Trái phiếu doanh nghiệp, trông giỏ bỏ thóc

|

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong bốn năm trở lại đây, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công so với lượng trái phiếu Chính phủ phát hành thành công đã cao hơn và ngày càng có chiều hướng tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường đòi hỏi các nhà đầu tư cần nâng cao năng lực phân tích rủi ro nhằm bảo đảm an toàn trong đầu tư.

Nhận diện các rủi ro

Theo các chuyên gia, trước hết nhà đầu tư cần lưu ý tới rủi ro tín dụng, có nghĩa là doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có khả năng trả lãi suất định kỳ hoặc không có khả năng thanh toán khoản gốc đúng hạn. Theo Finn Ratings, dựa vào biểu đồ "Tỷ lệ vỡ nợ tích lũy trung bình của trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu từ năm 1981", xác suất vỡ nợ của các doanh nghiệp tín nhiệm từ CCC tới C, trong 30 năm tỷ lệ vỡ nợ là hơn 50%. Mức BB và BBB thì xác suất vỡ nợ cũng 15-17%, nhưng 5 năm đầu thì dưới 10%. Ở một so sánh tương đương hơn là tại thị trường trái phiếu Thái Lan, hầu hết các doanh nghiệp hạng C đều phá sản trong vài thập niên, có công ty chỉ ba năm đã vỡ nợ; thậm chí có cả các doanh nghiệp hạng B cũng phá sản "vô cùng chóng vánh".

Do đó, nhà đầu tư trái phiếu dài hạn (5-7 năm) cần lưu ý vấn đề xếp hạng tín nhiệm ngay cả khi thị trường đang ở giai đoạn an toàn. Bởi trong trường hợp nhà phát hành phá sản, ưu tiên đối với nhà đầu tư không được xếp hàng đầu. Thứ tự ưu tiên sẽ là: đóng thuế, trả lương cho người lao động, thanh toán cho các nhà cung cấp nguyên vật liệu, trả nợ ngân hàng, thứ năm mới đến các nhà đầu tư trái phiếu và cuối cùng là cổ đông.

Rủi ro thanh khoản là cần đặc biệt quan tâm. Cụ thể, nhà đầu tư không thể ngay lập tức bán được trái phiếu khi có nhu cầu tiền mặt, hoặc không bán được trái phiếu với mức giá kỳ vọng, hoặc phải chi trả nhiều chi phí để bán được trái phiếu. Mặt khác, nhà đầu tư cũng cần lưu ý tới rủi ro định giá lãi suất.

Theo Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), quy định hiện hành tại Luật Chứng khoán và Nghị định số 153/2020, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành. Tuy nhiên, trong số doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn có doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc chất lượng tài sản bảo đảm kém.

Trong khi đối với những trường hợp doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, chính các doanh nghiệp phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Cũng theo khuyến nghị của Bộ Tài chính, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý, lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Ngoài ra, khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhà đầu tư còn có thể đối mặt nhiều rủi ro khác, bao gồm: rủi ro mua lại/tái đầu tư (nhà phát hành/công ty chứng khoán có mua lại trái phiếu trước đáo hạn không?); rủi ro thị trường (lạm phát, lãi suất, bất ổn kinh tế); rủi ro sự kiện (thay đổi về pháp lý, mua bán/sáp nhập, thiên tai và đại dịch)…

Mặt khác các nhà đầu tư cũng cần lưu ý, việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo đảm an toàn cho việc mua trái phiếu. Bởi đây chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không...

Nâng cao dân trí tài chính

Đầu tháng 9, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Công văn số 10059 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Việc này xuất phát từ thực tế bên cạnh những tác động tích cực đối với doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Ngoài vấn đề từ phía nhà đầu tư, Chính phủ cần tổ chức khảo sát tổng thể cấp quốc gia về tình trạng dân trí tài chính mang tính thường kỳ để đánh giá tác động, ảnh hưởng, vai trò của giáo dục trong phát triển tài chính toàn diện, xây dựng một khung chương trình giảng dạy quốc gia về giáo dục tài chính nhằm hình thành năng lực hiểu biết tài chính cơ bản, đồng thời gắn đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tài chính với chương trình quốc gia khởi nghiệp, bởi chiến lược giáo dục tài chính cũng đóng góp vào sự phát triển tài chính toàn diện và bảo đảm tính bền vững của nền kinh tế.