Hơn 20 năm gắn bó với nhà giàn

|

Quân cảng Vũng Tàu chiều cuối năm. Trong số nhiều người đến tiễn các chiến sĩ Nhà giàn DK1, thuộc Bộ tư lệnh vùng 2 Hải quân lên đường làm nhiệm vụ, có một phụ nữ hơn 40 tuổi, tần ngần đứng nhìn từ xa. Ðó là chị là Phạm Thị Thúy, có chồng là Thiếu tá quân y Hoàng Văn Thảnh. Ðây là lần thứ 20 chị tiễn anh lên đường tới các nhà giàn, cũng là 20 mùa xuân, chị cùng các con đón tết vắng anh.

Tổ ấm của người lính

Quê anh chị ở huyện Tiên Lữ (Hưng Yên), hai nhà cùng xóm. Năm 1985, học xong lớp 12, anh lên đường nhập ngũ, chị vào học tại Trường trung cấp Tài chính-Kế toán tỉnh. Chị nhớ như in những dòng thư anh gửi từ đơn vị về, tràn đầy niềm vui được sống, rèn luyện trong môi trường quân đội. Anh được cấp trên tín nhiệm, cử đi học trường quân y. Năm 1989, anh ra trường về nhận công tác tại Vùng 4 Hải quân, làm nhiệm vụ ở đảo Tiên Nữ thuộc quần đảo Trường Sa. Hai năm sau, anh về Tiểu đoàn DK1 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Trước khi nhận nhiệm vụ mới, anh nghỉ phép, cùng chị tổ chức cưới tại quê nhà và chuyển vào TP Vũng Tàu sinh sống. Những ngày đầu xây dựng tổ ấm trên quê hương mới thật vất vả. Ðơn vị cấp cho mảnh đất nhỏ; đồng đội đến giúp xây gian nhà cấp bốn, mái lợp prô-xi-măng. Anh đi công tác xa, chị không có việc làm. Nhiều đêm mưa bão, chị ôm con trong căn nhà mưa dột, khóc thầm. Những lá thư của anh từ biển xa gửi về động viên chị vượt lên. Chị từ bỏ mơ ước theo nghề đã học, sắm gánh hàng nhỏ vừa bán vừa trông con. Những ngày anh về phép là niềm vui lớn nhất của gia đình, nhất là vào dịp Tết. Ngôi nhà nhỏ ngập tràn tiếng cười. Anh tranh thủ lợp lại mái nhà, sửa giúp vợ đôi quang gánh. Bé con cứ bám chặt lấy bố. Nhưng những lần đó không nhiều. Hơn hai mươi năm, chị có thể đếm trên đầu ngón tay số ngày anh ở nhà. Có lần đang nghỉ, lệnh đột xuất, anh lại gấp gáp lên đường.

Câu chuyện với chị Thúy phải tạm dừng vì đoàn tàu bắt đầu ra khơi. Tôi may mắn được đi chung chuyến tàu với các chiến sĩ Nhà giàn DK1 và gặp Thiếu tá Hoàng Văn Thảnh, chồng chị Thúy. Anh có dáng người "đặc trưng của lính Nhà giàn", cao gầy, da rám nắng. Ðể trò chuyện với anh không dễ vì anh "luôn chân luôn tay", lúc thì vào khoang chăm sóc các chiến sĩ mới mệt do say sóng, lúc lại xuống bếp nấu cơm giúp anh nuôi. Khi tàu tới các Nhà giàn, anh lại cùng đồng đội đóng gói và tìm cách "thả hàng theo dây" - một biện pháp của các chiến sĩ khi sóng quá lớn, ca-nô không thể cập nhà giàn. Phải đến khi cập Nhà giàn DK1/10 trên vùng biển bãi cạn Cà Mau, cũng là nơi anh đến nhận công tác, chúng tôi mới có dịp trò chuyện.

Chuyện chữa bệnh trên Nhà giàn DK1

Nhà giàn DK1 gồm 15 nhà giàn nằm dọc vùng biển thềm lục địa Tổ quốc. Cuộc sống của các chiến sĩ còn nhiều khó khăn; xa gia đình, khí hậu khắc nghiệt. Thiếu tá Hoàng Văn Thảnh tâm sự, công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn cũng khác với đất liền. Quân y nhà giàn không chỉ là người thầy thuốc mà còn là người bạn của cán bộ, chiến sĩ. Có lần ở Nhà giàn DK1/8, một chiến sĩ mới, nhận được thư nhà thì buồn rầu, không chịu ăn cơm, gặng hỏi mãi mới biết mẹ anh ở nhà đang ốm mà gia đình nghèo, không có điều kiện chữa trị. Anh cùng Ban chỉ huy nhà giàn bàn bạc điện xin đất liền giúp đỡ. Ðơn vị cử người về quê và kịp thời đưa mẹ của chiến sĩ đi khám, điều trị. Ở biển xa, tin tức về gia đình, người thân tác động rất lớn đến tư tưởng cán bộ, chiến sĩ. Chia sẻ và động viên anh em chính là liều thuốc tinh thần hữu hiệu. Với cách làm như thế, nên ở đâu, chiến sĩ nhà giàn cũng quý trọng anh. Nhiều anh em chia sẻ, anh Thảnh như người anh cả vậy. Thấy trời chuyển gió mùa đông bắc là anh nhắc anh em mặc áo ấm; tự tay pha nước muối để anh em súc miệng chống viêm họng. Khi mưa bão, mỗi lúc ra ngoài anh nhắc nhở không mở cửa đột ngột tránh trúng gió. Ngày nào anh cũng xuống nhà bếp kiểm tra vệ sinh thực phẩm. Anh thường nói, sống độc lập giữa biển khơi, không có gì bảo vệ sức khỏe tốt hơn là phòng, chống bệnh.

Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Phó Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn DK1 nhận xét, Thiếu tá Hoàng Văn Thảnh có nhiều sáng kiến trong việc chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, nổi bật là "vườn rau - thuốc nam". Anh Thảnh cho biết, đây là kinh nghiệm anh đúc kết được từ chuyên môn với những năm tháng sống trên các nhà giàn. Nhà giàn xa đất liền, xa bệnh viện, nên không chỉ thiếu rau xanh mà còn thiếu các phương tiện khám, chữa bệnh. Vì vậy, anh động viên anh em chọn trồng các loại cây vừa giàu chất dinh dưỡng vừa có tác dụng chữa bệnh. Khi công tác tại Nhà giàn DK1/8, thấy thời tiết khu vực nắng nóng, được nghỉ phép, anh về quê mang cây chanh ra trồng; chăm sóc cẩn thận. Cây lớn nhanh, nhiều quả, trở thành bài thuốc giải nhiệt tốt. Thấy vậy, anh em học theo. Hiện các nhà giàn trồng được 32 loại rau kiêm thuốc như: rau mồng tơi, sả, húng, gừng, mơ lông...

Không chỉ chăm lo sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, anh Thảnh còn tích cực cùng đồng đội tham gia cứu chữa bà con đánh cá trên biển gặp nạn. Năm 2009, tại nhà giàn khu vực Tư Chính, một tàu đánh cá của ngư dân Vũng Tàu điện xin bác sĩ cấp cứu. Biển động, sóng lớn, tàu không thể cập nhà giàn. Anh thả ca-nô để tiếp cận tàu, dù biết nguy hiểm. Khi đến nơi, thấy thuyền viên đang bị cơn đau thắt ngực dữ dội, anh cho người bệnh ngậm thuốc chống co thắt, tiêm thuốc trợ tim hồi sức. Sau 20 phút, người bệnh hồi phục. Có lần ở Nhà giàn Phúc Nguyên, do sóng đẩy bất ngờ, nửa bàn tay của một thuyền viên chui vào máy nghiền đá, bị cắt lìa. Ðến nơi, thấy bệnh nhân chảy máu nhiều, anh rửa vết thương, nhanh chóng cầm máu và tìm tàu lớn đưa bệnh nhân về đất liền cấp cứu.

Hơn 20 năm công tác trên các nhà giàn, anh và đồng đội đã cứu chữa, xử lý hàng trăm trường hợp ngư dân gặp nạn trên biển. Thiếu úy Nguyễn Duy Khánh, Chính trị viên Nhà giàn DK1/10 cho biết, nhắc đến Thiếu tá quân y Hoàng Văn Thảnh, anh em nhà giàn và nhiều bà con ngư dân đều khen ngợi.