Minh bạch trong đấu giá đất công

|

Câu chuyện đấu giá đất Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) cao bất thường rồi bỏ cọc đã để lại những hệ lụy cho chính quyền thành phố Hồ Chí Minh khi đấu giá các khu đất tiếp theo, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Để ngăn chặn các trường hợp tương tự, cần có những chế tài cụ thể bằng cách sửa đổi đồng bộ nhiều luật liên quan.

Trên thực tế, đấu giá quyền sử dụng đất công trong thời gian qua đã mang về nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương. Tuy nhiên, qua vụ việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm bộc lộ rõ những kẽ hở về pháp luật, đòi hỏi thành phố phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ việc thất thoát tài sản nhà nước, kiểm soát hành vi lợi dụng đấu giá để trục lợi, thao túng thị trường bất động sản. Pháp luật hiện hành không cấm việc doanh nghiệp đấu giá cao rồi bỏ cọc, chấm dứt hợp đồng. Các bên có quyền ký và có quyền hủy.

Tổ chức hay cá nhân chỉ bị xử lý nếu các cơ quan quản lý chứng minh được nhà đầu tư lợi dụng việc đấu giá gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi. Báo cáo mới đây của Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực từ các vụ đấu giá đất gây bức xúc dư luận thời gian qua: “Ngay sau các cuộc đấu giá đất, đã xuất hiện các hành vi lợi dụng giá trúng đấu giá ảo để thổi giá, đẩy giá đất, giá nhà tại nhiều địa phương, hoặc để nâng giá trị trái phiếu, cổ phiếu, làm cho đa số người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở đô thị ngày càng khó tạo lập nhà ở”...

Sở dĩ có câu chuyện doanh nghiệp đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi “bỏ cọc” là do đang tồn tại bất cập trong quy định pháp luật hiện hành về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất. Đó là quy trình đánh giá năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá còn lỏng lẻo. Luật Đấu giá tài sản năm 2016 chưa quy định cụ thể về điều kiện “có năng lực tài chính”, hoặc điều kiện “không vi phạm pháp luật về đất đai” của nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra, còn bất cập của các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể làm giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.

Để giải quyết tận gốc những bất cập nêu trên, trong thời gian tới, cần bổ sung quy định xử phạt nghiêm khắc trường hợp người tham gia đấu giá đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi “bỏ cọc”, có thể mức nộp phạt khoảng 10% giá trúng đấu giá.

Bên cạnh đó, sớm xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu giá tài sản, trong đó có đấu giá quyền sử dụng đất; pháp luật về đấu thầu; đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư. Đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị thì áp dụng hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá hoặc hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp.

Ngoài ra, để bảo đảm thực hiện “nghĩa vụ” theo quy định của pháp luật dân sự, cần xem xét thay thế quy định về “tiền đặt trước” tại Luật Đấu giá tài sản năm 2016 bằng quy định về “bảo đảm đấu giá” hoặc “đặt cọc đấu giá”. Điều này nhằm có sự thống nhất, liên thông giữa Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi nhà đầu tư trúng đấu giá thì tiền “bảo đảm đấu giá” hoặc “đặt cọc đấu giá” chuyển thành tiền “đặt cọc” để bảo đảm thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Trong quá trình chờ đợi những giải pháp dài hơi, trước mắt chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cần có những chính sách kịp thời để ổn định thị trường bất động sản, quản lý chặt để không xảy ra những cơn sốt đất ảo. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc né thuế, trốn thuế thông qua hình thức kê khai giá trị mua bán trên hợp đồng thấp hơn rất nhiều giá trị thực tế.