Nhập nhằng xe khách liên tỉnh tuyến cố định và xe hợp đồng du lịch

|

Sau khi cơ quan chức năng khám xét trụ sở Công ty TNHH Thành Bưởi, nhiều xe dù, bến cóc ở TPHCM đã hoạt động “bí mật” hơn, trong khi ở một số tỉnh thành khác, tình hình xe dù, bến cóc vẫn không thay đổi. Dù công khai hay “bí mật”, phần đông nhà xe đều dùng chiêu bài đánh tráo khái niệm giữa xe khách liên tỉnh tuyến cố định và xe hợp đồng du lịch để hoạt động.

Xe trung chuyển của nhà xe An Anh đón khách trên đường Yersin (TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Trong vai hành khách, phóng viên Báo SGGP đã gọi điện thoại đến một số hãng xe như Hoàng Anh, Thiện Trí (chạy tuyến TPHCM - Phan Rang, Ninh Thuận) để đặt vé đi Phan Rang. Tiếp đó, chúng tôi đến phòng vé của các nhà xe này trên khu vực quận 10 (TPHCM) thì được hướng dẫn ra xe trung chuyển, nhưng hỏi xe trung chuyển chạy đến đâu để được lên xe khách đi liên tỉnh thì nhân viên nhà xe... không nói.

Nhà xe chỉ hỏi thông tin căn cước công dân để làm hợp đồng dịch vụ vận chuyển. Tương tự, các nhà xe khác như Long Vân, Huỳnh Gia, Tâm Hạnh (chạy tuyến TPHCM - Nha Trang, Khánh Hòa), Điền Linh (chạy tuyến TPHCM - Đà Lạt, Lâm Đồng) cũng hẹn khách đến phòng vé, hứa sẽ dùng xe trung chuyển chở ra xe khách.

Mặc dù các nhân viên nhà xe không tiết lộ nhưng theo tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, nhiều nhà xe đều hoạt động kiểu “chân trong, chân ngoài”, nghĩa là vừa đăng ký vào bến xe khách theo quy định, đồng thời thuê địa điểm bên ngoài để đón khách. Vào những thời điểm bình thường, ngành chức năng không kiểm tra gắt gao thì họ sẽ đón khách ở các điểm bên ngoài. Xe trung chuyển (xe ghế ngồi, từ 16-29 chỗ) sẽ gom khách trong nội thành, chở khách ra vùng ven TPHCM để chuyển sang xe giường nằm đi các tỉnh, thành khác.

Trong vai một hành khách tại TP Vũng Tàu muốn đi TPHCM, phóng viên gọi đến tổng đài của hãng xe Toàn Thắng để đặt vé. Nhân viên phía đầu dây bên kia cho biết, có 2 loại xe là xe thường và xe VIP, giá chênh lệch nhau khoảng 50.000 đồng. Với loại xe VIP, khách được đón, trả ở nơi gần với nơi ở của mình nhất. Còn với loại xe thường, tùy từng thời điểm xe có thể đến đón, trả tận nơi hoặc khách phải đi xe trung chuyển đến một vị trí nào đó trong thành phố rồi mới lên xe đi tiếp.

Tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), thành phố này đang ra quân xử lý ô tô có hành vi vi phạm trên đường hoặc dừng, đậu, đón, trả khách trái quy định, kiểm tra, xử lý việc lập trái phép các “bến cóc”, các điểm giao dịch, văn phòng đại diện, chi nhánh của các đơn vị vận tải trên địa bàn, nhưng tình hình chưa được cải thiện nhiều.

Ở đầu đường Yersin (phường 10, TP Đà Lạt), từ ngày có sự hiện diện của nhà xe An Anh (chạy tuyến Đà Lạt - Ninh Thuận - TPHCM) thì cảnh phương tiện nhốn nháo diễn ra thường xuyên, nhất là vào khung giờ buổi trưa và chiều khi xe khách lớn quay đầu ngay khu vực giao nhau giữa đường Yersin - Trần Quốc Toản.

Khi bị lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, nhà xe này dời địa điểm vào khuôn viên khách sạn phía đối diện, đường nội bộ của khách sạn trở thành bãi tập kết đón, trả khách. Trên đường Phạm Ngũ Lão (phường 3), xe An Phú (tuyến Đà Lạt - Phan Thiết) cũng thường xuyên ra vào gây cản trở giao thông. Trên tuyến đường nội bộ khu quy hoạch như Golf Valley (phường 2) hay Phạm Hồng Thái (phường 10), các nhà xe thường xuyên hoạt động công khai.

Bằng cách thức thông báo lịch trình chạy xe, tiếp nhận đặt chỗ, bán vé cho khách đi xe và tổ chức trung chuyển khách từ nhà ra các điểm tập kết; hoặc sử dụng trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giao dịch hoặc các bãi đỗ xe công cộng để làm nơi tập kết khách, đón trả khách cho xe chạy tuyến cố định, xe hợp đồng…, các nhà xe dù làm sai quy định vẫn qua mắt được các cơ quan chức năng.

Nhiều hãng xe khai thác tuyến Vũng Tàu - sân bay Tân Sơn Nhất cũng đưa đón hành khách đến tận nhà thay vì đến bến bãi xe theo quy định. Cũng tại TPHCM, chỉ một đoạn chưa đầy 500m đường Nguyễn Thái Bình (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) đã biến thành bến cóc của các nhà xe chuyên chạy tuyến TPHCM - Vũng Tàu với tổng số lượt xuất bến từ đây lên đến hàng trăm chuyến mỗi ngày, gây mất an toàn giao thông và khiến người dân địa phương rất bức xúc.

Đà Lạt thành lập tổ xử lý “xe dù, bến cóc”