các sản phẩm sẽ được chọn lựa kỹ để giới thiệu sự tinh tế, nét tinh túy, đặc sắc của sản phẩm. Du khách và người dân được gặp gỡ các nghệ nhân nổi tiếng đến từ các làng nghề truyền thống trên cả nước, đồng thời sẽ cùng thực nghiệm hành trình từ đo, vẽ, thêu cho đến may áo dài tại không gian trưng bày và giới thiệu nghề may áo dài. Du khách còn được tham quan tua du lịch trải nghiệm nhà vườn Huế tại Thủy Biều, Kim Long; tua du lịch tương tác, biểu diễn nghề làm gốm tại Phước Tích… Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Phó Trưởng Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017 cho biết, năm nay Ban tổ chức sắp xếp các làng nghề tương đồng nằm sát nhau để các làng nghề có cơ hội so sánh, giao thoa. Du khách cũng có thể so sánh các sản phẩm và hiểu hơn sự đa dạng các làng nghề truyền thống trong cả nước.

Festival cũng là dịp mang đến những cơ hội đầu tư cho các làng nghề, như làng nghề đan lát Bao La (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) hiện luôn có nhiều đơn đặt hàng và không dễ có được sản phẩm nếu không đặt hàng từ sớm. Điểm mới tại Festival Nghề truyền thống Huế lần này là sẽ không tổ chức các chương trình hội thảo khoa học mà chỉ tập trung các hoạt động như: Bình chọn những tác phẩm thủ công truyền thống đặc sắc, tiêu biểu cho từng lĩnh vực; triển lãm các bộ sưu tập cổ vật quý hiếm liên quan đến các nghề thủ công truyền thống; lễ rước cộng đồng tôn vinh nghề, ẩm thực đường phố, biểu diễn thời trang áo dài… Điểm nhấn của Festival năm nay là Lễ hội áo dài với chủ đề “Hội họa Huế và áo dài” diễn ra tại cầu Trường Tiền. Đây là cuộc gặp gỡ giữa tinh hoa hội họa Huế và các nhà thiết kế đến từ ba miền: Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Trưởng Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế cho biết: Kỳ vọng của thành phố là đưa các kỳ Festival Nghề truyền thống trở thành một sự kiện lớn, là nơi để hội tụ, gặp gỡ, giao lưu các nghệ nhân cả nước. Ở đây, người dân và du khách sẽ nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh làng nghề Việt Nam thu nhỏ. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh việc khôi phục các sản phẩm thủ công của Việt Nam, phải xây dựng thương hiệu sản phẩm uy tín, có chất lượng để tiếp tục cạnh tranh được với thị trường quốc tế. Tinh hoa nghề Việt thể hiện qua Festival Nghề truyền thống Huế vừa mang ý nghĩa tôn vinh, vừa là nơi hội tụ và lan tỏa của các nghề truyền thống, nhằm tạo điều kiện để sản phẩm nghề truyền thống Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung tăng trưởng, có chỗ đứng trong nước và trên thị trường thế giới.