Trưng bày chuyên đề Bảo vật Hoàng cung - Kim sách triều Nguyễn (1802 - 1945) có 22 quyển kim sách tiêu biểu và 10 kim bảo (ấn) liên quan được lựa chọn trong số hơn 90 kim sách triều Nguyễn đang được Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ, bảo quản.
Kim sách được triều Nguyễn (1802 - 1945) dùng để ghi lại những việc chính sự, lễ nghi triều đình, những sự kiện lớn như các Hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích... Lời trong kim sách do chính vua viết hoặc giao các đại thần biên soạn. Việc chế tạo sách được giao cho bộ Lễ thực hiện.
Kim sách được làm bằng vàng hoặc bạc mạ vàng, theo khổ chữ nhật đứng, bìa trang trí hình rồng năm móng và hình phượng, gáy đóng bốn khuyên tròn. Hình rồng trang trí trên kim sách luôn có năm móng thể hiện biểu tượng vương quyền (chỉ đồ dùng hoặc những việc liên quan đến vua mới được dùng hình rồng năm móng để trang trí, rồng trang trí cho những nơi khác, những việc khác chỉ có bốn móng).
Mỗi quyển kim sách không chỉ chứa đựng những nội dung có giá trị về sự việc, lễ nghi mà còn chứa nhiều thông tin rộng hơn về lịch sử - văn hóa, mỹ thuật trang trí, cách thức chế tác, về triều đại chế tác,v.v. Nhiều quyển kim sách trong sưu tập có kèm theo kim bảo (ấn) được đúc cùng thời điểm.
Một số hiện vật gốm do TS Phạm Dũng hiến tặng.
Cũng trong dịp này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận sưu tập hiện vật gốm có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ III (sau CN) và lon sành thời Lê của TS Phạm Dũng (Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) hiến tặng; tiếp nhận sách “Tổng tập sắc phong Việt Nam” (tập 1) có khổ 81 cm x 126 cm, nặng 150 kg do TS Nguyễn Khắc Thuần dịch, chú giải, được in độc bản trên giấy lụa theo tỷ lệ của sắc; tiếp nhận sưu tập gồm nhiều tư liệu, hiện vật lịch sử, văn hóa của nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Trân (Huế).
Trưng bày Bảo vật Hoàng cung - Kim sách triều Nguyễn (1802 - 1945) sẽ đón khách tham quan từ ngày 31-3 đến tháng 8-2016.