YouTube ở Việt Nam và một số vấn đề đang đặt ra

|

Bài 1: Về sự “bùng nổ” của YouTube Với một số tính năng ưu việt, khả năng đáp ứng nhiều loại nhu cầu, người dùng có thể kiếm tiền khi tạo và công bố video,... YouTube đã trở thành mạng xã hội có khoảng 2 tỷ người dùng hằng tháng, chỉ đứng sau Facebook (khoảng 2,8 tỷ người dùng trên toàn cầu).

Tại Việt Nam, việc tìm kiếm, xem - nghe video trên YouTube đã trở thành thói quen hằng ngày của rất nhiều người, đồng thời cũng không nằm ngoài xu thế chung trên thế giới, đang có sự “bùng nổ” các trang YouTube cá nhân. Tuy nhiên, từ đây đặt ra những vấn đề cần quan tâm.

Ra đời năm 2005, YouTube nhanh chóng chứng tỏ tiềm năng to lớn thể hiện qua tính ưu việt, sự hấp dẫn đối với người dùng (gồm: cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức...), cho nên chỉ một năm sau, Công ty Google đã thỏa thuận để mua lại YouTube, và từ đó đến nay, YouTube hoạt động trong tư cách một “công ty con” của Google. Quan hệ này tạo nên mối liên thông không phải mạng xã hội nào cũng có được, vì không kể tới những khách hàng vãng lai thi thoảng vào xem - nghe video trên YouTube mà không sử dụng tài khoản YouTube, thì người sử dụng chỉ cần một tài khoản Google là có thể dễ dàng, nhanh chóng truy cập YouTube theo nhu cầu của mình, hoặc tạo trang YouTube mới, hoặc chia sẻ video mà người dùng yêu thích và muốn người khác cùng xem - nghe. Do thường xuyên theo dõi, khảo sát, nắm bắt các đòi hỏi, xu hướng sở thích của người dùng khi thỏa mãn các nhu cầu hết sức đa dạng của họ qua video có hình ảnh và âm thanh, YouTube đã liên tục cung cấp nhiều giải pháp công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của mạng xã hội này, đồng thời nỗ lực cho ra mắt những phiên bản khác nhau ở gần 100 quốc gia. Đặc biệt, với 80 ngôn ngữ khác nhau, YouTube giúp người dùng có thể điều hướng, tiếp cận mỗi khi xem - nghe, tạo nội dung, chia sẻ video bằng ngôn ngữ họ thông thạo (con số này là rất đáng chú ý, vì đến nay Facebook mới có hơn 40 ngôn ngữ khác nhau). Bằng việc sử dụng 80 ngôn ngữ, YouTube đã giúp tối ưu hóa nội dung của mỗi video được công bố, từ đó tạo ra khả năng tiếp cận một số lượng rất lớn người xem - nghe trên phạm vi toàn cầu. Đó là cơ sở quan trọng để các thương hiệu, doanh nghiệp trên thế giới sử dụng YouTube làm địa chỉ quảng cáo, tiếp thị và giao tiếp khách hàng (thường tiến hành theo hai chiều: doanh nghiệp chia sẻ thông tin với khách hàng qua video; khách hàng phản hồi qua các comment - bình luận, trên YouTube)...

Do được thiết kế tối ưu để có thể hiển thị chất lượng cao trên smartphone (điện thoại thông minh), tablet (máy tính bảng) và chỉ cần có kết nối internet là video trên YouTube có thể đến với người dùng mọi nơi trên Trái đất, không bị phụ thuộc vào máy tính hoặc vô tuyến truyền hình, YouTube đã tạo ra ưu thế riêng không chỉ để đáp ứng nhu cầu mà còn có thể đem lại lợi nhuận, khiến mạng xã hội này ngày càng trở nên hấp dẫn. Thêm nữa, nỗ lực của các YouTuber (người tạo nội dung video và công bố trên YouTube) tăng lên từ khi YouTube tổ chức trao nút play Bạc cho trang vượt mốc 100 nghìn subscriber (người đăng ký), nút play Vàng cho trang vượt mốc 1 triệu subscriber, nút play Kim cương cho trang vượt qua mốc 10 triệu subscriber, nút play Ruby cho trang vượt mốc 50 triệu subscriber, bởi tất nhiên kèm theo đó là nguồn thu nhập và sự nổi tiếng cho chủ nhân chia sẻ video cũng tăng vọt. Thống kê từ Google cho thấy: mỗi phút trôi qua trên YouTube đã đăng tải một lượng video mới có tổng độ dài hơn 500 giờ (tức là mỗi ngày khoảng 720.000 giờ video mới được công bố, tuy nhiên do nhiều video vi phạm chính sách cộng đồng buộc phải gỡ xuống, cho nên số liệu có tính tương đối); mỗi ngày khoảng 5 tỷ video trên YouTube được xem (tức là mỗi tháng có khoảng 150 tỷ video được xem); mỗi lần vào YouTube, trung bình mỗi người dùng tốn khoảng 40 phút để xem video, đọc bình luận...

Có được các con số khổng lồ như vậy vì đến hiện tại, YouTube là mạng xã hội mà ở đó, mọi người dùng đều có thể tiếp xúc, cảm nhận, trở thành người tạo nội dung, đưa ra ý kiến về vô số video có hình ảnh và âm thanh liên quan mọi loại đề tài mà con người quan tâm từ quá khứ đến hiện tại; từ vấn đề, sự kiện, hiện tượng lịch sử tới vấn đề, sự kiện, hiện tượng thời sự mọi nơi trên thế giới; từ đề tài chính trị, xã hội, kinh tế, ngoại giao, quân sự, chiến tranh, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, giáo dục, y tế, thể thao,... đến phim ảnh, sân khấu, văn học, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, văn hóa dân gian, trò chơi; từ văn hóa ẩm thực, kỹ thuật nấu ăn, du lịch, hướng dẫn làm đẹp, sự cố thiên nhiên, phong cảnh, kỳ quan thế giới, đại dương, vũ trụ,... đến kỹ thuật nông nghiệp, chế biến nông sản, kỹ năng chế tạo các loại sản phẩm lớn nhỏ, tổ chức và cổ vũ hoạt động thiện nguyện; từ quảng cáo các loại “mốt”, sản phẩm mới, giới thiệu trang phục, vật dụng và phong tục, tập quán các dân tộc trên thế giới,... đến tranh luận, đánh giá quan điểm, ý kiến của cá nhân hoặc chính phủ, tổ chức nào đó ở một quốc gia tới các tổ chức quốc tế và Liên hợp quốc; thậm chí là rao bán vũ khí, chế tạo bom mìn... Tóm lại, có thể tìm thấy trên YouTube hầu hết vấn đề, sự kiện, hiện tượng đã và đang được con người quan tâm, và sau khi xem - nghe, mỗi người đều có thể đưa ra ý kiến riêng qua comment. Tuy nhiên những con số khổng lồ YouTube đã đạt được lại đẩy mạng xã hội này vào tình trạng khó (không thể?) kiểm soát. Dù YouTube mạnh tay xử lý video không tuân thủ chính sách cộng đồng hoặc có nội dung gây hại thì nếu không kiên quyết, YouTube vẫn rất khó có thể lành mạnh hóa chính mình, và càng chứng minh nhận định cho rằng “mạng xã hội chứa cả vàng lẫn rác” là có cơ sở.

Cùng với sự gia tăng số người dùng YouTube trên thế giới, những năm gần đây, số người dùng YouTube ở Việt Nam cũng tăng lên một cách “chóng mặt”. Thống kê cho thấy hiện nay ở Việt Nam: có khoảng hơn 45 triệu người đang xem - nghe YouTube. Tốc độ người dùng đăng tải video trên YouTube tăng tới hơn 300%, lượng người xem tăng hơn 85%. Cuối năm 2020, bảng xếp hạng tổng kết YouTube tại Việt Nam do Google công bố cho thấy: 10 trang YouTube thu hút sự chú ý của công chúng chủ yếu là tạo các nội dung giải trí, livestream (phát trực tiếp), hài, hoặc parody (bắt chước, chế),... trong đó trang có số subscriber ít nhất là từ 1 - 2 triệu người, trang có số subscriber cao nhất là hơn 10 triệu người, hằng năm những YouTuber này có thu nhập từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2020 có khoảng 120.000 người Việt Nam đã đăng ký tạo video trên nền tảng YouTube, trong số đó có 15.000 trang có thu tiền từ quảng cáo, 350 trang có hàng triệu người theo dõi. Việc gia tăng số người đăng ký tạo video trên nền tảng YouTube liên quan trực tiếp đến điều khoản cộng đồng của YouTube với quy định một trang YouTube có ít nhất 4.000 giờ xem trong 12 tháng gần nhất cho toàn bộ video, đã có 1.000 subscriber, đạt 10.000 view (lượt xem) “thật” không phải view “ảo” là đủ điều kiện để bật tính năng kiếm tiền. Về cơ bản, quy định như vậy là khá dễ dàng, và vì công việc này có thể đem lại thu nhập, thậm chí là một “nghề kiếm sống”, đã khiến cho nhiều người đăng ký lập trang YouTube và cố gắng tạo video để chia sẻ. Vì thế số YouTuber ngày càng đông, số video đã công bố ngày càng nhiều, đến mức phải nói rằng, khó có thể tiến hành trong thời gian ngắn nếu muốn khảo sát toàn bộ số video trên các trang YouTube do người Việt Nam tạo ra.

Tương tự với xu hướng trên thế giới, đề tài video do các YouTuber ở Việt Nam công bố cũng rất đa dạng, ít nhiều đã phản ánh sự sinh động, phong phú nhưng cũng không kém phần phức tạp của đời sống. Đăng ký dễ dàng, chỉ sử dụng smartphone là có thể tạo video, cho nên biên độ tuổi tác YouTuber ở Việt Nam rất rộng, từ trẻ em đến người cao tuổi, không phụ thuộc nghề nghiệp, hay giới tính. Thành phần xã hội của YouTuber cũng rất đa dạng, họ sống trên mọi miền đất nước, từ thành thị, nông thôn đến những vùng xa xôi, hẻo lánh, nhiều người đang học tập, làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, cũng cần nhắc đến một số YouTuber là người nước ngoài hiện sống ở Việt Nam (trong các video họ chủ yếu nói tiếng Việt, làm phụ đề tiếng Việt, rất ít người sử dụng ngôn ngữ xuất thân). Mục đích lập trang của YouTuber ở Việt Nam cũng rất khác nhau. Người như muốn tham gia một trò chơi trên mạng cho nên rỗi thì làm, bận thì nghỉ; người lại xuất hiện trên YouTube như chỉ nhằm giao lưu với cộng đồng; người sử dụng YouTube làm diễn đàn trình bày ý kiến về một lĩnh vực, sự kiện, hiện tượng, con người nào đó trong xã hội mà họ quan tâm; người muốn thu lợi nhuận từ YouTube thì cố gắng tổ chức trang một cách bài bản, tạo ra video hấp dẫn, triển khai nhiều thủ thuật về hình thức, nội dung để tăng lượng truy cập, khi có đủ điều kiện thì bật tính năng kiếm tiền, tiến hành kinh doanh, bán hàng, cố gắng tạo dựng uy tín để được liên hệ làm đại diện quảng bá sản phẩm và dịch vụ cho các nhãn hàng, có thể kêu gọi người xem - nghe ủng hộ thông qua hoạt động tổ chức quyên góp (donate)...

Trên thực tế, nếu hình dung khoảng 120.000 người Việt Nam đã đăng ký để tạo video trên nền tảng YouTube theo mô hình một tam giác đều thì các trang YouTube thuộc tốp 10 cùng 350 trang có hàng triệu người theo dõi nằm ở phần đỉnh của tam giác. Tiếp sau là các nhóm YouTuber có xu hướng, mục đích, tác động, hiệu quả, hiệu ứng xã hội khác nhau, trong đó nhiều trang YouTube đã đạt nút play Bạc. Tất cả cùng tạo nên bức tranh thể hiện phần nào những cung bậc của sự tương đồng hoặc khác biệt trong nhận thức và suy nghĩ, tri thức và sự hiểu biết, cảm xúc và thị hiếu, xu hướng tinh thần và việc lựa chọn thái độ sống, ước mơ và sở thích, niềm tin và nỗ lực thể hiện bản thân, mưu sinh và hành vi bất chấp tất cả để mưu lợi,... của một bộ phận công chúng trong xã hội. Nhìn từ toàn cảnh, có thể nói rất nhiều video do người Việt Nam tạo ra và công bố trên YouTube có thể mang lại niềm vui, niềm tự hào, sự thú vị, giúp mở mang hiểu biết, thỏa mãn nhu cầu giải trí sinh động và lành mạnh, cổ vũ và khuyến khích người xem - nghe hướng đến việc làm tốt đẹp, có ích với cộng đồng... Song bên cạnh đó vẫn còn không ít YouTuber tập trung khai thác, khoét sâu, “thêm mắm, dặm muối” vào sự kiện, nhân danh sáng tạo để sản xuất nhiều video vô bổ, giật gân, phản cảm, thậm chí bất chấp quy định pháp luật, sử dụng ngôn từ và hình ảnh bịa đặt, nhảm nhí, lố lăng, thiếu văn hóa; tùy tiện, nguy hại không chỉ về văn hóa, nghệ thuật, khoa học,... mà còn tùy tiện, nguy hại về chính trị, kinh tế, xã hội, đạo đức, quan hệ quốc tế; ảnh hưởng, tác động tiêu cực tới sự trưởng thành, phát triển của giới trẻ; làm méo mó nhận thức về lịch sử dân tộc, ảnh hưởng tới uy tín của đất nước... Và đó là thực tế cần sớm nhận diện, khắc phục, xử lý.


(Còn nữa)