Những kỷ niệm khó quên
Cũng như bao người con của đất Việt, được gặp Bác là một niềm vinh dự lớn. Trong những năm tháng đất nước bị chia cắt, nhiều người con của núi rừng Tây Nguyên được ra miền bắc học tập, công tác đã có cơ hội được gặp Bác, được Bác tận tình thăm hỏi, động viên và những khoảnh khắc ấy dù rất ngắn ngủi đã để lại trong cuộc đời họ những kỷ niệm khó phai. Trong những ngày giữa tháng 5 này, chúng tôi tìm về buôn Bu Yúk xã Đắk Phơi, huyện Lắk (Đắk Lắk) để gặp bà H’Yiêng Đắk Chắt - một trong những người con của núi rừng Tây Nguyên may mắn được gặp Bác Hồ khi đang học văn hóa ở Hà Nội. Dù đã lớn tuổi nhưng bà H’Yiêng vẫn nhớ rõ kỷ niệm sâu đậm đó. “Đó là vào một buổi sáng tháng 3-1964, tôi được thông báo là cùng với một số anh, chị em trong trường chuẩn bị đi gặp Bác Hồ. Đến Phủ Chủ tịch, mọi người không ai chịu ngồi mà đều đứng ở tiền sảnh để đón Bác. Khi thấy Bác bước từ đằng xa đến, dang rộng vòng tay, chúng tôi chạy ùa lại đón Bác như những người con lâu ngày được gặp lại cha mẹ của mình. Ai cũng muốn được đứng thật gần Bác, để được nghe Bác nói. Lúc đó thấy tôi nhỏ con và là con em đồng bào Tây Nguyên nên mọi người ưu tiên cho tôi đứng cạnh Bác”.
Không được ra bắc, chưa một lần vinh dự gặp Bác, nhưng nhiều người dân Tây Nguyên đã có cách thể hiện sự tôn kính và tấm lòng của mình đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, mà câu chuyện về bác Đinh Chăm dân tộc Ba Na ở làng Ktu, xã Kon Gang, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) giữ gìn tấm ảnh Bác Hồ đã khiến cho nhiều người xúc động. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ảnh Bác Hồ đưa về vùng đồng bào thiểu số rất ít, đã vậy địch còn thường xuyên càn quét truy lùng, đốt phá nhà cửa, đồng bào ngày càng bị đẩy vào rừng sâu. Năm 1960, xã Kon Gang mở Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, có nhiều đại biểu cấp trên về dự. Buổi họp chuẩn bị khai mạc, nhưng không có ảnh Bác Hồ trên bàn lễ, mọi người ai cũng cảm thấy như kém phần trang trọng nhưng chẳng biết phải làm sao. Giữa lúc ấy, bác Đinh Chăm xuất hiện và nói: “Có ảnh Bác Hồ đây rồi, mình đã giữ ảnh Bác hàng chục năm nay…”. Vừa nói bác Đinh Chăm vừa lấy tấm ảnh Bác Hồ giấu trong ống nứa ra: “Đây là cách bảo vệ Bác bí mật nhất!”, bác Đinh Chăm bảo vậy và ai nấy đều xúc động.
Nguồn động viên to lớn
Không phải ngẫu nhiên mà ở thành phố Pleiku (Gia Lai) lại có một Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai - Kon Tum. Được xây dựng từ năm 1984, trên cơ sở thực hiện ý nguyện chung của các tầng lớp nhân dân các dân tộc Gia Lai - Kon Tum rằng: “Không được đón Bác vào thăm thì làm nhà rước Bác vào ở.” Khởi công ngày 2-9-1982, sau hai năm khẩn trương thi công với sự đóng góp tích cực bằng cả tấm lòng, công sức, trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 94 của Người, ngày 19-5-1984, công trình được khánh thành và đi vào hoạt động. Đến Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai - Kon Tum, ngoài hàng nghìn tư liệu, hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, người xem còn thấy ở đây có khá nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh có giá trị lịch sử, thể hiện tình cảm, tấm lòng của Bác đối với đồng bào và tấm lòng của đồng bào đối với Bác, như tượng Bác Hồ được đúc thủ công tại làng Yít Phang, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ với chất liệu đồng, mô phỏng khi Bác ở mặt trận Đông Khê; bản điêu khắc Di chúc của Bác bằng gỗ lồng mức, nhũ vàng dưới hình thức cưa lộng…Trong số này, phải kể đến một tư liệu quý, là nội dung bức thư Bác Hồ gửi Đại hội đoàn kết các dân tộc thiểu số miền nam tại Pleiku ngày 19-4-1946, đã được dịch ra ba thứ tiếng Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng. Trong thư Bác viết: “… Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.
Đồng bào ở đại ngàn Tây Nguyên dù chưa được gặp Bác nhưng vẫn luôn dành cho Bác những tình cảm thương yêu nhất, sâu đậm nhất. Ở các buôn làng Tây Nguyên hôm nay, niềm tin, lòng kính yêu của người dân với Bác không chỉ dừng lại ở lời nói mà đã trở thành những hành động, việc làm thiết thực hằng ngày. Trong câu chuyện với chúng tôi, già làng Y Bhiông Niê, 82 tuổi ở buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk luôn tự hào về sự đổi mới và phát triển nhanh chóng của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ. Theo già Y Bhiông Niê, để có cuộc sống no đủ, hạnh phúc như ngày hôm nay, đồng bào Tây Nguyên luôn nhớ ơn Đảng, nhớ ơn Bác Hồ. Nhiều năm nay, già làng Y Bhiông Niê không quản ngại khó khăn, tuổi cao, sức yếu đi khắp các buôn làng tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không nghe, không tin và không làm theo sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch, của bọn người xấu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng buôn làng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp như Bác Hồ hằng mong ước. Ông Hồ Văn Điềm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết: Gia Lai có niềm tự hào là địa phương ghi dấu nhiều sự kiện, công trình ý nghĩa nói lên tình cảm của Bác đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và các dân tộc Tây Nguyên nói riêng. Cùng với việc gìn giữ, phát huy giá trị của các công trình mang nhiều ý nghĩa đó, trong nhiều năm qua, phong trào học và làm theo gương Bác Hồ trở thành cuộc vận động lớn ở các buôn làng của Gia Lai, trong đó phải kể đến phong trào học tập và làm theo nội dung thư Bác Hồ gửi Đại hội đoàn kết các dân tộc thiểu số miền nam tại Pleiku ngày 19-4-1946. Ủy ban MTTQ tỉnh trao tặng hàng trăm nghìn bản in nội dung thư Bác gửi đến từng người dân. Nhiều gia đình, thôn làng đã treo ảnh thư Bác ở những vị trí trang trọng, thể hiện lòng kính yêu đối với Bác Hồ và khắc ghi những lời Bác dạy.