Các cam kết của Việt Nam về hàng hóa - danh mục (hay còn gọi là “biểu” - schedule) thuế quan, hạn ngạch và mức trần trong trợ cấp nông sản dày 560 trang, kèm theo lộ trình cắt giảm thuế.
Các cam kết của Việt Nam về dịch vụ - tài liệu dày 60 trang mô tả các ngành dịch vụ mà Việt Nam sẽ mở cửa thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài kèm theo các điều kiện bổ sung, bao gồm cả hạn chế đối với sở hữu của nước ngoài.
Báo cáo dày 260 trang của Ban Công tác - mô tả khung pháp lý và thể chế liên quan tới thương mại của Việt Nam cùng với các cam kết mà Việt Nam đưa ra trong các lĩnh vực này.
Sau đây là những nội dung nổi bật trong cam kết gia nhập WTO của Việt Nam:
Hàng hóa
Việt Nam cam kết ràng buộc thuế suất (bound rates - tức thuế suất trần) đối với hầu hết sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp trong khoảng từ 0% cho tới 35% gồm 10.600 dòng thuế; trong đó thuế suất của một số sản phẩm được Việt Nam cam kết cắt giảm từ các mức thuế trần cao hơn và lộ trình thực hiện cắt giảm thuế kéo dài tới tận năm 2014.
Mức thuế bình quân toàn biểu được giảm từ mức hiện hành 17,4% xuống còn 13,4% thực hiện dần trung bình trong 5-7 năm. Mức thuế bình quân đối với hàng nông sản giảm từ mức hiện hành 23,5% xuống còn 20,9%; hàng công nghiệp từ 16,8% xuống còn 12,6%; Cụ thể, có khoảng hơn một phần ba số dòng thuế sẽ phải cắt giảm, chủ yếu là các dòng có thuế suất trên 20%. Các mặt hàng trọng yếu, nhạy cảm đối với nền kinh tế như nông sản, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, ôtô, xe máy... vẫn duy trì được mức bảo hộ nhất định. Những ngành có mức giảm thuế nhiều nhất bao gồm: dệt may, cá và sản phẩm cá, gỗ và giấy, hàng chế tạo khác, máy móc và thiết bị điện - điện tử.
Đồ uống có cồn, sản phẩm thuốc lá, cà phê tan và một số sản phẩm liên quan, ô tô và linh kiện, phụ tùng ô tô mới và cũ, ngói lợp nằm trong nhóm sản phẩm có thuế suất ràng buộc cao hơn mức thông thường. Ô tô đã qua sử dụng nhưng chưa quá 5 năm có thể bị áp thêm thuế tuyệt đối (flat-rate duties) nhưng thuế tuyệt đối bổ sung này cũng bị giới hạn ở các mức trần xác định.
Trong báo cáo của Ban Công tác, Việt Nam cũng bảo lưu quyền được áp dụng thuế thực tế dưới dạng thuế tuyệt đối (thí dụ như bao nhiêu đô la cho mỗi tấn) thay vì thuế theo phần trăm của giá hàng (thuế phần trăm - ad valorem) với điều kiện là thuế tuyệt đối áp dụng không vượt quá mức thuế trần đã cam kết.
Một số sản phẩm sẽ được bảo hộ thông qua cơ chế hạn ngạch thuế quan (thuế suất thấp đối với khối lượng nhập khẩu trong hạn ngạch và thuế suất cao đối với khối lượng nhập khẩu ngoài hạn ngạch) bao gồm: trứng gia cầm, lá thuốc lá, đường, và muối. Tuy nhiên Việt Nam sẽ mở rộng dần lượng hạn ngạch cho tới khi không còn hạn ngạch theo các lộ trình đã được nhất trí với các thành viên WTO.
Việt Nam cũng đã ký Hiệp định Công nghệ thông tin “nhiều bên” (từ “nhiều bên” có nghĩa là chỉ một số thành viên WTO đã ký Hiệp định này). Như vậy, nhập khẩu các sản phẩm công nghệ thông tin vào Việt Nam sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu. Một số trường hợp thì thuế suất 0% sẽ có hiệu lực áp dụng ngay lập tức, trong các trường hợp khác thì thuế suất sẽ được giảm dần về mức 0% vào năm 2010 cho tới năm 2014.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam cam kết không trợ cấp xuất khẩu. Việt Nam được phép dành hỗ trợ trong nước mang tính “bóp méo thương mại” (“Hộp hổ phách” hoặc “Hỗ trợ tổng gộp”, nghĩa là hỗ trợ có tác động trực tiếp lên giá hoặc lượng sản xuất) cho nông dân ở mức tối đa là 3.961,5 tỷ đồng Việt Nam (tương đương khoảng 246 triệu đô-la Mỹ), chưa kể tới việc Việt Nam vẫn được hưởng cả ưu đãi theo quy định dành cho các nước đang phát triển (gọi là mức “de minimis”) tương đương với 10% giá trị sản xuất nông nghiệp trong nước để hỗ trợ nông nghiệp trong nước. Cũng như mọi thành viên WTO, Việt Nam không bị hạn chế mức hỗ trợ không gây bóp méo thương mại đối với nông nghiệp (hỗ trợ dạng “Hộp Xanh lá cây”).
Dịch vụ
Việt Nam đưa ra cam kết đối với một loạt ngành dịch vụ gồm đủ 11 ngành dịch vụ, tính theo phân ngành thì khoảng 110.
Trong một số trường hợp, Việt Nam bảo lưu quyền hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn của các công ty cung cấp dịch vụ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam - chẳng hạn như trong một số dịch vụ viễn thông giới hạn cuối cùng về tỷ lệ sở hữu vốn của bên nước ngoài có thể là 49% hoặc 65% tùy theo loại hình dịch vụ.
Trong một số ít trường hợp, bên nước ngoài có thể ngay lập tức được quyền nắm sở hữu 100% như ngành kế toán. Trong nhiều trường hợp thì tỷ lệ sở hữu của bên nước ngoài sẽ được nâng lên dần để đạt tới 100% sau vài năm (chẳng hạn như dịch vụ phát chuyển nhanh là sau năm năm).
Các cam kết và một số quy định trong nước được nêu trong “biểu” (danh mục) cam kết về dịch vụ; các thông tin khác về quy định trong nước được nêu trong báo cáo của Ban Công tác.
Thí dụ, công ty nước ngoài không được hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức chi nhánh, trừ phi điều đó được cho phép trong từng ngành cụ thể. Với công ty nước ngoài thì ít nhất 20% nhân viên quản lý của công ty phải là người Việt Nam. Với ngành ngân hàng, Việt Nam hạn chế ngân hàng nước ngoài mua tối đa 30% cổ phần các ngân hàng trong nước.
Về phân phối, đến ngày 1-1-2009, Việt Nam cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tuy nhiên đã hạn chế khá chặt chẽ khả năng mở điểm bán lẻ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mở điểm bán lẻ thứ hai trở đi phải được cấp phép theo từng trường hợp cụ thể.
Báo cáo của Ban Công tác
Báo cáo của Ban Công tác trình bày khái quát về bối cảnh kinh tế và khuôn khổ pháp lý và thể chế của Việt Nam. Báo cáo này bao gồm các cam kết của Việt Nam về tiến hành cải cách mới hoặc duy trì cải cách đã khởi động từ trước để nhằm gia nhập WTO. Các cam kết đáng chú ý gồm có:
Cho phép dựa vào điều lệ công ty: Điều 52 và 104 của Luật Doanh nghiệp quy định một số vấn đề quan trọng có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp chỉ được phép thông qua khi có số phiếu đại diện ít nhất là 65% hoặc 75% của các bên góp vốn.
Một số thành viên cho rằng quy định như thế có thể vô hiệu hóa quyền của bên góp vốn đa số trong liên doanh khi họ chỉ chiếm 60% chẳng hạn. Việt Nam đã cam kết cho phép các bên tham gia liên doanh được thỏa thuận vấn đề này trong điều lệ công ty chứ không cần áp dụng luật và điều này sẽ có giá trị pháp lý.
Không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp nhà nước: Việt Nam cam kết nhà nước không can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, vào hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, kể cả trong các hoạt động mua bán của các doanh nghiệp này và doanh nghiệp của các thành viên WTO có cơ hội bình đẳng khi mua bán với các doanh nghiệp này, trừ lúc mua sắm chính phủ. Việt Nam cũng cam kết cách hiểu mua bán của doanh nghiệp nhà nước vì mục đích thương mại không phải là mua sắm chính phủ.
Quyền kinh doanh (quyền nhập khẩu và xuất khẩu): đây là chủ đề đàm phán hết sức gay cấn, một phần vì các thủ tục đăng ký khác nhau giữa thương nhân trong nước và thương nhân nước ngoài.
Việt Nam đồng ý cho doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài được quyền xuất nhập khẩu hàng hóa như người Việt Nam kể từ khi gia nhập, trừ một số ngoại lệ như đối với các sản phẩm xăng dầu, thuốc lá điếu, xì gà, băng đĩa hình, báo chí. Đối với một số mặt hàng nhạy cảm khác sẽ cấp phép sau một thời gian chuyển đổi như một số loại dược phẩm (1-1-2009) và gạo (1-1-2011).
Việt Nam đồng ý cho phép doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam được đăng ký quyền xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Việt Nam sẽ ban hành một nghị định quy định chi tiết về quyền kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài không có sự hiện diện ở Việt Nam trong vòng 30 ngày sau khi ký Nghị định thư gia nhập.
Quyền nhập khẩu không đòi hỏi phải đầu tư tại Việt Nam trừ yêu cầu đăng ký nhưng quyền này không tự động dành cho nhà nhập khẩu quyền phân phối sản phẩm nhập khẩu liên quan tại thị trường Việt Nam.
Thuế tiêu thụ đặc biệt: thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn thu hút mối quan tâm đặc biệt trong đàm phán. Việt Nam đã cam kết sẽ đơn giản hóa cấu trúc thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn, theo đó tất cả các loại bia sẽ hưởng cùng một thuế suất sau 3 năm, rượu chứa từ 20% cồn trở lên sẽ bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt theo một mức thuế “tuyệt đối” (thí dụ bao nhiêu đô-la hoặc đồng Việt Nam cho mỗi lít) căn cứ trên hàm lượng cồn hoặc theo một mức thuế “phần trăm” căn cứ theo giá (cũng sau 3 năm).
Cam kết này đã xoa dịu quan ngại từ một số nước về cấu trúc thuế tiêu thụ đặc biệt trước đây của Việt Nam có thể mang tính phân biệt đối xử đối với bia nhập khẩu có hình thức bao bì đóng gói khác với bia sản xuất trong nước, cũng như phân biệt đối xử đối với rượu nhập khẩu có hàm lượng cồn cao hơn rượu sản xuất trong nước.
Hạn chế định lượng và hạn chế khác: hạn ngạch, cấm và các hạn chế khác sẽ bị bãi bỏ, trong đó có cấm nhập khẩu thuốc lá, xì gà và ô tô đã qua sử dụng, hoặc chỉ được áp dụng phù hợp với các quy định của WTO.
Hạn chế xuất khẩu: Việt Nam duy trì quản lý xuất khẩu đối với một số sản phẩm như gạo, và một số sản phẩm gỗ và khoáng sản (nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp). Việt Nam cam kết rằng các hạn chế xuất khẩu đối với các sản phẩm này sẽ được áp dụng theo cách thức phù hợp với các hiệp định WTO.
Tiêu chuẩn: Việt Nam sẽ áp dụng Hiệp định Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại và Hiệp định về các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật mà không yêu cầu thời gian quá độ.
Mua sắm chính phủ: Việt Nam sẽ xem xét ký Hiệp định về Mua sắm chính phủ sau khi trở thành thành viên WTO.
Sở hữu trí tuệ: gần 33 trang của Báo cáo dành để mô tả chi tiết thể chế pháp lý và hành chính trong nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Việt Nam sẽ tuân thủ Hiệp định về các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ có liên quan tới thương mại (TRIPS) ngay lập tức mà không yêu cầu thời gian quá độ.