“Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” được đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na ở Phú Yên biểu diễn trong những ngày hội lớn. Ba loại nhạc cụ này hòa quyện trong âm điệu, tiết tấu và ngôn ngữ ngân lên âm vang của núi rừng. Tiếng trống đôi của các chàng trai với những động tác múa nhuần nhuyễn, tinh tế, cùng cơ thể và đôi bàn tay mềm mại của các cô gái tạo nên chuỗi âm thanh với tiết tấu đầy ngẫu hứng, lúc thưa nhặt nhẹ nhàng, lúc dồn dập sôi nổi. Cồng ba là giữ bè trầm tạo nên âm thanh sâu lắng, mượt mà. Còn chiêng năm có vai trò giữ giai điệu thanh thoát, ngân xa vang vọng đến chân núi, rừng sâu.
Ngoài các bài nhạc đón, tiễn khách khá phổ biến, nghệ thuật trình diễn, “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” còn có các bài giao lưu, cầu mưa, cầu hôn, đám ma, đâm trâu… được xem là hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa truyền thống không thể thiếu của người Ba Na ở Phú Yên. Đặc biệt, “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” còn có thể chơi được những bài hát mang âm hưởng cách mạng hùng tráng.
Năm nay đã ở tuổi 80, già làng thôn Xí Thoại, La Chí Thái chơi “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” từ lúc 15 tuổi. Theo ông, trước đây ông cha biểu diễn loại nhạc cụ này như thế nào thì nay vẫn giữ nguyên như vậy. “Đây là những nhạc cụ từ thời xa xưa của dân làng để lại. Hiện nay, chúng tôi đang rất gìn giữ vì sợ mai một, con cháu đời sau không biết đến. Mỗi khi nghe tiếng cồng chiêng vang lên, đồng bào rất sung sướng, xúc động”, già làng La Chí Thái, nói.
Đội nghệ nhân trình diễn “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” của thôn Xí Thoại có 24 thành viên. Ngoài nhạc cụ, đội còn có tốp nữ múa xoan hỗ trợ là những cô gái bản tuổi đời còn rất trẻ. Mỗi lần tiếng cồng chiêng ngân lên cũng là lúc đồng bào các dân tộc thả hồn vào nghệ thuật, họ cùng ước muốn mùa màng bội thu, bản làng đoàn kết, đất nước yên bình. Khi màn trình diễn lắng xuống, họ lại trở về với công việc nương rẫy mưu sinh.
Anh Bùi Văn Hiệp, Trưởng đội nghệ nhân “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” thôn Xí Thoại, cho biết: “Bất cứ lễ hội nào cũng có tiếng “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” kèm theo múa xoan, xập xẻng thôi thúc, rộn rã. Khi buôn làng tổ chức cúng lễ, tiếng âm vang của cồng chiêng bay cao chừng nào, không khí buôn làng vui tươi chừng đó. Đây cũng chính là âm thanh đặc biệt để người khác biết buôn làng mình đang làm gì”.
Hiện nay, huyện Đồng Xuân tiếp tục xây dựng và phát triển đội cồng chiêng của thôn Xí Thoại để lưu truyền cho thế hệ mai sau giữ gìn bản sắc truyền thống của người đồng bào các dân tộc thiểu số. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cũng đang triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo này qua việc khảo sát, thống kê, kịp thời phát hiện những bộ nhạc cụ có niên đại cổ xưa, chất lượng âm thanh tốt. Đồng thời tiến hành ghi âm, ký âm các bài nghệ thuật trình diễn từ các nghệ nhân giỏi để truyền dạy cho thế hệ trẻ; xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” gắn với quảng bá rộng rãi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng…
Ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho rằng, tỉnh cần bảo tồn di sản văn hóa này, bao gồm chủ thể là cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở Phú Yên, các thế hệ nghệ nhân lớn tuổi phải trao truyền được cho thế hệ nghệ nhân trẻ. Bảo tồn không gian mà di sản văn hóa này tồn tại và phát huy trong cuộc sống đương đại, bao gồm có cảnh quan thiên nhiên, sinh hoạt văn hóa xã hội cộng đồng và chỉ trong các môi trường đó, di sản văn hóa mới phát huy hết giá trị; tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu những giá trị, cái hay, cái đẹp của di sản văn hóa cho bạn bè trong, ngoài nước và gắn nó với phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong hoạt động du lịch… Biến di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” trở thành một “đặc sản” về văn hóa của Phú Yên, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Khó khăn nhất hiện nay là việc tập hợp các nghệ nhân của đội “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” tham gia luyện tập dự thi tại các ngày hội văn hóa, vì họ còn phải lo việc đồng áng để mưu sinh; kinh phí hỗ trợ luyện tập còn quá thấp; thiếu nhạc cụ, nên mỗi một lần biểu diễn phải đi tập hợp nhạc cụ ở nhiều nơi…