Chỉ một người thiếu ý thức trách nhiệm với cộng đồng có thể khiến cho hàng nghìn người “hoảng hốt” tích trữ mỳ tôm, giấy vệ sinh, hay đủ thứ nhu yếu phẩm khác, và làm cho cả hệ thống phải vất vả lao vào cuộc chiến mới. Nghe qua thì tưởng chừng vô lý, nhưng đó lại là thực tiễn đáng tiếc xảy ra khi dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện trở lại tại Việt Nam trong mấy ngày qua.
Thực tế, giữa chúng ta có mối liên kết với nhau nhiều hơn chúng ta nghĩ, hoặc do lối sống hiện đại, những lo toan cơm áo gạo tiền, những áng chừng về khoảng cách địa lý hay sự vị kỷ... đã làm cho sự kết nối đó dường như khó có thể mà nhìn thấy được.
Nhìn lại lịch sử loài người, việc dịch bệnh hoành hành trên diện rộng không phải là sự kiện hiếm gặp, mà nó thường xuyên xảy ra, trong đó có những dịch bệnh khủng khiếp làm chết hàng triệu người ở thời Trung Cổ, cho tới những dịch bệnh “chết chóc” gần đây như Ebola năm 1976, 2014 hay SARS năm 2002, 2003.
Đó là những dịch bệnh có sức tàn phá khủng khiếp thậm chí còn hơn cả chiến tranh và thảm họa tự nhiên. Nhưng có lẽ, cũng chỉ có những dịch bệnh như thế mới thể hiện một cách chân thực và toàn diện nhất về mối liên kết giữa con người với con người, cho dù họ có cách xa nhau về mặt địa lý, hay khác biệt về sắc tộc, màu da, giữa người giàu với người nghèo...
Đứng trước dịch bệnh, mỗi cá thể người trở về đúng bản chất là một tế bào trong một cơ thể chung mang tên Loài Người. Và khi đó, nếu tế bào ở gan bị virus tấn công, thì tế bào ở phổi cũng không thể là kẻ ngoài cuộc.
Dịch bệnh cũng sẽ đặt con người vào cùng chung một hoàn cảnh, số phận, và khi đó nếu chúng ta không tương trợ, chia sẻ cũng như cùng gánh vác trách nhiệm, thì chỉ có một kết quả “thảm họa” chờ đợi chúng ta mà thôi.
Rõ ràng bất cứ loại virus gây dịch bệnh nào cũng không phải là một “loài thông minh”, và chúng không có bất cứ “kế hoạch tính toán” nào để lây lan, có chăng chỉ là mức độ nguy hiểm khác nhau phụ thuộc vào cấu trúc sinh hóa của chúng. Vì thế, mức độ lây lan của chúng phụ thuộc vào chính sự ứng xử của con người trong dịch bệnh. Vậy chúng ta cần ứng xử như thế nào?
Đó là những người có nguy cơ, có dấu hiệu bị nhiễm bệnh cần chủ động đi kiểm tra và chủ động tránh tiếp xúc để bảo vệ cho người khác, và nghiêm chỉnh tuân thủ thực hiện theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng về biện pháp cách ly mà không bỏ trốn.
Là cả xã hội cùng chung tay huy động các nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh và nghiên cứu các phương thức chữa trị. Là các cơ quan chức năng luôn kịp thời thông tin một cách minh bạch, và mỗi cá nhân phải tự ý thức được để tránh làm nhiễu loạn thông tin, cũng như tránh gây hoang mang và tạo ra những trở ngại khác cho xã hội.
Nếu những điều đó đều được thực hiện tốt, nhất là trong thời đại mà chúng ta liên tục đạt được những tiến bộ mang tính đột phá về y học và khoa học - kỹ thuật như hiện nay, thì chắc hẳn rằng loài virus này hay bất cứ loài virus nào cũng sẽ không thể mang đến thảm họa cho nhân loại được.
Xét cho cùng, cứ mỗi khi xuất hiện một loại virus mới có khả năng gây hại cho cộng đồng, chúng ta sẽ không chỉ phải chiến đấu với chúng, mà đồng thời chúng ta cũng phải chiến đấu với chính sự vị kỷ trong mỗi con người chúng ta. Bởi vì nếu mỗi người đều đặt lợi ích cho bản thân lên trên hết, thì sự nguy hiểm chắc chắn sẽ không chừa một ai!