Tập thơ “Mắt trong” của Bùi Việt Phương: Núi rừng trong những chiếc gương nhỏ

|

NDO - Khác mình đi sau tập thơ “Ngày lạ” (NXB Hội nhà văn, 2019) từng nhận giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, tập thơ mới “Mắt trong” (NXB Hội nhà văn, cuối năm 2020) của Bùi Việt Phương mang những phản chiếu nhỏ để gợi về vẻ khoáng đạt, lâu bền của miền núi cao to lớn. Sâu hơn, là những rung động nhiều ám ảnh trong thế giới nội cảm.

Tập thơ mỏng mảnh, gợi một cảm giác hơi “chênh vênh” như những bài thơ tự do gọn gàng của Bùi Việt Phương, nhưng đem lại cảm giác thoải mái khi đọc, khi người đọc tưởng tượng cách mà tác giả phác họa cảnh vật, con người, suy nghĩ… thông qua những dáng nét tưởng như tình cờ. Nhưng hẳn rằng, đó là những hiện hữu vật chất và trải nghiệm, suy tư đã trở đi trở lại với người viết một cách tự nhiên suốt nhiều năm qua trong không gian sống Hòa Bình, Tây Bắc của mình.

Bùi Việt Phương có “may mắn” được lớn lên trong một bối cảnh bình dị, thong thả của thành phố Hòa Bình, giữa một gia đình “thanh đạm” mà bố, mẹ, anh trai đều theo nghiệp dạy văn, bản thân Việt Phương đã có những năm đứng lớp môn văn ở trường cao đẳng sư phạm của tỉnh.

Cộng vào đó sự mẫn cảm tự thân, nhà thơ có nét tinh tế, dung dị riêng trong sáng tác mà nhờ đó, anh không dễ bị lặp, bị học theo, bị che bóng của nhiều cây bút thế hệ trước sống và viết ở vùng cao. Năng lực cá nhân và điều kiện được đào tạo dần trang bị cho Phương sự điềm đạm, bền bỉ cả trong nếp sống lẫn con mắt nhìn cuộc sống, để từ đó kể lại trong thơ mình như những câu chuyện nhỏ, gợi cho người ta nghĩ xa về những rung động và dòng chảy lớn rộng hơn.

“Vẽ” núi rừng, thung khe, như vài nét phẩy, tập thơ “Mắt trong” cho ta thấy tranh thủy mặc hiện lên mà có độ loang nhòe của mực, làm ra những lớp sương mù còn ẩn khuất điều gì. “Phác” mạch chảy đời sống người vùng cao, mà lướt nhanh qua hình thức, áo váy, lễ lạt, tập quán, tác giả đưa người đọc bước vào suy nghĩ, tâm tình ai đó, như là đã ngồi bên bếp lửa trên sàn mà nghe chủ nhà kể câu chuyện cũ vậy.

Và khá thú vị với vùng cao mà không phải khi nào cũng mang những đặc trưng của thiên nhiên, văn hóa, có những “khung tranh” mà trong đó, Việt Phương “ký họa” phố, nhà, đem đến cho ta cảm nhận không khí những thị xã vùng cao, những phố núi bàng bạc, cũ cũ, nhỏ nhỏ, đơn sơ mà không đơn giản. Tựa như khi chúng ta nghĩ về đời sống những gia đình, những dòng người miền xuôi lên cao lập nghiệp mà lâu năm trở nên ăn đời ở kiếp, vừa gắn bó, vừa nhớ nhung bản quán xa xôi, có khi đã ngoài tầm tay.

Mấy câu, đoạn thơ dưới đây cho ta những thấm ngọt mà có gì như còn băn khoăn đó:

“Những đỉnh non cao nhịn khát kể Mo

Ngàn đêm sử thiêng ra đến bể

Có một dòng sông từ đó…”

(Sông)

“Những cái cây lọc lõi nắng, mưa

Bỗng rùng mình hoang dã

Mùa sinh sôi không biết gọi tên từng loài

Nhưng bao giờ hồ hởi, cả tin cũng trùng tên, cùng tuổi

Biếc xanh…”

(Đêm tháng Giêng)

“Núi cựa mình lớn thêm trong bóng những người già…”

(Người già)

Và:

“Đồi Thung cứ an nhiên trong gió

Ngày gióng bương, tháng bụi, năm rừng…

Măng còn trẻ, măng sẽ tìm ra lối

Xanh, cao rồi cúi đầu thành quê hương”

(Đồi Thung)

Thuộc thế hệ sáng tác mới, Bùi Việt Phương (sinh năm 1981) có được cho mình những lựa chọn khá thông minh khi thể hiện những điều đã cần mẫn gom nhặt, mài gọt và sắp xếp vừa phải mà không bị sa vào sự ôm đồm, rườm rà, đồ sộ hay cố ý làm cho hoang dã, bồng bột khi “kể chuyện trên cao”. Hoặc mỹ lệ hóa hay trau chuốt để làm cho tưng bừng, lộng lẫy miền rừng núi nhiều bí ẩn. Dõi theo tập thơ “Mắt trong”, có một cảm giác sống gần, sống thật với cảnh quan, đèo dốc, với người, với số phận, với văn hóa, truyền thống mà ta biết rằng, mỗi người đến đó không dễ để nhận lấy và được đón nhận.

Từ ngữ trong nhiều bài thơ của “Mắt trong” nhờ thế, dung dị, mộc mạc mà trôi chảy, tươi tắn, và đẹp: “Từ trong “bạc lạc”, từ trong “bời lời”/Sông đã nguyện làm hồ của núi/Tin nhau những thác, ghềnh, suối, khe lòng ướm hỏi/Về đây/Về đây/Ăm ắp một vùng trời” (Gánh quê); “Người thợ rèn/Hình như cũng biết/Cúi xuống với chiếc điếu cày/Thả những lưỡi liềm trắng/Lên gặt một đám mây” (Vụ gặt); và cả những nghĩa tình: “Hôm nay sông chảy cho ngày sau nữa/Để đôi bờ kịp đến với mùa xuân/Em đã tới, áo choàng cho lũ trẻ/Ấm áp vừa chia, ấm áp lại quây quần” (Biên thùy)…

Mang một cảm hứng mạnh mẽ và bền bỉ về đất và người, về bản sắc và tinh thần sống, nhà thơ diễn giải vào những gì vừa cụ thể vừa chân thật nhưng lại “ảo” và “gợi”, như những chiếc gương bé cho ta thấy lướt qua không gian lớn. Nhưng sâu vào nữa, xa hơn những phối cảnh “tươi tốt”, giàu sức sống, đầy ắp niềm nâng niu, trìu mến của người sống biết ơn đất đai, núi thẳm, rừng già, Bùi Việt Phương ở “Mắt trong” thấp thoáng những chiêm nghiệm nhiều dự cảm mà người đọc có thể ngóng đợi ở những bước đi tới của người thơ này.

Không núi, không nước, không sàn cao, phố vắng nữa, mà gói gọn những cảm luận cuộc đời, nỗi người trong những câu thơ ngắn. Và rất thú vị, là đọc lên thấy “tươi mát”, nhiều hy vọng. Đó là khi nhà thơ viết:

“Ai từng rút cả bóng mình ra đan

Mới biết mùa xuân ngắn ngủi…”

(Với mùa xuân sẽ đến)

Và lạ, mà tinh, mà gần gũi nữa, là:

“Khi gỗ tạp vào bếp thay cho giấy nháp

Trước phút than tàn bỗng lại nổi vân vi…

… Và em lại chỉn chu,

dịu dàng,

không có tuổi”

(Một hình dung)

Và như có gì báo hiệu khác nữa, khi Bùi Việt Phương viết:

“Người kín tiếng như lưỡi dao

Khắc lên chuyến xe kỷ niệm”

(Nguồn sáng)

Không chỉ là cái được kể ra, mà hy vọng ấy, như người viết những dòng này cảm thấy, nó được nhận ra từ cách mà tác giả sử dụng hình ảnh, đường nét, khả năng tập hợp, cô đọng những ý tứ của mình để nói cùng người đọc. Tập thơ “Mắt trong”, có lẽ chính nó nên mang cái tên “Ngày lạ”, để tập thơ trước đó, hiền lành với những lãng đãng hoa niên, giữ lấy cái tên này. Nhưng vươn lên nữa từ mình hôm qua, Bùi Việt Phương, hiện đang công tác tại Hội VHNT tỉnh Hòa Bình, cho thấy khả năng chứng minh tiếp những “Ngày lạ” mới. Mong mỗi tập thơ tới đây của Phương sẽ tiếp tục xứng đáng với những ngày lạ, ngày mới, ngày khác trên con đường thơ mà anh có thể nhận được, bằng sự quên mình và không ngừng sáng tạo, như những câu thơ trong bài “Có một người”, trong tập thơ này:

“Tôi chắp tay trước một hạt mầm

Sẽ lặng lẽ thành cây

Xòa bóng vào hối hả”.