Tốt nghiệp Trường đại học Y khoa Huế năm 1987, bác sĩ Phạm Minh Trường bắt đầu sự nghiệp tại Trạm mắt Bình Trị Thiên. Thời điểm ấy, những bệnh nhân nghèo vẫn chưa có thẻ bảo hiểm y tế cho nên người đến khám cũng ít, chỉ là những bệnh thông thường về mắt. Chủ yếu là thực hiện các chương trình nhãn khoa học đường. Nhiều em tật bẩm sinh về mắt ở các tỉnh khu vực miền trung, vùng sâu, vùng xa tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… được cha mẹ lặn lội đưa vào Huế chữa trị nhưng không được đành phải quay về. Lúc bấy giờ, bác sĩ Trường ước gì tại Huế có cơ sở vật chất đầy đủ để có thể chữa trị cho các em. Đây là điều khiến ông trăn trở và luôn tự thôi thúc mình phải làm gì đó để khôi phục thị lực cho bệnh nhân mù lòa, nhất là những người già neo đơn và trẻ em hoàn cảnh khó khăn.
Chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm, nhất là cụ già, các em nhỏ, đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) bị bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, viêm kết mạc, glocom bẩm sinh, lác... sống thu mình trong cảnh tối tăm, nghèo khó, ăn còn chả đủ nói gì đến chạy chữa, bác sĩ Trường tìm cách kết nối, kêu gọi các tổ chức nhân đạo, từ thiện triển khai các chiến dịch mang lại ánh sáng cho người mù ở vùng sâu, vùng xa, giúp họ thấy được những người thân yêu, hòa nhập cộng đồng. Bằng rất nhiều cách, ông đã đi “gõ cửa” khắp nơi, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ trong việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại.
Từ năm 2006, thông qua những người bạn, bác sĩ Trường tiếp cận các tổ chức phi chính phủ của Đức, Ô-xtrây-li-a, Mỹ. Những tổ chức này đã trở thành bạn đồng hành với ông hơn mười năm qua, không chỉ hỗ trợ cho Bệnh viện mắt Huế về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế mà còn giúp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế về nhãn khoa chất lượng cao tại bệnh viện. Từ đó, Bệnh viện mắt Huế có đến 99% các trang thiết bị y tế được đầu tư mới, đồng bộ và hiện đại. Đội ngũ y sĩ, bác sĩ, kỹ thuật viên thường xuyên được gửi đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài một cách bài bản. Đồng thời, đội ngũ này cũng liên tục cập nhật các kiến thức cho nên đã góp phần xây dựng Bệnh viện mắt Huế trở thành một trong bốn bệnh viện chuyên khoa mắt hàng đầu của cả nước. Mỗi năm, bệnh viện khám và điều trị khoảng từ 60 đến 70 nghìn người; tiến hành phẫu thuật, điều trị nội trú cho khoảng 5.000 bệnh nhân về mắt. Đây cũng là bệnh viện công lập đầu tiên ở Thừa Thiên - Huế mạnh dạn hướng đến xây dựng mô hình hoạt động tự chủ.
Tấm lòng và trách nhiệm của bác sĩ Phạm Minh Trường được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Nhờ đó, Tổ chức Orbis đã tài trợ cho Bệnh viện mắt Huế hai triệu USD để xây dựng Trung tâm Nhãn nhi, đây là trung tâm chăm sóc mắt trẻ em hàng đầu ở khu vực miền trung và Tây Nguyên. Trung tâm này đã trở thành cơ sở chăm sóc mắt trẻ em thứ tư trong cả nước có thể cung cấp nhiều dịch vụ điều trị các bệnh về mắt cho trẻ em với chất lượng cao. Từ khi đưa vào hoạt động, mỗi năm trung tâm tiến hành phẫu thuật miễn phí cho hơn 300 bệnh nhi. Bác sĩ Trường còn xây dựng thành công dịch vụ chăm sóc mắt cho trẻ em tại bệnh viện, mở ra một mạng lưới chăm sóc mắt liên hoàn, kết nối từ cộng đồng ở khu vực. Ông trở thành cố vấn cao cấp tư vấn cho các tỉnh bạn nhằm cải thiện công tác chăm sóc mắt trẻ em ở Việt Nam.
Nhận thấy nhu cầu được hưởng các dịch vụ chăm sóc mắt rất lớn từ những người dân ở nông thôn và vùng xa, bác sĩ Phạm Minh Trường đã làm việc với chính quyền địa phương ở Thừa Thiên - Huế để thành lập năm trung tâm khúc xạ tuyến huyện. Điều ông mong ước lâu nay đã trở thành hiện thực khi đưa dịch vụ chăm sóc mắt đến gần hơn với cộng đồng, giúp mọi người dân được khám mắt định kỳ và điều trị kịp thời. Nhờ vậy, hiện nay, 100% số trẻ em ở Thừa Thiên - Huế đã được khám và điều trị các bệnh về mắt; hình thành được mạng lưới chăm sóc mắt liên hoàn từ cộng đồng đến bệnh viện từ huyện đến tỉnh.
Cuối tháng 9 vừa qua, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam U-me-da Ku-ni-o đại diện Chính phủ Nhật Bản đã ký cam kết viện trợ cho Bệnh viện mắt Huế máy chụp cắt lớp võng mạc OCT. Những hình ảnh do OCT mang lại sẽ giúp những thầy thuốc ở bệnh viện này có thể đánh giá những thay đổi rất nhỏ trong các lớp cấu trúc của võng mạc, giúp họ chẩn đoán và điều trị chính xác cho bệnh nhân.
Với những đóng góp của mình, bác sĩ Phạm Minh Trường vinh dự được nhận danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú vào năm 2008, được nhiều đồng nghiệp đánh giá là người lãnh đạo có tâm và tài, xây dựng đội ngũ cán bộ trong đơn vị đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bác sĩ Trường luôn tâm huyết với nghề và có nhiều sáng tạo trong vai trò người dẫn dắt, tổ chức tốt các chương trình phòng chống mù lòa cho cộng đồng; tham gia xây dựng, phát triển mạng lưới chăm sóc mắt tuyến dưới, phối hợp với các tổ chức quốc tế đào tạo chuyên môn cho các địa phương. Nhờ đó, đến nay các bệnh viện huyện ở Thừa Thiên - Huế đều có bác sĩ chuyên khoa về mắt.
Tổ chức Phòng chống mù lòa thế giới (IAPB) nhận xét: “Bác sĩ Phạm Minh Trường đã thực hiện sứ mệnh cuộc sống của mình để giúp đỡ những người khiếm thị, là trẻ em nhìn ra thế giới bằng mắt tốt hơn. Ông đã trải qua 10 năm hoạt động để phát triển dịch vụ chăm sóc mắt nhi cho khu vực miền trung. Ông mong muốn làm dịch vụ cho trẻ em tại Bệnh viện mắt Huế và thiết lập mạng lưới để cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em cho tất cả trẻ em có nhu cầu”.