Nghệ nhân Lồ Lài Sửu cho biết, ngay từ nhỏ bà đã được sống trong môi trường văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc của dân tộc mình, từ lời ru cho đến những làn điệu dân ca ngọt ngào với ý nghĩa răn dạy đạo lý sâu sắc của ông bà, cha mẹ. Đến khi trưởng thành, bà Lồ Lài Sửu tham gia hát đối trong những dịp lễ hội, đám cưới ở bản làng. Với niềm đam mê và trân trọng các giá trị văn hóa dân gian quý báu này, từ năm 1995, bà Sửu bắt đầu sưu tầm, phiên âm bằng tiếng Việt để ghi chép lại các bài hát dân ca, những điệu múa truyền thống của dân tộc Bố Y. Không những thế, bà Sửu còn sáng tác nhiều bài hát mới dựa trên các làn điệu dân ca và “biên đạo” các điệu múa truyền thống cho phù hợp với các bạn trẻ, đóng góp vào sự phong phú, đa dạng của kho tàng văn hóa truyền thống dân tộc Bố Y.
Đến nay, nghệ nhân Lồ Lài Sửu nắm giữ và có thể hát được khoảng 60 bài dân ca Bố Y. Đó là: Hát núi, hát hoa, hát với cô tiên, hát mở con mương, hát cảm tạ trâu thần, hát giao duyên 12 tháng (gồm 12 bài từ tháng giêng đến tháng chạp). Bà cũng tự sáng tác lời mới dân ca Bố Y và các điệu múa dân gian được 15 bài.
Bà Sửu tự nguyện trở thành hạt nhân kết nối người dân ở thôn và cả xã Thanh Bình cùng nhau gìn giữ vốn văn hóa truyền thống bằng cách tích cực truyền dạy cho con cháu, chị em phụ nữ trong thôn diễn xướng dân gian, đồng thời vận động mọi người cùng tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ ở thôn, bản, cả trên địa bàn xã và huyện. Với những đóng góp tích cực không mệt mỏi của mình, năm 2015, bà Lồ Lài Sửu đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Bên cạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, gia đình bà Lồ Lài Sửu còn là tấm gương làm kinh tế giỏi tại địa phương. Trên những rẻo đất ven đồi, bà Sửu mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác mới, chuyển sang trồng quýt, mía xương gà. Bà Sửu cho biết, hằng năm gia đình thu nhập từ trồng ngô lai, mía được hơn 170 triệu đồng, ngoài ra còn có thêm thu nhập từ trồng chè và nuôi ngựa, kinh doanh vận tải hàng hóa, thu mua và bán nông sản, cung ứng phân bón cho người dân. Trừ chi phí, gia đình bà Sửu thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Bà Sửu còn chủ động chia sẻ với đồng bào ở địa phương kinh nghiệm làm giàu, chăm sóc cây trồng cũng như vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Mỗi năm, nghệ nhân Lồ Lài Sửu còn cho nhiều hộ nghèo trong thôn vay vốn không tính lãi từ 20 triệu đến 30 triệu đồng để nhiều gia đình có điều kiện thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.