Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

|

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, dưới sự lãnh đạo của T.Ư Ðảng, Quốc hội, Chính phủ và hỗ trợ kịp thời của các ban, bộ, ngành T.Ư; kế thừa những thành tựu của các nhiệm kỳ trước, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo; nêu cao ý thức trách nhiệm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng và Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 15 đạt nhiều thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Ðây là cơ sở để bước sang nhiệm kỳ 16 (2020 - 2025), Thừa Thiên Huế tiếp tục xây dựng và phát triển thành thành phố trực thuộc T.Ư trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Nhiều thành quả nổi bật quan trọng

Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai, dịch bệnh, nhất là xảy ra sự cố môi trường biển, dịch Covid-19, nhưng Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã nỗ lực khắc phục khó khăn; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện có hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp và đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Có 15 trong số 17 chỉ tiêu của Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ 15 đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật là kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, bình quân ước đạt 6,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người ở mức cao so với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Ðã kiên trì thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; trong đó, dịch vụ và công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, dịch vụ phát triển đa dạng, du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kinh tế biển và đầm phá đang dần trở thành động lực phát triển. Nhiều dự án đầu tư lớn được cấp phép, triển khai, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Khẳng định và phát huy vai trò là trung tâm văn hóa, du lịch có thương hiệu quốc gia và khu vực. Công nghiệp - xây dựng tăng khá, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề được quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Hình thành các khu đô thị mới, khu nhà ở cao cấp thuộc khu đô thị mới An Vân Dương, làm thay đổi bộ mặt đô thị. Nông nghiệp phát triển ổn định; thị xã Hương Thủy, huyện Quảng Ðiền là hai đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ðã chú trọng phát triển kinh tế gắn bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều phong trào và hoạt động bảo vệ môi trường được phát động, lan tỏa ngày càng sâu rộng và có hiệu quả thiết thực.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, phát triển đô thị đạt những kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng, bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại. Toàn tỉnh có 14 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 54%. Nhiều công trình, dự án quan trọng về giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, đê chắn sóng được tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ðề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế được triển khai quyết liệt. Ðặc biệt, đã phát huy hiệu quả bốn trung tâm: văn hóa, du lịch; y tế chuyên sâu; khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước. Trong đó, nổi bật là công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Văn hóa Huế, con người Huế, bản sắc, đặc trưng Huế được quan tâm, chú trọng gìn giữ, phát huy và hội nhập tích cực. Bệnh viện T.Ư Huế, Trường đại học Y dược Huế và ngành y tế của tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là phòng, chống, kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong thời gian qua. Ðại học Huế khẳng định là một trung tâm lớn đào tạo đại học và sau đại học ở miền trung. Giáo dục mũi nhọn đạt kết quả nổi bật, có nhiều học sinh đạt Huy chương vàng, bạc, đồng tại các kỳ Ô-lim-pích quốc tế. Cơ sở vật chất, trường học được quan tâm đầu tư, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia được nâng lên.

Tỉnh cũng đã thành lập và vận hành hiệu quả Trung tâm hành chính công cấp huyện, Trung tâm hành chính công tỉnh, tạo đột phá mới về cải cách thủ tục hành chính. Tỉnh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu trong quản lý hành chính nhà nước, cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh. Giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và các chính sách an sinh xã hội đạt kết quả tích cực; hằng năm tạo việc làm mới cho 16.700 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4%. Ðời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, nhất là dân cư vùng ven biển, đầm phá, vùng sâu, vùng xa.

Thực hiện tốt công tác đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước. Kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển; hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có nhiều chuyển biến tích cực; khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp được quan tâm. Thành lập mới gần 3.500 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký gần 35.000 tỷ đồng. Kinh tế tập thể có nhiều đổi mới; toàn tỉnh có 300 hợp tác xã hoạt động với hơn 116.730 thành viên.

Thừa Thiên Huế mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác với hơn 40 nước. Phối hợp tốt giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế. Khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vốn FDI đang thực hiện đạt hơn 1.500 triệu USD. Giai đoạn 2016 - 2020 đã cấp mới 40 dự án với tổng vốn đăng ký và điều chỉnh tăng thêm hơn 1.500 triệu USD; quy mô vốn bình quân 37,5 triệu USD/dự án; giải quyết việc làm cho hơn 34 nghìn lao động, đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 90 triệu USD/năm. Công tác thu hút, vận động nguồn ODA và vốn vay ưu đãi thực hiện khá; có 14 dự án mới, tổng vốn vay nước ngoài 2.895 tỷ đồng.

Thành quả quan trọng nữa là, quốc phòng - an ninh được giữ vững; chính trị - xã hội ổn định; quan hệ đối ngoại được mở rộng. Ðã chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; không để xảy ra bất ngờ, phát sinh "điểm nóng". Tỉnh đã có quan hệ hợp tác, hữu nghị, kết nghĩa với 45 quốc gia, địa phương và vùng lãnh thổ, đặc biệt là đối với hai tỉnh nước bạn Lào có chung đường biên giới...

Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được Ðảng bộ tỉnh chú trọng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Nội bộ đoàn kết, xã hội đồng thuận, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng. Phương thức lãnh đạo của Ðảng có nhiều đổi mới. Ðã phát huy có hiệu quả vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, giải quyết các vấn đề khó, vấn đề nổi cộm của địa phương.

Triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" nghiêm túc, trách nhiệm và hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu; tạo chuyển biến cơ bản về ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực. Tỉnh ủy cũng đã phối hợp tốt với Ban Kinh tế T.Ư tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10-12-2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ðây là định hướng quan trọng, là tiền đề và làm kim chỉ nam cho tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.

Tuy còn một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt kế hoạch đề ra, nhưng những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định sự đúng đắn đường lối đổi mới của Ðảng, các nghị quyết của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy; là động lực quan trọng để Ðảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế xây dựng, phát triển trở thành thành phố trực thuộc T.Ư theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII).

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế

Mục tiêu xuyên suốt trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung tăng cường xây dựng Ðảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Ðến năm 2030, trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Ðông - Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đặc
sắc của châu Á.

Ðứng trước xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy chế, quy định, quy trình công tác để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Ðẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ để tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp. Phát triển kinh tế gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ðẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế. Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển; giữa giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống với đổi mới, sáng tạo; giữa thành thị và nông thôn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế và đặc thù riêng có của Thừa Thiên Huế. Quy hoạch lại không gian đô thị trung tâm theo hướng đặc thù trực thuộc Trung ương. Khôi phục toàn bộ các công trình di tích chính trong khu vực Ðại Nội (Hoàng thành) và các công trình văn hóa, khu phố cổ Gia Hội, Chi Lăng, Bao Vinh; bảo tồn phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ Phước Tích.

Tập trung đổi mới công tác giáo dục - đào tạo; xây dựng môi trường đậm đà bản sắc văn hóa Huế gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; nâng cao hệ thống thiết chế y tế chuyên sâu, hiện đại và cơ sở hạ tầng khoa học - công nghệ. Phấn đấu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Ðông -
Nam Á về văn hóa du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Chú trọng công tác dân vận của chính quyền, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Với tinh thần "Ðoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển", tin rằng Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ 16 (nhiệm kỳ 2020 - 2025) sẽ bầu được những người đủ đức, đủ tài, làm hạt nhân lãnh đạo thực hiện thành công mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp do Ðại hội đề ra, thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyết tâm cao của Ðảng bộ, quân và dân toàn tỉnh xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

LÊ TRƯỜNG LƯU

Ủy viên T.Ư Ðảng,
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Thừa Thiên Huế