"Chìa khóa mở cánh cửa lớn để thoát ra khỏi đại dịch"

|

Ngày 5-6, Lễ ra mắt Quỹ Vaccine phòng Covid-19 (Quỹ vắc-xin) đã diễn ra trọng thể tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Chỉ một thời gian ngắn, nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cũng như cá nhân thuộc mọi tầng lớp xã hội đã nhiệt tình ủng hộ Quỹ, như một cách thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt. Tuy nhiên, bất chấp thực tế và ý nghĩa cao đẹp của hoạt động đó, một số tổ chức, cá nhân, hội nhóm thiếu thiện chí lập tức đưa ra những ý kiến xuyên tạc, sai sự thật gây bức xúc trong dư luận.

Trước các diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, "lá chắn" bền vững nhất cho mọi người Việt Nam lúc này là đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin miễn phí cho toàn dân, tạo miễn dịch trong cộng đồng. Đây là giải pháp có ý nghĩa chiến lược, căn cơ lâu dài, mang tính quyết định để giúp đất nước thoát khỏi đại dịch. Trong hoàn cảnh của đất nước, cùng với việc thúc đẩy tìm nguồn cung cấp vắc-xin thì kinh phí để mua vắc-xin giữ vai trò hết sức quan trọng. Và để giải quyết, bên cạnh nguồn lực chủ yếu từ ngân sách, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có một chủ trương đúng đắn, kịp thời là thành lập Quỹ vắc-xin để tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc-xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cùng những nguồn vốn hợp pháp khác cho việc mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu và sản xuất vắc-xin trong nước, sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn dân. Quỹ vắc-xin là giải pháp hữu hiệu, giúp huy động sức mạnh tổng lực của toàn xã hội tham gia vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Chính vì vậy, ngay sau khi Quỹ vắc-xin chính thức ra mắt, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người Việt Nam trong nước và ngoài nước đã nhiệt tình tham gia đóng góp. Đây là minh chứng sinh động về bài học dựa vào dân, huy động được sức dân, khích lệ và phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân khi đất nước có khó khăn. Thực tế này cho thấy các giá trị truyền thống quý báu của dân tộc luôn được gìn giữ và phát huy, "lá lành đùm lá rách", đoàn kết, tương thân tương ái góp phần tạo nên sức mạnh của cả dân tộc để vượt qua thách thức, trở ngại.

Thật xúc động khi chứng kiến các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, giáo chức, nhà tu hành, học sinh, sinh viên, người Việt Nam ở nước ngoài,… đến các doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn bởi dịch bệnh nhưng vẫn gửi đến Quỹ vắc-xin phần đóng góp của mình với mong muốn dịch bệnh sớm bị đẩy lùi. Cựu chiến binh Lê Văn Đệ, 75 tuổi (xóm 8, thôn Tráng Liệt, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), dù thân mình còn mang vết thương từ thời chiến tranh nhưng đã quyết định gom toàn bộ tiền dưỡng già để tặng Quỹ vắc-xin. Lý giải việc làm của mình, ông chia sẻ: "Giặc" Covid-19 làm hao mòn sức lực, vật chất, vì thế chúng ta cần đoàn kết, đồng lòng. Mỗi người dân là một chiến sĩ, có gì góp nấy, cùng nhau chung sức thì sẽ chiến thắng "giặc" dịch. Những việc làm nghĩa tình ấy đã phần nào cho thấy, mỗi khi đất nước có khó khăn, người Việt Nam dù ở bất cứ đâu, không phân biệt tuổi tác, địa vị, tôn giáo,… đều sẵn sàng chung sức, đồng lòng, sát cánh bên nhau, thể hiện ý thức trách nhiệm bằng những việc làm thiết thực.

Bày tỏ ý kiến về việc Quỹ vắc-xin ra mắt tại Việt Nam, chị Đỗ Thu Huyền, đang sinh sống ở Tây Ban Nha nói: "Lòng yêu nước của mọi người được trỗi dậy. Việt Nam mình luôn có những phương án kịp thời và phù hợp để xử lý những vấn đề cấp bách". Đồng quan điểm, bà Phùng Tuệ Châu, Việt kiều tại Mỹ đánh giá: "Nhà nước Việt Nam rất tích cực đối với việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Chúng ta mỗi người phải cố gắng góp sức, không thể dồn tất cả cho Nhà nước lo được". Ông Hồ Sỹ Trúc, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Kiev (Ki-ép), (U-crai-na) nhấn mạnh: "Cùng chung tay đẩy lùi đại dịch bằng những hành động thiết thực chính là lương tâm, đạo lý của mọi con dân nước Việt".

Chúng ta tin tưởng rằng với nguồn ngân sách nhà nước cùng nguồn lực xã hội hóa được bổ sung kịp thời từ Quỹ vắc-xin, sự vào cuộc tích cực, nhạy bén của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước Việt Nam sẽ có đủ lượng vắc-xin cần thiết trong thời gian ngắn nhất để tiêm cho toàn bộ nhân dân. Đây là điều kiện quan trọng giúp Việt Nam khống chế, đẩy lùi dịch bệnh. Có thể thấy kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, ngân sách của Chính phủ đã được huy động tối đa cho công tác chống dịch cũng như hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Và việc huy động nguồn lực trong xã hội cho Quỹ vắc-xin là kịp thời, cần thiết giúp chia sẻ những gánh nặng hiện nay với Chính phủ, đồng thời cũng là cách thức để phát huy ý thức, trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, người dân đối với đất nước. Đó cũng là minh chứng cụ thể của vấn đề: một chính quyền mạnh là một chính quyền biết dựa vào dân, huy động được sức dân.

Bất chấp thực tế đó, thời gian qua, trên nhiều trang, mạng xã hội, một số tổ chức, cá nhân thù địch, thiếu thiện chí không ngừng công kích, xuyên tạc Quỹ vắc-xin, cho rằng đây là nhiệm vụ của Chính phủ, do đó Chính phủ phải "tự lực cánh sinh". Việc thành lập Quỹ vắc-xin là một thất bại của Việt Nam, là "móc tiền của dân" cho việc làm mờ ám... Một số trang báo tiếng Việt ở nước ngoài còn đăng một số bài viết, ý kiến phản đối, công kích Quỹ vắc-xin, như đưa ra ý kiến nghi ngờ tính minh bạch của Quỹ, cho rằng sự phân phối vắc-xin không công bằng, hoặc dựng chuyện chính quyền bắt ép dân tham gia đóng Quỹ. Những ý kiến bịa đặt trắng trợn, ác ý như vậy đã khiến dư luận hết sức bất bình, phẫn nộ.

Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nghiên cứu về trải nghiệm của người dân về dịch Covid-19 cho thấy: Sự ủng hộ thật sự rộng khắp của người dân Việt Nam đối với các quyết sách phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ. Bà Caitlin Wiesen (Ca-tơ-lin Oai-xen), Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam nhận xét: Mức độ lan tỏa và ủng hộ của người dân Việt Nam với các quyết sách của Chính phủ cao ở mức đặc biệt so với các nước khác trên thế giới. Đây chính là cơ sở để bà tin tưởng sự đồng lòng ủng hộ của mọi người dân, doanh nghiệp vào Quỹ vắc-xin.

Tận mắt chứng kiến sự đoàn kết chung lòng của mọi người Việt Nam trong việc tham gia ủng hộ Quỹ vắc-xin, nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài đã bày tỏ sự cảm phục, đồng thời đánh giá cao sáng kiến của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Tiến sĩ Kidong Park (Ki-đông Pắc) ghi nhận: "Việc huy động các nguồn lực để nâng cao khả năng tiếp cận vắc-xin Covid-19 của Chính phủ Việt Nam rất kịp thời, phù hợp sáng kiến vắc-xin toàn cầu. Việc Chính phủ quản lý và sử dụng công bằng, hiệu quả nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp sẽ mang lại giá trị mới cho chiến lược ứng phó Covid-19". Đồng quan điểm, ông Kamal Malhotra (Ka-man Ma-hô-tra), Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định: "Đây là một sáng kiến hay, là điều Liên hợp quốc đã ủng hộ trong nhiều tháng nay". Ông cũng nhấn mạnh: chỉ có Chính phủ mới đủ tầm và năng lực điều phối Quỹ này. Với tư cách Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham), ông Hong Sun (Hông-Săn) chia sẻ: "Chúng tôi đánh giá rất cao hoạt động ý nghĩa này của Chính phủ Việt Nam vì việc phòng dịch Covid-19 không phải là vấn đề của riêng Chính phủ hay một tổ chức nào đó, mà đây là vấn đề của toàn dân và các doanh nghiệp. Chúng tôi đánh giá cao kết quả đóng góp tại sự kiện ra mắt Quỹ vắc-xin và cho rằng đó chính là minh chứng cho sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam. Hưởng ứng cho hoạt động ý nghĩa này, một số doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đã chung tay đóng góp cho Quỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với đất nước và nhân dân Việt Nam". Trước việc Việt Nam ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân các khu công nghiệp, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố có diễn biến dịch bệnh phức tạp, ông Hong Sun đánh giá, chủ trương này không đơn thuần là giải pháp y tế, mà còn cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam đối với việc ổn định sản xuất, bảo đảm đời sống cho người lao động, tạo niềm tin cho các  nhà đầu tư cũng như những người mua hàng hóa sản xuất từ Việt Nam.

Là người đã có 10 năm sống và làm việc tại Việt Nam, diễn viên, MC (dẫn chương trình) người Mỹ Charlie Winston (Cha-li Uyn-tơn) cũng bày tỏ sự khâm phục: "Quỹ vắc-xin là một sáng kiến đột phá mang ý nghĩa cao cả và rất nhân văn với mục đích giúp toàn bộ người dân được tiêm vắc-xin, tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ sức khỏe, cuộc sống cho người dân để tiếp tục phát triển đất nước". Ông Charlie Winston cho rằng sẽ có rất nhiều nguồn lực tham gia ủng hộ Quỹ, từ  người dân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, những người Việt Nam sống ở nước ngoài, hay những người nước ngoài ở Việt Nam. Việc thường xuyên cập nhật số tiền đóng góp được thể hiện tính công khai, minh bạch của Quỹ, góp phần tạo niềm tin để mọi người tiếp tục chung tay đóng góp.

Tại Điều 4, Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26-5-2021 về việc thành lập Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, đã xác định: "Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng". Từ khi Quỹ vắc-xin ra mắt đến nay, thông tin về Quỹ thường xuyên được đăng tải công khai, cập nhật trên phương tiện thông tin đại chúng, để người dân dễ dàng thực hiện quyền giám sát. Mọi trường hợp đóng góp dù của tổ chức, đơn vị hay cá nhân đều trên cơ sở tự nguyện và được trân trọng đón nhận. Cùng với rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, việc những em nhỏ dành tiền nuôi heo đất, tiền ăn sáng để đóng góp vào Quỹ, hay những công nhân, người chạy xe máy dịch vụ,… góp chút tiền nhỏ bé kiếm được hằng ngày để cùng với cả nước chống dịch, với tinh thần "lá rách ít đùm lá rách nhiều" cũng như thực tế số tiền đóng góp vào Quỹ không ngừng tăng lên hằng ngày đã cho thấy sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội đối với một chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Và trong những ngày tháng này, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Việt Nam đã cho thấy sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả dân tộc. Đó chính là "chìa khóa mở cánh cửa lớn để thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn" như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.