Chuyển biến mới về giáo dục ở miền núi tỉnh Quảng Nam

|

Những năm gần đây, công tác giáo dục ở miền núi Quảng Nam có nhiều chuyển biến đáng mừng: mạng lưới trường lớp được đầu tư nâng cấp ngày càng khang trang, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng cao, tình trạng học sinh (HS) bỏ học giữa chừng đã được khắc phục. Tuy nhiên, giáo dục ở các huyện miền núi Quảng Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm hơn nữa.

Trường lớp ngày càng kiên cố

Về lại huyện Tây Giang vào những ngày đầu tháng 11, chúng tôi cảm nhận vùng đất này đã có nhiều khởi sắc. Tuyến đường từ trung tâm huyện ngược lên biên giới Việt Nam - Lào đã được đầu tư nâng cấp, không còn cảnh lội bùn, gù lưng đẩy xe ô-tô qua những đoạn sình lầy như trước. Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’riu Liếc cho biết, năm 2003, khi huyện Hiên tách ra thành hai đơn vị hành chính (là Đông Giang và Tây Giang) thì huyện Tây Giang là vùng đất mới đầy khó khăn; hệ thống đường giao thông, điện, trường học, trạm y tế… tạm bợ. Nhưng sau hơn 15 năm chia tách, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế… đã được đầu tư nâng cấp, góp phần tạo thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, sinh hoạt, học tập, sản xuất và khám, chữa bệnh...

Xuất phát điểm thấp, nhưng cấp ủy đảng và chính quyền huyện Tây Giang luôn quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống trường lớp. Đến nay, phần lớn các trường học trên địa bàn huyện đều được đầu tư sửa chữa, nâng cấp ngày càng kiên cố, khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã phối hợp địa phương xây dựng và đưa ngôi trường THPT mang tên đồng chí Võ Chí Công vào sử dụng, với số vốn đầu tư gần 24 tỷ đồng. Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công Nguyễn Công Tươi phấn khởi cho biết, công trình hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng đúng vào dịp khai giảng năm học 2018 - 2019, đây là niềm mơ ước từ bao đời nay của người dân các xã vùng biên giới huyện Tây Giang. Trước đây, khi chưa có ngôi trường này, các em học sinh ở bốn xã: Tr’Hy, A Xan, Ch’Ơm, Ga Ry phải đến Trường THPT Tây Giang (đóng tại trung tâm huyện) để học, với chặng đường xa hơn 40 km.

Không riêng gì huyện Tây Giang, so với hồi mới tái lập tỉnh năm 1997, giờ đây, mạng lưới trường lớp ở các huyện miền núi Quảng Nam đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng đến tận thôn, bản… đáp ứng nhu cầu học tập của HS. Đến nay, mạng lưới trường học tại các huyện miền núi được xây dựng khá khang trang: gồm 13 trường THPT, 83 trường THCS, 86 trường tiểu học và 82 trường mẫu giáo, mầm non. Loại hình trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) và phổ thông dân tộc bán trú cũng được tỉnh Quảng Nam quan tâm xây dựng. Điều đáng nói, bên cạnh việc xây dựng đủ phòng học, ngành giáo dục Quảng Nam còn đầu tư, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy. Số trường được tầng hóa, kiên cố hóa ngày càng nhiều. Bước đầu đã có 65 trường ở miền núi được công nhận đạt chuẩn quốc gia và phấn đấu đến năm 2020, có hơn 90 trường ở miền núi đạt chuẩn quốc gia.

Chất lượng giáo dục được cải thiện

Đến nay, các huyện miền núi Quảng Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục THCS đúng kế hoạch và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi. Hiện tại, với 13 trường THPT và bốn trường phổ thông DTNT, số lượng HS miền núi tốt nghiệp THPT mỗi năm khoảng 2.000 em. Và trong đó, có hàng trăm em trúng tuyển vào các trường đại học trong nước.

Để tạo sức bật mới cho lĩnh vực giáo dục, năm 2013, Quảng Nam đã chuyển đổi ba trường phổ thông DTNT ở các huyện sang mô hình trường có hai cấp học gồm: THCS và THPT. Theo mô hình này, trường không có các lớp: 6, 7, 8 mà có bốn khối lớp: 9, 10, 11 và 12. Các em HS học ở các trường này được hưởng chế độ ăn ở, học tập của loại mô hình trường DTNT trong suốt thời gian học tập tại trường. Mặt khác, thông qua đào tạo và cử tuyển, ngành giáo dục Quảng Nam đã nâng dần tỷ lệ giáo viên là người DTTS tại các trường ở miền núi. Hiện, tỷ lệ giáo viên người DTTS ở các cấp học đều tăng cao so với trước; trong đó giáo viên mầm non chiếm tỷ lệ: 26,5%, tiểu học 16,6%, THCS gần 13%, THPT 31%... Thực tế cho thấy, khi lực lượng giáo viên là người DTTS tăng lên sẽ thuận lợi trong việc huy động HS người DTTS ra lớp; tỷ lệ HS bỏ học được khắc phục và chất lượng giáo dục ở miền núi được cải thiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Đình Tùng cho biết, thời gian qua, ngoài việc thực hiện đầy đủ các chính sách của Trung ương, Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển giáo dục vùng DTTS. Chẳng hạn tại Quyết định số 15 (ngày 23-7-2010) của UBND tỉnh quy định chế độ hỗ trợ đối với HS thuộc khu vực II Chương trình 135 (giai đoạn 2), học bổng với mức 100.000 đồng/tháng, học phẩm 40.000 đồng/năm học. Theo đó, giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh đã hỗ trợ gần 70 tỷ đồng, với hơn 78 nghìn lượt HS được thụ hưởng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã có cơ chế hỗ trợ cho HS miền núi thông qua việc phát triển đa dạng loại hình trường. Nhờ đó, tạo động lực cho giáo dục miền núi của tỉnh phát triển, nâng cao chất lượng dạy và học.

Tuy nhiên, giáo dục Quảng Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, các trường THPT tại vùng cao có HS nội trú nhưng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ cho phát triển giáo dục DTTS và miền núi của Chính phủ. Mặt khác, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 582 ngày 28-4-2017 về Phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 thì Quảng Nam có đến 1.800 HS các cấp không còn được hưởng chế độ theo Nghị định 116 của Chính phủ do thuộc xã đã thoát nghèo. Trước tình hình đó, để tạo điều kiện cho các em HS yên tâm đến trường, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã trích nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ gạo cho HS bán trú. Tuy nhiên, về lâu dài, bên cạnh việc đầu tư xây dựng trường lớp, Chính phủ cần nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ thích hợp cho giáo viên và HS ở vùng đồng bào DTTS nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi.