Khắc phục những bất cập trong du lịch tâm linh

|

Việt Nam có khoảng 50.700 cơ sở tín ngưỡng và 8.000 lễ hội - phần lớn đều gắn với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, là tài nguyên giàu có để phát triển du lịch tâm linh. Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch tâm linh thời gian qua còn nhiều bất cập, trong đó đáng chú ý là tình trạng thương mại hóa, hiện tượng “buôn thần, bán thánh”. Thực tế này đòi hỏi phải có giải pháp để phát triển cân bằng giữa việc thu hút khách đến với du lịch tâm linh, đồng thời ngăn chặn kịp thời những biến tướng tiêu cực.

Việt Nam có hệ thống cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo rộng khắp cả nước, trong đó, nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là những di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng. Ðiển hình trong đó phải kể đến những Di tích quốc gia đặc biệt như: Ðền Hùng (tỉnh Phú Thọ); chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương (Hà Nội); chùa Keo (tỉnh Thái Bình), chùa Dâu, chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh), Khu du lịch tâm linh chùa Bái Ðính trong quần thể Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An...

Thiên Chúa giáo dù du nhập vào Việt Nam muộn hơn nhiều tôn giáo khác, nhưng cũng có nhiều cơ sở tôn giáo có kiến trúc nổi tiếng như: Nhà thờ Lớn (Hà Nội), Nhà thờ Ðức Bà (TP Hồ Chí Minh), Nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), Nhà thờ gỗ Kon Tum (Kon Tum)…

Cùng với đó, nước ta có 8.000 lễ hội trải khắp các tỉnh, thành phố, trong đó có những lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng mang tính vùng miền, mang nhiều nét văn hóa tâm linh đặc sắc. Ðây là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch tâm linh. Trên thực tế, nhiều địa phương đã khai thác hiệu quả các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo để thu hút du lịch, gắn kết giữa du lịch tâm linh và các hoạt động văn hóa góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội.

Trong lịch sử nhân loại, du lịch tâm linh là một trong những loại hình du lịch ra đời sớm, với khởi điểm là các cuộc hành hương về những vùng đất linh thiêng của các tôn giáo, tín ngưỡng. Theo ước tính của Tổ chức Du lịch Thế giới, những năm gần đây, ngoại trừ thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trung bình mỗi năm có khoảng 330 triệu người đi du lịch vì lý do tôn giáo.

Tại Việt Nam, hoạt động đi lễ, hành hương về những vùng đất linh thiêng của các tôn giáo, tín ngưỡng đã xuất hiện từ lâu. Nổi bật nhất là hành hương về đất Tổ Hùng Vương trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hay những người theo đạo Mẫu luôn có mong muốn đi lễ tại Phủ Giầy (tỉnh Nam Ðịnh), nơi phát tích của Mẫu Liễu Hạnh và các đền, phủ thờ các vị Thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu như: Phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Bảo Hà (tỉnh Lào Cai), hai đền thờ Ông Hoàng Mười (ở Nghệ An và Hà Tĩnh)…

Du lịch tâm linh có sự giao thoa với du lịch văn hóa, nhưng cũng có nhiều khác biệt, cho nên được xem là loại hình riêng. Bởi ngoài hoạt động chiêm bái vẻ đẹp của cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, du lịch tâm linh thường gắn với các hoạt động hành lễ và các trải nghiệm khác. Nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là những công trình mới xây dựng, không phải là di sản văn hóa nhưng cũng thu hút đông đảo tín đồ, khách thập phương. Ðiển hình trong số này là chùa Bái Ðính (tỉnh Ninh Bình), chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) hay một số Thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm.

Thực hiện chủ trương tự do tôn giáo, tín ngưỡng, hiện nay Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo. Cùng với nhiều hoạt động tín ngưỡng khác, nhu cầu du lịch tâm linh là rất lớn và rất có tiềm năng để phát triển. Ở nhiều địa phương, du lịch tâm linh đóng vai trò chủ chốt trong cơ cấu kinh tế địa phương. Ðiển hình như Khu du lịch tâm linh núi Bà Ðen (tỉnh Tây Ninh) năm 2023 cán mốc 5 triệu người đi cáp treo lên núi. Chùa Hương năm 2023 đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch…

Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong kinh tế-xã hội các địa phương, du lịch tâm linh ngày càng có vị trí quan trọng trong cơ cấu khách hàng của các doanh nghiệp. Nhiều cơ sở tôn giáo lớn trên khắp cả nước được đưa vào tour của hầu hết các hãng lữ hành.

Mặc dù vậy, do tính chất đặc thù của mình, du lịch tâm linh hiện nay cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Niềm tin và tính thiêng dễ bị trục lợi, biến thành yếu tố mê tín, dị đoan. Biểu hiện của mê tín, dị đoan hết sức đa dạng, từ đơn giản như lạm dụng đốt vàng mã, bói toán cho đến những hình thức phức tạp hơn.

Thí dụ, trong tín ngưỡng thờ Mẫu có nghi thức hầu đồng là một trong những thành tố của Di sản văn hóa thế giới Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ. Song, khi hầu đồng có hiện tượng “thánh giáng”, “thánh nhập”, nhiều người lợi dụng yếu tố này để “phán”, hay để tuyên truyền phục vụ mục đích cá nhân. Một số di tích, lễ hội xảy ra tình trạng cướp lộc dẫn đến ẩu đả. Một số địa bàn xảy ra tình trạng lập đền, miếu… giả “ăn theo” cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thật.

Gần đây, những hình thức trục lợi từ hoạt động tâm linh có xu hướng tinh vi hơn, đặc biệt là thêu dệt những câu chuyện làm “thiêng hóa” cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nhằm thu hút tín đồ; việc khuyếch trương các kỷ lục của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo để thu hút Phật tử đến chiêm bái… Không ít trường hợp, nhân viên tại các khu du lịch tâm linh đã giải thích sai lạc về ý nghĩa, giá trị của các công trình tín ngưỡng, tôn giáo, về “tính thiêng” của đối tượng thờ phụng nhằm mục đích câu khách.

Du lịch tâm linh là một nhu cầu thực tế của hầu hết các cộng đồng cư dân và đem lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. Song, việc trục lợi từ hoạt động tâm linh dẫn đến nguy cơ càng phát triển du lịch tâm linh, càng dễ xảy ra mê tín, dị đoan, thương mại hóa. Một vấn đề khác đối với du lịch tâm linh là tính “mùa vụ”. Tại nhiều địa phương, hầu hết các địa chỉ du lịch tâm linh chỉ đông khách ba tháng đầu năm, các tháng còn lại lại rất vắng vẻ.

Ðiển hình như đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có ngày thu hút hàng chục nghìn khách trong dịp đầu năm, thời gian còn lại cả một quần thể rộng lớn, với nhiều công trình đẹp, hài hòa giữa công trình nhân tạo và tự nhiên lại chỉ lác đác khách. Ðiều này gây ra sự lãng phí rất lớn về tài nguyên du lịch khi nhiều khu du lịch tâm linh có cảnh quan đẹp.

Nguyên nhân trước hết đến từ tập quán của người dân. Nhiều người quan niệm mùa xuân là mùa đi lễ để cầu nguyện cho cả năm. Nhiều người đến các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng chỉ với mục đích cầu may; nhận thức về đối tượng phụng thờ, hiểu biết về văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo còn hạn chế, nên không có nhu cầu trải nghiệm sâu.

Về khách quan, nhiều khu du lịch tâm linh chủ yếu khai thác những tài nguyên sẵn có mà không nghiên cứu, xây dựng những hoạt động, những trải nghiệm mới cho du khách. Ðiều này dẫn đến các hoạt động ở những cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nghèo nàn, dù có cảnh quan đẹp nhưng vẫn không đủ sức “kéo” khách đến chiêm bái, trải nghiệm vào các mùa khác trong năm.

Ðể phát triển ngăn chặn những bất cập trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, đồng thời để phát triển du lịch tâm linh bền vững, trước hết cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng cũng như các giá trị của văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Các tôn giáo dù có nguồn gốc, đối tượng thờ phụng hay tín điều khác nhau, nhưng điểm chung là đều hướng con người tới những giá trị “chân, thiện, mỹ”.

Mặt khác, các tôn giáo, tín ngưỡng từ nước ngoài khi du nhập vào Việt Nam đều giao thoa và tiếp biến mạnh mẽ với văn hóa Việt. Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tinh thần đoàn kết dân tộc nên các tôn giáo hòa đồng, không có xung đột; trong cùng một cộng đồng cư dân có nhiều người theo những tôn giáo khác nhau nhưng sống hài hòa với nhau.

Hiện nay, du lịch tâm linh tại Việt Nam chỉ tập trung vào trẩy hội, lễ bái đầu năm, check-in điểm đến. Tuy nhiên, khi có kiến thức, khi thăm các đền chùa, nhà thờ, thánh đường, những địa điểm linh thiêng và cổ kính người dân sẽ dành thời gian tìm hiểu về lịch sử, văn hóa tôn giáo, tham gia các nghi thức tâm linh, vừa khám phá vẻ đẹp của các cơ sở thờ tự và vừa tìm kiếm sự thanh thản tâm hồn, sự cân bằng trong cuộc sống hối hả.

Ðể tạo ra sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, bản thân các doanh nghiệp lữ hành cần kết hợp với các địa phương, các đơn vị quản lý cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo để xây dựng những sản phẩm trải nghiệm tâm linh lành mạnh, có chiều sâu hơn. Như vậy người dân sẽ không đi lễ theo trào lưu mà hướng đến hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu.

Ðể đạt được mục đích trải nghiệm, tìm hiểu, thời gian du lịch sẽ không giới hạn trong những tháng đầu năm phải chen chúc đi lễ nữa; đồng thời, khi cộng đồng được trang bị kiến thức thì những niềm tin mù quáng bị tiết giảm, nạn mê tín, dị đoan, “buôn thần, bán thánh”, thương mại hóa hoạt động du lịch tâm linh cũng sẽ giảm theo.

Hiện nay, bước đầu đã có một số doanh nghiệp lữ hành tổ chức những tour du lịch tâm linh có chiều sâu. Thí dụ như khách đi du lịch đến các thắng địa của tôn giáo, tín ngưỡng kết hợp với hoạt động thiền, yoga hay các buổi nói chuyện của các chuyên gia về tôn giáo, tâm lý, mỹ thuật…

Phát triển du lịch tâm linh là một yêu cầu tất yếu của cuộc sống, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của các ban, ngành chức năng. Chỉ khi nhận thức của cộng đồng được nâng cao, kết hợp với xây dựng những tour du lịch hấp dẫn, những bất cập trong hoạt động văn hóa tâm linh nói chung, du lịch tâm linh nói riêng mới được khắc phục. Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý, các doanh nghiệp lữ hành cũng cần có ý thức xây dựng những trải nghiệm du lịch tâm linh lành mạnh. Việc kết hợp hai yếu tố này sẽ giúp du lịch tâm linh phát triển ngày càng bền vững, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.