Bài II: Đất thiếu… “đai” hay chính quyền ngó lơ

|

NDO - NDĐT - Đất trường, trạm trại được giao khoán cách đây 17 năm (theo Nghị định 01/CP) nhưng hiệu quả của hoạt động này không cao trong khi hoạt động mua bán “băm nhỏ, bỏ ô” hàng trăm ha lại phát triển mạnh. Trước thực trạng đó, chính quyền.…đành chịu.

Toàn xây đêm, xây nhanh lắm…

Trên địa bàn TP Hà Nội, hầu hết các nông trường trạm trại được hình thành từ trước những năm 1980, mô hình quản lý tập trung quan liêu bao cấp, nhiều nông trường có quy mô về diện tích và dân số tương đương với một xã. Sau khi chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, các nông trường, trạm trại đã chuyển sang hình thức giao khoán ruộng đất theo quy định tại Nghị định 01, giao cho cán bộ, công nhân viên và các đối tượng khác, phần lớn các nông trường, trạm trại không trực tiếp sản xuất.

Hiện, công tác quản lý đất đai tại các nông trường, trạm trại còn chồng chéo, nhiều bất cập tồn tại. Tình trạng vi phạm quy định về đất đai như: mua bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng trái phép vẫn diễn ra phổ biến.

Những sai phạm trong mua bán đất giao khoán 50 năm tại các nông lâm trường, trạm trại trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được “điểm mặt, chỉ tên” tại cuộc giám sát, chất vấn của đoàn đại biểu Quốc Hội Hà Nội mới đây. Quản lý, khai thác và sử dụng đất nông, lâm, trường trạm trại đang là vấn đề khó khi mà đất đai thì do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhưng nhân khẩu thì trao về UBND cấp huyện, xã.

Chính vì vấn đề này mà người dân được giao khoán đất có thể thoải mái chuyển nhượng, xây dựng kiên cố mà ít khi bị xử lý. Trên thực tế, việc mua bán chuyển nhượng khối lượng lớn đất giao khoán của nông lâm trường không phải là chuyện mới xẩy ra ngày một ngày hai mà đã nhiều năm qua nhưng chính quyền địa phương vẫn bó tay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Chiến – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài cho biết, từ năm 2006 đến nay, xã nhận bàn giao 467 hộ từ nông trường Việt Mông với khoảng 1.700 nhân khẩu, nhưng không được giao quản lý đất nên cũng khó. “Người dân chỉ toàn mua bán trao tay, không thông qua xã nên xã cũng không biết về các giao dịch này”.

Ông Chiến cho hay, xã cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm rồi …xin ý kiến chỉ đạo cấp trên. Số biên bản vi phạm mà xã lập là khoảng 50 trường hợp. Khi được hỏi số vi phạm xây nhà kiên cố có nhiều không, ông Chiến cho hay “chỉ khoảng hơn 1% mà thôi”- “Họ toàn xây vào ban đêm, xây nhanh lắm, khi chúng tôi ra thì đã xong rồi”, ông Chiến nói.

Không quy định là chỉ được xây nhà tạm?

Vị lãnh đạo xã Yên Bài cho hay, trong hợp đồng giao khoán của Nghị định 01 chỉ quy định là hộ chuyển nhượng có 300m2 nhà ở, không quy định là nhà tạm, vì chỉ quy định là nhà ở, không quy định rõ nên xã không thể buộc họ phải xây nhà tạm hay nhà như thế nào.

“Nhà ở thì người ta xây thế nào làm sao mà mình quản lý được. Nhà kiên cố ở đây chủ yếu xây từ trước năm 2006 khi Nông trường Việt Mông quản lý cơ, từ 2006 đến nay khi giao về xã nhưng chúng tôi vẫn chưa tổng hợp số liệu”- ông nói.

Thế mới thấy, không chỉ dân mà chính quyền xã cũng hiểu không đúng về cái mốc 300m2 đất ở của hợp đồng giao khoán theo NĐ 01. Và trong năm năm chuyển giao, chính quyền cũng chẳng rốt ráo, bám sát tình hình xem có tổng số bao nhiêu hộ vi phạm nên dân cứ coi đó là sự khuyến khích ngầm từ phía chính quyền.

Ông Chiến còn cho hay, “nếu được giao về xã, chính quyền nơi đây mong muốn sẽ quy hoạch thành khu dân cư rồi ….xin ý kiến cấp trên vì đây đã là những tồn tại từ trước.” Với cách thức hợp lý hóa như ý muốn của chính quyền xã nơi đây thì các hộ đã xây dựng kiên cố yên tâm sẽ có sổ đỏ.

Vấn đề bàn giao lại quyền quản lý nhà nước về đất nông, lâm trường, trạm trại về cho chính quyền địa phương cũng chính là mong muốn của UBND cấp huyện. “Không được quản lý về đất nhưng chính quyền địa phương vẫn phải quản lý về nhân khẩu rồi tham gia xử lý các vụ kiện tụng, tranh chấp đất đai. Thực sự rất là khó”, ông Hoàng Đức Minh – chuyên viên Phòng Tài nguyên Môi trường UBND Huyện Ba Vì cho hay.

Theo lời ông Minh, vấn đề vướng chính là ở Nghị định số 01/CP của Chính phủ. NĐ 01 có thời hạn giao khoản là 50 năm và cho phép người được giao khoán xây dựng nhà tạm từ 200-300m2. Do đó, Chính phủ cần điều chỉnh để vừa bảo đảm điều kiện thực tế vừa bảo vệ quyền lợi của người khai hoang.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay, trong khi chờ các cơ quan chức năng rà soát lại những phần đất hiệu quả, phần đất bị sử dụng sai trái của các nông trường, trạm trại, nhiều ngôi nhà kiên cố, biệt thự vẫn đang hoàn thiện phần thô, vững chắc trên nhiều ngọn đồi.

Có ai ngăn chặn được xu thế tương lai những căn nhà đó sẽ được cấp sổ đỏ không?

Và như thế, một diện tích mênh mông đất nông lâm trường, trạm trại đang bị bỏ ngỏ về cơ chế quản lý đang là điều nhức nhối chưa có hồi kết.