Xu hướng gia tăng đáng báo động
Theo điều tra sơ bộ, Công ty TNHH Thương mại du lịch kỳ nghỉ quốc tế (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) thông qua một công ty đối tác ở Đài Loan đã cung cấp dịch vụ visa cho 153 du khách của hai công ty có trụ sở tại Hà Nội (trong đó, chỉ một công ty có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế). 153 khách được chia thành bốn đoàn đi du lịch Đài Loan, khởi hành vào các ngày 21 và 23-12. Tuy nhiên, sau khi nhập cảnh Đài Loan, 152 người bất ngờ... "biến mất" . Hiện, một số trường hợp "mất tích" đã được tìm thấy hoặc tự giác ra trình báo đã bị cơ quan chức năng Đài Loan tạm giữ để phục vụ điều tra. Được biết, các du khách nói trên đi du lịch theo chương trình visa Quan Hồng - một chính sách được Đài Loan áp dụng từ năm 2015, nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực nhập cảnh dành cho các đoàn khách từ năm người trở lên đến từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo đó, du khách có thể được cấp visa qua mạng mà không phải chứng minh tài chính nếu đi theo tua của các công ty du lịch đã được Cục Du lịch Đài Loan kiểm chứng chất lượng. Bởi vậy, nhìn nhận vụ việc nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, đây là hình thức lợi dụng hoạt động du lịch và chính sách nới lỏng visa nhập cảnh cho khách du lịch của các quốc gia và vùng lãnh thổ để trốn ở lại lao động trái phép. Không loại trừ khả năng có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách này để hình thành đường dây tổ chức đưa người Việt Nam đi nước ngoài bất hợp pháp.
Điều đáng nói, đây là vụ có số lượng du khách nghi bỏ trốn lớn nhất chưa từng có tiền lệ trong lịch sử du lịch Đài Loan. Theo Cục Du lịch Đài Loan, ba năm qua, trong số hơn 500 du khách trốn ở lại qua con đường du lịch, 72% các trường hợp là du khách Việt Nam. Điều này báo động là tình trạng người Việt Nam lợi dụng hoạt động du lịch để lao động "chui" ở nước ngoài đang có xu hướng gia tăng, nhất là khi thời gian gần đây, nhiều kênh xuất khẩu lao động hợp pháp bị siết chặt do người có nhu cầu không đủ tiêu chí đáp ứng, và một số địa phương bị tạm dừng chỉ tiêu xuất khẩu lao động...
Phó Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Hanoi Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết: Nếu tham gia trốn trót lọt từ một tua du lịch nước ngoài thì một người chỉ phải mất chi phí vài chục triệu đồng, ít hơn nhiều so với những con đường xuất khẩu lao động khác kể cả chính ngạch hay bất hợp pháp. Đó là lý do tại sao những năm gần đây, du lịch trá hình đang là phương thức được không ít người lựa chọn để tìm cơ hội đổi đời nơi xứ người. Mấy năm qua liên tục ghi nhận nhiều trường hợp du khách Việt Nam bỏ trốn, nhất là ở các tua đến những quốc gia, vùng lãnh thổ tập trung nhiều lao động Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hay một số nước châu Âu. Nhiều người hẳn chưa quên vụ việc gần 60 du khách Việt Nam đã bỏ trốn ngay sau khi tới Jeju - hòn đảo được miễn thị thực của Hàn Quốc năm 2016. Hay mới đây, khoảng giữa năm 2018, một số nhân viên khi tham gia chuyến du lịch cùng công ty sang tham quan Hàn Quốc cũng đã "mất tích", không trở về cùng đoàn... Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, du lịch, lao động việc làm giữa các quốc gia mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Chiêu thức tinh vi, hệ lụy khôn lường
Những năm qua, để hạn chế tình trạng du khách trốn ở lại nước đến du lịch, nhiều đơn vị lữ hành uy tín buộc phải dốc tâm sức cho khâu kiểm định hồ sơ của du khách trước khi xin thị thực, bởi đây được xem là biện pháp sàng lọc quan trọng. Các khâu sàng lọc thường được áp dụng là: yêu cầu chứng minh tài chính, xác định nghề nghiệp, nơi cư trú, phỏng vấn, thậm chí xác minh thông tin về khách qua cả mạng xã hội... Tuy nhiên, theo chia sẻ từ đại diện nhiều hãng lữ hành, dù nỗ lực siết chặt thẩm định vẫn khó tránh khỏi những trường hợp "lọt lưới" bởi những chiêu thức, mánh khóe làm giả hồ sơ ngày càng tinh vi. Phó Giám đốc Công ty Lữ hành TransViet Nguyễn Tiến Đạt cho biết, có trường hợp du khách không biết bằng cách nào đã lấy được danh nghĩa là phụ trách đại diện khu vực cho một doanh nghiệp để dễ dàng vượt qua khâu thẩm định, sang Hàn Quốc rồi ở lại. Không ít trường hợp hồ sơ rất "đẹp" (thể hiện được có tài sản riêng và tiền gửi ngân hàng, đã từng du lịch qua nhiều nước...) nhưng vẫn tìm cách bỏ trốn. Theo chia sẻ của một số người làm du lịch, trong bối cảnh mà chỉ cần chi một khoản tiền sẽ "chạy" được sổ gửi tiết kiệm hay hợp đồng lao động với mức lương lý tưởng, cùng với đó là tay nghề ngày càng tinh vi trong làm giả giấy tờ thì khó tránh khỏi doanh nghiệp lữ hành có lúc "sập bẫy", để rồi sau đó đối diện nhiều hệ lụy ở các cấp độ như: nộp phạt, bị treo quyền xin thị thực cho khách, bị cấm tổ chức tua xuất ngoại..., ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh.
Việc bỏ trốn của du khách còn gây ảnh hưởng tới chính sách cấp phép nhập cảnh đối với những khách du lịch chân chính, bởi tình trạng này chắc chắn buộc chính quyền các nước sở tại phải xem xét, siết chặt lại chính sách visa. Thí dụ điển hình nhất là sau vụ việc 152 du khách Việt Nam bỗng nhiên "mất tích", Chính phủ Đài Loan đã quyết định tạm dừng cấp visa nhập cảnh theo chính sách Quan Hồng cho các đoàn khách đi qua các công ty lữ hành quốc tế Việt Nam được Cục Du lịch Đài Loan lựa chọn. Hay tại Hàn Quốc, nơi có số lượng lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp khá lớn, chính sách visa, nhất là visa tự túc cũng đang bị siết chặt. Ở một số tỉnh của nước ta có số người Việt Nam trốn lại Hàn Quốc khá cao, tỷ lệ đánh "rớt" visa du lịch càng nhiều. Bên cạnh đó, những du khách bỏ trốn ở lại nước ngoài ngay sau đó lập tức phải đối mặt với tương lai bấp bênh, nguy cơ bị xâm hại quyền lợi, lạm dụng sức lao động, thậm chí rủi ro về tính mạng... Và đương nhiên, khi bị phát hiện, họ sẽ bị xử lý theo pháp luật nước sở tại do vi phạm nhập cảnh như trục xuất, cấm nhập cảnh, trường hợp phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo luật pháp.
Siết chặt quản lý bằng chế tài đủ mạnh
Để hạn chế ở mức thấp nhất tình trạng đi lao động nước ngoài "chui" bằng con đường du lịch, giải pháp đầu tiên phải hướng đến chính là với những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Cần có hình thức truyền thông phù hợp để cảnh báo về những nguy cơ, hệ lụy lớn mà họ có thể gặp phải khi lao động bất hợp pháp. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền ở những địa phương có đông người đi lao động theo con đường không chính ngạch ở nước ta để cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe những đối tượng có ý định vi phạm. Bên cạnh đó, các đơn vị lữ hành với vai trò là đơn vị tổ chức tua và thu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của mình phải sát sao đối với việc sàng lọc hồ sơ du khách. Theo kinh nghiệm từ các hãng lữ hành có uy tín, muốn tránh bị qua mặt, bên cạnh việc xem xét giấy tờ tài sản, sổ tiết kiệm ngân hàng, còn cần phải để ý độ tuổi, kiểm tra các mối quan hệ nhân thân, công việc của bản thân người đi du lịch, bảo lãnh của cơ quan làm việc, hộ chiếu đã đi nhiều nước chưa... Trong trường hợp nghi ngờ, có thể yêu cầu khách bổ sung hồ sơ, nếu khách không có ý định bỏ trốn sẽ bổ sung ngay. Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái chia sẻ, cần quan sát du khách ngay cả khi họ đã tham gia hành trình tua. Đối với những người có ý định trốn, hành trang của họ sẽ khác so với những người có nhu cầu đi du lịch thật sự; thái độ cũng sẽ lén lút, lo lắng, hầu như không tập trung vào các thông tin hướng dẫn viên đưa ra...
Để làm trong sạch môi trường du lịch, cơ quan quản lý cần có biện pháp xem xét, quản lý năng lực của các doanh nghiệp lữ hành, phạt thật nặng đối với các công ty cố tình vi phạm. Bởi trên thực tế, có trường hợp các cá nhân, đơn vị môi giới sẵn sàng chi nhiều để bắt tay doanh nghiệp du lịch gài thêm người đi lao động trái phép. Tuy nhiên, biện pháp xử lý phải triệt để, tránh trường hợp công ty cùng lắm bị rút giấy phép kinh doanh nhưng sau đó lại "biến hình" thành công ty khác theo kiểu "bình mới rượu cũ" . Về lâu dài, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý vi phạm liên quan xuất nhập cảnh, cư trú bất hợp pháp, trường hợp người lao động lợi dụng du lịch để lao động bất hợp pháp khi trở về nước cũng cần xử phạt nặng. Nếu mức xử phạt tài chính đủ sức răn đe sẽ có tính áp chế cao đối với những người có ý định vi phạm.
Sau vụ việc 152 du khách Việt Nam nghi bỏ trốn tại Đài Loan, ngày 28-12, Tổng cục Du lịch đã có công văn gửi các doanh nghiệp lữ hành quốc tế yêu cầu thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hình thức lợi dụng du lịch đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép, bao gồm: chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; thực hiện kiểm tra, rà soát các đối tượng khách; cảnh báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho du khách; thực hiện ký hợp đồng đầy đủ bảo đảm quyền lợi cho du khách, doanh nghiệp; quản lý đoàn khách chặt chẽ trong quá trình tổ chức tua... Cũng trong ngày 28-12, Sở Du lịch Hà Nội quyết định xử phạt Công ty Golden Travel - một trong hai công ty đưa 153 du khách đi Đài Loan - số tiền 48.500.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trong thời hạn 9 tháng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi các sở văn hóa, thể thao và du lịch; sở du lịch các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý hoạt động tổ chức đưa du khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Đây là những giải pháp được cơ quan quản lý ban hành kịp thời nhằm chấn chỉnh tình trạng du lịch trá hình để xuất khẩu lao động.
Song có lẽ, chỉ sự vào cuộc của ngành du lịch, sự tăng cường rà soát hồ sơ của các hãng lữ hành thôi chưa đủ. Bởi xét đến cùng, việc kiểm tra hồ sơ cấp thị thực của các doanh nghiệp lữ hành dẫu sao cũng chỉ mang tính nghiệp dư, họ không thể đủ nghiệp vụ, thẩm quyền để xác minh tính chính xác của các loại giấy tờ. Trong khi đó, không phải ai cũng có thể tạo nên những bộ hồ sơ đẹp để vượt qua các khâu kiểm tra; đằng sau đó còn là sự giúp sức của những cá nhân, tổ chức khác. Để giải quyết triệt để tình trạng này đòi hỏi lực lượng chức năng của nhiều cấp, ngành như du lịch, công an, hải quan, quản lý thị trường lao động... phải cùng vào cuộc để không có thêm những trường hợp đi lao động chui bằng con đường du lịch, làm xấu hình ảnh du khách Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Phạt hành chính Công ty TNHH Thương mại du lịch kỳ nghỉ quốc tế 33 triệu đồngChiều 30-12, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, Thanh tra Sở vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 33 triệu đồng với Công ty TNHH Thương mại du lịch kỳ nghỉ quốc tế, đồng thời tước giấy phép hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế của công ty này trong vòng 12 tháng kể từ ngày 28-12-2018. Đây là đơn vị đã cung cấp dịch vụ visa cho 153 khách Việt Nam, trong đó có 152 người mất tích khi đến Đài Loan.
Theo Thanh tra Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, căn cứ vào Luật Du lịch, doanh nghiệp này đã vi phạm ba lỗi gồm: thay đổi địa chỉ hoạt động của công ty mà không khai báo trong vòng 15 ngày; không có hợp đồng bằng văn bản với du khách hoặc đại diện của du khách và vi phạm không dẫn khách theo hợp đồng, theo chương trình tua. Đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa cung cấp hồ sơ chứng minh tính hợp pháp của việc ký kết hợp đồng về việc cung cấp dịch vụ visa với Công ty ETholiday của Đài Loan và hai công ty tổ chức đoàn đi.
PV