Không để "quy trình ngược" trong điện ảnh

|

Vừa qua, bộ phim "Vị" (Taste) của đạo diễn Lê Bảo đã được trao giải tại hạng mục "Encounters" (Những cuộc gặp gỡ) tại Liên hoan phim quốc tế Béc-lin (Đức) lần thứ 71 năm 2021. Theo thông tin từ Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Cục chưa nhận được đề nghị cấp phép phổ biến phim "Vị". Như vậy, rất có thể bộ phim này tiếp tục lặp lại trường hợp như phim "Ròm", đưa đi dự thi ở nước ngoài khi chưa được cấp phép phổ biến trong nước.

Thi trước, xin cấp phép sau

Bộ phim "Vị" của đạo diễn Lê Bảo lấy bối cảnh khu dân cư lao động tại TP Hồ Chí Minh cùng câu chuyện về cuộc sống, góc nhìn của một thanh niên da màu gốc Phi, vốn là cầu thủ bóng đá thất nghiệp sống trong một khu ổ chuột, tìm cách mưu sinh qua ngày. Trường hợp của "Vị" gợi nhớ đến phim "Ròm" của đạo diễn Trần Thanh Huy. Năm 2019, đơn vị sản xuất phim "Ròm" là Công ty cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film) đã tự đăng ký và gửi tác phẩm tham dự Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Bu-san tại Hàn Quốc lần thứ 24 khi chưa được Cục Điện ảnh (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp phép phổ biến phim tại Việt Nam.

Ngay sau đó, Cục Điện ảnh đã ra thông báo về việc phim này vi phạm Luật Điện ảnh.

Cụ thể, căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, tại điểm d khoản 1 Điều 41 và điểm a, điểm b khoản 2 Điều 41 quy định: "Phim tham dự liên hoan phim phải có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình". Một tuần sau khi gửi phim dự thi ở nước ngoài, HK Film mới đưa tác phẩm "Ròm" trình duyệt với Cục Điện ảnh và có buổi chiếu thẩm định. Theo Cục Điện ảnh, đơn vị này cùng lúc vướng nhiều sai phạm. Ngoài việc phim chưa có giấy phép phổ biến đã tham dự LHP quốc tế, cơ quan quản lý còn đề nghị nhà sản xuất giải trình về việc người có quốc tịch nước ngoài tham gia sản xuất phim mà không thực hiện giám định kịch bản theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL ngày 19-9-2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hướng dẫn thực hiện một số quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện ảnh; trong đó có thủ tục cấp giấy phép cho tổ chức trong nước hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Sau các buổi làm việc với Cục Điện ảnh, ê-kíp phim "Ròm" cam kết rút phim khỏi LHP Quốc tế Bu-san 2019 dưới mọi hình thức, đồng thời sẽ trình duyệt để thực hiện quy trình xin cấp giấy phép phổ biến bộ phim. Tuy nhiên, "Ròm" sau đó không rút khỏi LHP và vẫn nhận giải thưởng. Ngày 8-10-2019, trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, điều này là vi phạm pháp luật cần xử nghiêm, ngay cả khi bộ phim đoạt giải.

Hiện nay, nhiều LHP quốc tế đang áp dụng quy trình tuyển phim trực tiếp với các cá nhân, đơn vị sản xuất mà không thông qua cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Dù vậy, để bảo đảm quy trình cấp phép phổ biến và phân loại phim được diễn ra chặt chẽ, hầu hết các nhà sản xuất đều chủ động liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn, tiến hành thủ tục cần thiết. Nhiều bộ phim của các đạo diễn Việt kiều hoặc người có quốc tịch nước ngoài tham gia sản xuất, diễn xuất như phim "Song Lang" (đạo diễn Leon Quang Lê) hay loạt phim của đạo diễn Victor Vũ đều tuân thủ chặt chẽ quy trình này. Khi gửi dự thi hoặc ra thị trường, các phim trên đều đoạt giải thưởng uy tín, doanh thu cao.

Hiện tại, đang có các trường hợp đơn vị sản xuất, đạo diễn mang phim đi dự thi, công bố ở nước ngoài trước, sau đó mới về nước xin cấp phép phổ biến và phân loại phim. Điều đáng nói là so với giai đoạn trước, vài năm trở lại đây, hiện tượng này ngày càng nhiều, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và hoang mang dư luận. Các chuyên gia điện ảnh nhận định, trên thế giới và một số nước có nền điện ảnh phát triển ở châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Xin-ga-po… trước khi tác phẩm điện ảnh dự thi hoặc phổ biến ở nước ngoài, các đơn vị sản xuất phải tuân thủ quy trình cấp phép phổ biến và phân loại phim trong nước. Quy trình này bảo đảm để không lọt tác phẩm có nội dung nhạy cảm, phản cảm, ảnh hưởng tới mọi mặt của xã hội và con người.

Nhiều hệ lụy…

Tác phẩm điện ảnh chưa thực hiện quy trình xin cấp phép phổ biến và phân loại trong nước đem dự thi, phổ biến ở nước ngoài là thực trạng báo động cho nhiều vấn đề nan giải cần được kiểm soát, điều chỉnh để phù hợp với thực tế phát triển sôi động của điện ảnh Việt Nam thời kỳ hội nhập.

Đầu tiên, sự thiếu thống nhất, ngược quy trình có thể dẫn tới thực trạng: Bản phim được duyệt để cấp phép phổ biến và công chiếu, đến với khán giả trên các hệ thống rạp tại Việt Nam sẽ khác với bản phim đã dự thi, đoạt giải tại các LHP quốc tế. Một tác phẩm điện ảnh tồn tại nhiều phiên bản khiến đơn vị quản lý không thể kiểm soát được mức độ phổ biến của tác phẩm điện ảnh. Đã có những bộ phim khi trình duyệt xin cấp phép phổ biến và phân loại phim cam kết biên tập dựa trên các khuyến cáo về các nội dung, hình ảnh, âm thanh, lời thoại vi phạm những điều cấm của Luật Điện ảnh và các quy định khác của pháp luật có liên quan từ Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện hoặc phim ngắn. Song, tất cả bản phim dự thi, công chiếu ở nước ngoài và đưa đi khai thác qua những hình thức khác lại có nội dung khác bản được kiểm duyệt. Khi đơn vị quản lý phát hiện ra thì "sự đã rồi" và chính khán giả cũng không biết mình đang xem bản phim không đúng nội dung được cấp phép.

Thí dụ trường hợp phim "Vợ ba" của đạo diễn Nguyễn Phương Anh sau khi phát hành toàn quốc, vào tháng 5-2019, Cục Điện ảnh kiểm tra và phát hiện bản phim chiếu tại rạp khác với bản phim đã được thẩm định, cấp phép phổ biến và lưu chiểu. Đơn vị sản xuất là Công ty TNHH Ba sắc cầu vồng thừa nhận nội dung vi phạm và ngừng chiếu phim. Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có buổi làm việc với đại diện nhà sản xuất và quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đối với công ty này về việc thêm và làm sai nội dung phim đã được phép phổ biến được quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 4, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ, mức xử phạt là 50 triệu đồng.

Bên cạnh đó, câu chuyện phim Việt Nam đoạt giải ở nước ngoài nhưng chưa xin cấp phép phổ biến và phân loại phim trong nước đã tạo nên không khí căng thẳng, mâu thuẫn trong môi trường điện ảnh. Có những nhận định chủ quan cho rằng, phải chăng, vì quy trình trong nước khó khăn cho nên các nhà làm phim buộc phải tháo gỡ bằng con đường từ bên ngoài. Đặc biệt, khi các bộ phim đoạt giải, sức nóng của câu chuyện lại tăng lên. Thực tế, một số bộ phim do đạo diễn trong nước sản xuất, đoạt giải thưởng tại các LHP quốc tế là tín hiệu đáng mừng, nhưng trên chính các kênh phương tiện thông tin như báo chí, truyền hình, mạng xã hội thì giá trị giải thưởng đang chưa được nhìn nhận chính xác như mức độ vốn có. Chẳng hạn, bộ phim "Vị" của đạo diễn Lê Bảo không tham gia hạng mục tranh giải chính thức của LHP quốc tế Béc-lin với các phim lớn hàng đầu của thế giới mà chỉ tham gia hạng mục "Encounters" (Những cuộc gặp gỡ) là giải thưởng nhằm thúc đẩy các nhà làm phim khai thác những góc nhìn táo bạo để tạo ra những quan điểm mới trong điện ảnh. Hạng mục thi đấu chính thức và hạng mục mà phim "Vị" dự thi có hai Ban Giám khảo khác nhau. Phim "Vị" tranh giải cùng 11 tác phẩm khác, trong đó có bảy bộ phim là tác phẩm đầu tay của các đạo diễn. Giải thưởng của "Vị" không phải giải lớn nhất tại hạng mục này. Giải cao nhất dành cho phim tài liệu "We" của nhà làm phim Alice Diop (Pháp), ngoài ra còn có các giải cá nhân. Tương tự, một số phim Việt Nam góp mặt ở LHP quốc tế khác đều là phim ngắn, tham gia ở nhánh phụ. (*) Khi các phương tiện thông tin như báo chí, truyền thông chưa nhận định chuẩn xác và chừng mực về giá trị, liên tục dùng những cụm từ, như: thắng lớn, thành công rực rỡ, bước ngoặt, đỉnh cao, thành tựu… càng khiến môi trường điện ảnh nhiễu loạn, xuất hiện thêm những nhìn nhận thiếu tích cực.

Trong bối cảnh thay đổi của nền công nghiệp điện ảnh, Luật Điện ảnh cũng đang bộc lộ những bất cập, hạn chế khi chưa cập nhật các nội dung mới liên quan đến những vấn đề nêu trên. Nhiều nội dung trong quy định còn lỏng lẻo, thiếu cụ thể và thống nhất, gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành, xử lý. Các cấp quản lý cần bổ sung, điều chỉnh biện pháp quản lý, nhất là ở khâu kiểm duyệt và khuyến khích phát triển tài năng trẻ. Cục Điện ảnh cho biết, dự kiến LHP Việt Nam lần thứ 22 năm nay được tổ chức tại Huế sẽ thêm hạng mục Giải thưởng cho phim ngắn và phim đầu tay. Đây là hạng mục gần như bị bỏ trống ở các LHP trong nước. Về phía các nhà làm phim, ngoài việc thể hiện năng lực, ý thức quảng bá cho tác phẩm, cần thực hiện đúng quy định pháp luật, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, hướng tới giá trị văn minh để tạo được niềm tin cho khán giả.

* Bài viết có cắt một chi tiết thông tin về giải thưởng của phim Ròm sau khi kiểm tra xác thực. Trân trọng thông báo với độc giả!