Mùa lễ hội nơi thung lũng đá

|

Bao đời nay, địa danh Phúc Sen (huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) được biết đến là “xứ sở” của người Nùng An với những hàng rào đá đặc trưng thấm màu thời gian. Cư dân bản địa không chỉ làm giàu nhờ nghề thêu, dệt truyền thống, nghề rèn nức danh mà còn nổi tiếng nhờ lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Cứ vào dịp thanh minh hằng năm, chủ nhân núi rừng Phja Chang lại mở hội đón khách thập phương.

Thung lũng Phúc Sen nằm gọn trong lòng dãy núi đá Phja Chang sừng sững với khí hậu ôn hòa; người dân thân thiện, mến khách. Vào những ngày nắng, ánh sáng len lỏi khắp từng con ngõ nhỏ, xuyên qua mó nước nông trong lòng những tảng đá cổ bị chia cách. Người già Phúc Sen không biết đá hình thành tự bao giờ, nhưng bao đời nay đá gắn liền với đời sống sản xuất và tinh thần của đồng bào Nùng An. Đi khắp xóm, đâu đâu cũng thấy đá và đá. Được mang về từ núi cao, những “nghệ sĩ nông dân” tạc đẽo đá, dựng nên những hàng rào vững chãi nhằm che chắn ruộng đồng, bảo vệ mồ mả, cây cối khỏi gia súc vào phá hoại. Thậm chí, có những ngôi nhà sàn được cấu tạo bởi nhiều cột đá được chế tác công phu, cao tới 1,5 m…

Thời điểm này, người dân Phúc Sen nô nức chờ đón lễ hội Thanh minh, dịp đoàn tụ quan trọng nhất trong năm. Tết Âm lịch, người Tày, Nùng Cao Bằng ở xa có thể không về kịp; nhưng dịp Thanh minh, không về là có tội với lễ giáo gia phong, có lỗi với thế hệ trước. Tiết Thanh minh của người xứ này thường kéo dài trong suốt tháng ba âm lịch, mỗi vùng lại chọn thời điểm tổ chức phù hợp theo phong tục truyền thống và lễ hội Thanh minh ở Phúc Sen là một trong những lễ hội lớn nhất. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng Sầm Việt An giới thiệu với chúng tôi về truyền thuyết tình yêu đôi lứa giữa chàng Sinh và nàng Minh gắn với ngọn nguồn dòng suối mát lành ngày đêm vun tưới cho những ruộng vườn, ngô lúa xanh tươi. Chính vì thế, lễ hội Thanh minh hằng năm cũng là dịp để dân bản tưởng nhớ mối tình sắt son và tri ân người xưa. Ngày nay, lễ hội Thanh minh còn là dịp để Phúc Sen quảng bá du lịch, văn hóa truyền thống nhằm thu hút khách thập phương đến tham quan, dự lễ hội và trải nghiệm không gian khoáng đạt của núi rừng.

Trảy hội Thanh minh, du khách sẽ được thưởng thức những làn điệu giao duyên mượt mà, sâu lắng. Văn hóa dân gian dân tộc Nùng phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại, trong đó có hát Hèo Phưn (nghĩa là mời gọi bạn cùng hát) giữ vị trí trung tâm. Chị Nông Thân Thương ở xóm Phja Chang giới thiệu: Hèo Phưn là làn điệu hát đôi với lời ca theo thể cổ phong, biểu đạt tấm lòng thủy chung son sắt, tình nghĩa và mến khách của người Nùng An. Đến nay, hát Hèo Phưn vẫn được lưu giữ gần như nguyên vẹn, mượt mà, đằm thắm như tâm hồn, cốt cách của người Nùng và là một trong những thể loại độc đáo trong kho tàng dân ca các dân tộc Cao Bằng.

Trải qua thời gian, những giá trị về văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Nùng cũng được thể hiện trong lễ hội Thanh minh bằng những cuộc thi đầy tính văn hóa như thi quay lợn mắc mật và đồ xôi ngũ sắc. Ông Nông Văn Vượng (xóm Lũng Sâu) mướt mát mồ hôi, hai tay uyển chuyển vừa quay lợn, vừa bắt chuyện vui vẻ với chúng tôi, giới thiệu về món ăn đặc sản quê mình khi cho biết, lợn quay ở đây ăn kèm với xôi ngũ sắc thì thật không còn gì bằng. Xôi ngũ sắc được người Nùng An làm bằng loại nếp mới, hạt to tròn, đều nhau. Nếp ngâm cùng với các loại lá cây riêng chỉ có ở núi rừng như: lá sâu sâu, lá cẩm tím, lá cẩm đỏ và hoa rừng bjóoc phón theo một công thức riêng. Xôi sau khi đồ chín được sắp lên với nhiều mầu: trắng, đen, đỏ, tím, vàng… không chỉ đẹp mắt, ngon miệng mà còn tượng trưng cho sự đâm chồi, nảy lộc của vạn vật thiên nhiên trong tiết Thanh minh.

Việc giữ gìn và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống luôn được Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Phúc Sen xác định là yếu tố quan trọng để giúp cho đời sống của nhân dân ngày một nâng cao, góp phần gìn giữ làng nghề, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đến Phúc Sen bất kể ngày nào, khách đường xa đều có thể nghe thấy tiếng búa chan chát vọng ra từ những lò rèn cổ truyền luôn luôn đỏ lửa. Ông Lục Văn Vấn là thợ rèn đời thứ tư trong bản Pác Rằng, bản thân ông cũng không nhớ nổi nghề rèn bao nhiêu năm tuổi, chỉ biết người già truyền cho con cháu, đời này qua đời khác dưới chân đỉnh Phja Chang: “Người thợ rèn Phúc Sen thuần thục sẽ tự xác định được độ chín của sản phẩm trong lò than để kịp đem nhúng vào chậu nước bên cạnh bễ thụt hơi. Có như vậy, những con dao quắm, cái rìu, cái kéo mới đạt độ cứng, độ dẻo cần thiết, phù hợp với công dụng của nó”. Hiện nay, những công cụ cầm tay của làng nghề Phúc Sen đã có mặt ở nhiều chợ trong và ngoài tỉnh Cao Bằng, được nhân dân trong vùng rất tin dùng. Nghề rèn vừa đem lại thu nhập, vừa là nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh nghề rèn, người Nùng An còn có một nghề truyền thống là dệt vải chàm. Người dân không dừng ở mức tự cung, tự cấp, may mặc trang phục truyền thống mà còn phát triển thêm sản phẩm thêu thổ cẩm được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Trang phục truyền thống của người dân Phúc Sen được làm từ loại vải chàm do họ tự tay dệt với khâu nhuộm vải từ nguyên liệu tự nhiên trong rừng, không sử dụng hóa chất. Cùng với nghề dệt là nghề thêu, thể hiện sự tài hoa của phụ nữ Nùng An, tạo nên những sản phẩm có kiểu dáng, hoa văn độc đáo với cách phối hợp màu vải, họa tiết, hoa văn, tạo nên sản phẩm đẹp, mang đậm bản sắc, thu hút được nhiều khách hàng. Bởi vậy, qua bao đời, bộ trang phục truyền thống với họa tiết thêu tay tỉ mẩn của người Nùng An dù không sặc sỡ, mầu mè, nhưng nền nã, chi tiết thấm đượm giá trị truyền thống của dân tộc.

Lao động miệt mài, đời sống văn hóa tinh thần của người Nùng An ở Phúc Sen đa dạng là vậy. Tiết Thanh minh nơi thung lũng đá như để người dân địa phương có cơ hội ôn lại những truyền thống tốt đẹp của quê hương. Giữ gìn nét văn hóa cổ truyền, một mặt lại xây dựng, quảng bá những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất cổ này. Năm nay, xã Phúc Sen chính thức trở thành một trong năm xã nông thôn mới đầu tiên ở Cao Bằng. Đây vừa là vinh dự, vừa là thách thức để người dân nơi đây tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng phát triển.