Từ vụ sửa điểm thi
Công tác kiểm tra đảng của tỉnh Sơn La trải qua một nhiệm kỳ không êm đềm. Càng về cuối nhiệm kỳ, cuộc đấu tranh với hành vi sai trái của cán bộ, đảng viên càng gay gắt. Nổi cộm là hai vụ việc: Vụ sửa chữa bài thi, nâng điểm cho các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và vụ án sai phạm trong bồi thường tái định cư mặt bằng xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La. Vụ gian lận điểm thi liên quan đến rất nhiều đối tượng, trong đó có người nhà của 44 thí sinh được nâng điểm. Để không lọt người lọt tội, tỉnh Sơn La đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm rõ từng hành vi, thủ đoạn của các đối tượng. Trong vụ việc này, các hoạt động điều tra, kiểm tra có sự chỉ đạo chặt chẽ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với quan điểm nhất quán là không bao che tội phạm, làm nghiêm để răn đe, giáo dục. Đồng chí Lường Thị Vân Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nêu cách làm: Cứ 15 ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lại nghe báo cáo về tiến độ xử lý vụ việc này. Trên cơ sở thông tin của cơ quan điều tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan tự giải trình, kiểm điểm. Tỉnh chia các đối tượng thành năm nhóm để xử lý. Nhóm thứ nhất là tám đảng viên bị khởi tố, khai trừ đảng, trong đó có nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Trần Xuân Yến và bảy đảng viên khác. Nhóm thứ hai gồm những cán bộ, giáo viên vi phạm quy chế thi. Nhóm thứ ba là nhóm cha mẹ học sinh, đến nay đã khiển trách một số người là đảng viên; trường hợp cha mẹ học sinh không phải là đảng viên sẽ do đơn vị công tác, chính quyền địa phương xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Nhóm bốn là các đối tượng làm trung gian, nhờ xem điểm. Nhóm năm là cán bộ làm công tác an ninh trật tự. Đến nay, có một tổ chức đảng và 83 đảng viên được xác định có sai phạm, phải xử lý kỷ luật. Riêng lực lượng công an có 16 người bị xử lý kỷ luật, khiển trách một Phó Giám đốc Công an tỉnh. Cảnh cáo Ðảng ủy Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Sơn La. Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hoàng Tiến Ðức bị cách tất cả các chức vụ trong Ðảng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thủy bị cảnh cáo.
Đánh giá khách quan, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý của các cấp ủy đảng tỉnh Sơn La đối với vụ việc này là nghiêm túc, minh bạch. Cách thức xử lý khách quan khiến cho những người vi phạm “tâm phục, khẩu phục”, được dư luận đồng tình cao.
Vụ việc nêu trên cho thấy có sự cấu kết giữa nhiều thành phần xã hội, từ cán bộ quản lý, lực lượng công an, công chức, người làm việc trong các cơ quan nhà nước và người làm việc tự do. Việc phát hiện và xử lý sai phạm trong thi cử tại ba tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang cũng cho thấy tình trạng ngang nhiên phạm tội, coi thường kỷ cương, phép nước còn hiện hữu ở nhiều nơi, thậm chí xảy ra trong nhiều năm. Dư luận mong muốn, cùng với xử lý nghiêm những người có vi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát các kỳ thi THPT quốc gia trước năm 2018 ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, đưa ra kết luận để bảo đảm tính công bằng.
Tăng cường phòng ngừa sai phạm
Để phòng ngừa vi phạm, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp tỉnh Sơn La tăng cường kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, lĩnh vực cụ thể. Công tác kiểm tra không những tập trung vào việc thực hiện Điều lệ Đảng, mà bao gồm cả công tác lãnh đạo cải cách hành chính, thu chi ngân sách, thu nộp, quản lý và sử dụng đảng phí. Cụ thể, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giám sát về lĩnh vực đầu tư xây dựng đối với 10 tổ chức đảng và bảy người đứng đầu, đồng thời giám sát việc đối thoại, tiếp dân, tiếp thu ý kiến đóng góp của người đứng đầu cấp ủy ở nhiều cơ quan, đơn vị. Tỉnh ủy giám sát công tác lãnh đạo xây dựng nông thôn mới đối với Đảng ủy, lãnh đạo chủ chốt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Thường vụ và Thường trực Huyện ủy Mai Sơn. Cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh, cấp huyện tập trung vào các địa bàn phức tạp, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, đã phát hiện nhiều tổ chức đảng và đảng viên có sai phạm để chấn chỉnh kịp thời. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.010 đảng viên, trong đó có 215 cấp ủy viên. Có 18 tổ chức đảng bị kỷ luật. Cách chức 26 đảng viên và khai trừ 29 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 361 đảng viên, trong đó khai trừ 233 đảng viên.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường luân chuyển cán bộ chủ chốt. Đến nay, hầu hết Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện không phải là người địa phương. Hằng năm, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu người đứng đầu một số sở, ngành, địa phương giải trình những vấn đề tồn tại, chậm trễ, yếu kém và có văn bản chỉ đạo khắc phục.
Công tác thanh tra đóng vai trò tích cực trong phát hiện vi phạm, chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan nhà nước. Năm qua, ngành thanh tra đã tiến hành 309 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó có 23 cuộc kiểm tra đột xuất. Qua đó phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 21,4 tỷ đồng, kiến nghị xử lý thu hồi nộp ngân sách hơn 9,2 tỷ đồng, đề nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm 300 cá nhân và 239 tổ chức. Đồng chí Bùi Hồng Hải, Phó Chánh thanh tra tỉnh nhấn mạnh: Nhiệm kỳ qua, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, nội chính trong tỉnh phối hợp rất chặt chẽ với nhau. Tất cả các kết luận thanh tra của tỉnh và huyện đều gửi cho Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi.
Năm qua, tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra cải cách hành chính, công vụ, công chức, trong đó có một số cuộc kiểm tra đột xuất, qua đó đã chỉ ra nhiều hạn chế, khuyết điểm của các cơ quan, đơn vị. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường chậm rà soát, thống kê, cập nhật thủ tục hành chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư chậm tham mưu xây dựng quy trình nội bộ điện tử đối với các thủ tục hành chính và không ban hành kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính… Tất cả ưu, khuyết điểm của các đơn vị được tính điểm thi đua cuối năm đối với tập thể và cá nhân người đứng đầu. Nhờ đó đã hạn chế thói cửa quyền, nhũng nhiễu của quan chức, công chức; góp phần đổi mới phương pháp và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở các xã vùng cao.
Nhờ những nỗ lực đó, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Sơn La tăng từ vị trí 56/63 năm 2014 lên vị trí 13/63 tỉnh, thành phố năm 2018. Chỉ số SIPAS (Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước) năm 2018 của tỉnh Sơn La đứng đầu cả nước.
Những nỗ lực trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên đã trực tiếp góp phần thanh lọc đội ngũ, loại bỏ những đảng viên suy thoái ra khỏi hàng ngũ của Đảng. Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tập trung kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm và giải quyết kịp thời đơn thư tố cáo đảng viên, nhất là những cán bộ trong quy hoạch cán bộ chủ chốt, kết luận rõ ràng, minh bạch, tạo tiền đề tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp.