Ðể phát triển du lịch quốc gia

|

(Tiếp theo kỳ trước) (★) Kỳ 2: Kết nối giữa điện ảnh và du lịch Với ưu thế của một loại hình nghệ thuật có tính đặc thù, tại nhiều nước trên thế giới, điện ảnh không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu giải trí của công chúng mà còn trở thành “đại sứ văn hóa”, hỗ trợ đắc lực cho phát triển du lịch quốc gia. Với du lịch Việt Nam, nhất là trong giai đoạn quan trọng hiện nay, những lợi thế của bộ môn “nghệ thuật thứ bảy” cần được phát huy hơn nữa để góp phần thúc đẩy sự phục hồi, phát triển của ngành kinh tế quan trọng này.

Tháng 1-2019, một sự kiện văn hóa tuy khiêm tốn nhưng thu hút sự chú ý của nhiều người, đó là việc tại Hollywood (Hô-li-út, Mỹ), UBND tỉnh Quảng Bình chủ động phối hợp Công ty Indochina Production (Mỹ) và Công ty TNHH MTV Chua Me Ðất (trụ sở tại Quảng Bình) tổ chức chương trình quảng bá du lịch của Quảng Bình qua điện ảnh. Ðoàn Quảng Bình do một phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến “kinh đô” của điện ảnh thế giới. Và trước gần 100 quan khách là diễn viên nổi tiếng, nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, đạo diễn bối cảnh của các hãng phim hàng đầu thế giới như Walt Disney, Warner Bros, Paramount Picture, Century Fox, Legendary, Sony,... đoàn đại biểu đến từ Việt Nam đã tự tin giới thiệu những nét đặc sắc của Di sản thiên nhiên thế giới vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; đồng thời chia sẻ các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện của địa phương với mong muốn sẽ đưa Quảng Bình trở thành phim trường của Hollywood. Phần giới thiệu của đoàn Việt Nam đã gây ấn tượng với các vị khách quốc tế. Ðại diện Công ty Indochina Production tin tưởng rằng, qua sự kiện này, người Mỹ sẽ biết đến Sơn Ðoòng, Quảng Bình nhiều hơn, lượng khách du lịch từ Mỹ đến Quảng Bình, Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

Có thể thấy chuyến công tác nêu trên của đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã hướng tới mục tiêu hết sức ý nghĩa, đó là tạo sự kết nối giữa điện ảnh và du lịch nhằm khai thác lợi thế sẵn có của địa phương một cách lâu dài, bền vững. Nếu mục tiêu được hiện thực hóa thì không chỉ ngành điện ảnh và du lịch được hưởng lợi mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương. Nhìn rộng ra, nếu cách làm này được triển khai một cách đồng bộ tại các địa phương có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa vùng - miền,... chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả lớn về nhiều mặt như: góp phần quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới, thúc đẩy hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực, tăng nguồn thu cho GDP quốc gia. Minh chứng có thể kể đến là bộ phim Kong - Skull Island (Kong: Ðảo đầu lâu) của điện ảnh Mỹ. Ra mắt năm 2017, với 70% số cảnh quay được thực hiện tại các danh thắng ở Quảng Ninh, Quảng Bình và Tràng An (Ninh Bình) của Việt Nam, bộ phim được đánh giá là đã tạo cú huých cho phát triển du lịch tại các địa phương mà nhà làm phim chọn để thực hiện các cảnh quay. Nhiều khán giả sau khi thưởng thức đã quyết định “mục sở thị” địa điểm góp phần tạo nên những cảnh quay đặc sắc trong bộ phim. Vấn đề đặt ra ở đây là: điện ảnh đã làm tốt vai trò của mình trong việc góp phần quảng bá du lịch, nhưng nếu muốn giữ chân khách du lịch đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của chính quyền sở tại và ngành du lịch.

Thực tế không phải đến phim Kong - Skull Island gây “sốt” tại nhiều phòng vé, được truyền thông thế giới quan tâm thì cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ của Việt Nam mới được du khách trầm trồ và tìm đến tận nơi để chiêm ngưỡng. Từ nhiều thập kỷ nay, sự đặc sắc và đa dạng về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên của Việt Nam đã là nguồn cảm hứng của nhiều đạo diễn nước ngoài danh tiếng. Tiêu biểu có thể kể đến các “siêu phẩm” như phim Người tình (L’Amant, năm 1992), Ðông Dương (Indochina, giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại lễ trao giải Oscar năm 1993), Ðiện Biên Phủ (phim được đề cử giải César hạng mục Âm nhạc hay nhất năm 1993) của điện ảnh Pháp; phim Người Mỹ trầm lặng (The quiet American, năm 2002) của điện ảnh Mỹ... Ðồng thời, những tác phẩm điện ảnh đặc sắc do đạo diễn là người Việt Nam thực hiện với các cảnh quay ghi lại dấu ấn nhiều vùng miền của đất nước cũng đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam với khán giả quốc tế một cách ấn tượng. Tiêu biểu có thể kể đến các phim Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng (đạo diễn Trần Anh Hùng), Mùa len trâu (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ), Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải)... Theo “dấu chân” các bộ phim này, nhiều khán giả đã tìm đến những vùng đất được sử dụng làm bối cảnh phim như Hạ Long (Quảng Ninh), Ðồng Văn (Hà Giang), Hòn Yến (Phú Yên), Hội An (Quảng Nam), thành phố Sa Ðéc (Ðồng Tháp)...

Không chỉ ở Việt Nam, mà sau khi được sử dụng làm bối cảnh những bộ phim nổi tiếng, nhiều địa danh trên thế giới đã nhanh chóng trở thành địa điểm du lịch được ưa chuộng. Thậm chí trong một số trường hợp, điện ảnh đã góp phần thay đổi diện mạo, cũng như tạo cú huých cho du lịch nhiều địa phương. Tiêu biểu như trường hợp các bộ phim Cưỡng đoạt 2 (Taken 2, năm 2012), Tử địa Skyfall (Skyfall, năm 2012, trong loạt phim Ðiệp viên 007). Không chỉ tạo ra “cơn sốt” tại phòng vé, mang về doanh thu “khủng”, hiệu ứng từ những bộ phim này còn tạo nên một làn sóng du lịch hướng về thủ đô Istanbul (I-xtan-bun, Thổ Nhĩ Kỳ) - nơi được chọn làm bối cảnh chính của bộ phim. Tương tự, trước đó, với thành công của bộ phim Triệu phú ổ chuột (giải Oscar năm 2009) khiến nhiều người đã tìm đến Dharavi (Ða-ra-vi, Ấn Ðộ), nơi thực hiện gần như toàn bộ cảnh quay của phim. Ðây vốn chỉ là một “khu ổ chuột” lớn của thành phố Mumbai (Mum-bai), hình thành từ cuối thế kỷ 19, nơi tập trung của người nghèo, người vô gia cư. Vì vậy khó ai hình dung nơi đây có thể trở thành điểm du lịch thu hút du khách. Thế nhưng nhờ một tác phẩm điện ảnh, “khu ổ chuột” trở thành địa điểm nhất định phải tìm đến đối với nhiều du khách. Từ nguồn khách du lịch đổ về đây mỗi ngày một đông đã tạo cơ hội giúp người dân cải thiện đời sống, có thêm công ăn việc làm, bớt mặc cảm về thân phận. Tương tự, sau thành công của phim Chúa tể những chiếc nhẫn (The Lord of the Rings) do P. Jackson (P. Giắc-xơn) người Anh đạo diễn và ra mắt năm 2001, đã mang lại cho New Zealand (Niu Di-lân) hơn bốn triệu lượt khách chỉ trong một năm. Năm 2010, bộ phim IRIS của điện ảnh Hàn Quốc, với bối cảnh chính quay tại Akita (A-ki-ta, Nhật Bản) đã nhanh chóng tạo làn sóng khách du lịch từ Hàn Quốc tìm đến với đất nước mặt trời mọc. Không chỉ có thế, đường bay quốc tế giữa Akita và Seoul (Xê-un, Hàn Quốc) trước đó vốn bị đóng cửa do lượng khách quá ít nay đã được khôi phục. Và cũng nhờ cây cầu nối là điện ảnh mà một số nơi đã trở thành “thành phố du lịch” như Busan, Jeju (Hàn Quốc), Cannes (Pháp)… Tại Thái-lan, mỗi năm doanh thu từ du lịch đạt hàng chục tỷ USD, trong đó một phần nhờ tích cực quảng bá du lịch qua điện ảnh. Việc quảng bá du lịch của quốc gia này thường xuyên sử dụng các địa danh từng xuất hiện trong các bộ phim “bom tấn” nổi tiếng của nước ngoài như một “chứng chỉ chất lượng”.

Rõ ràng với các lợi thế đặc biệt, điện ảnh đã và đang tạo ra tác động không nhỏ đối với phát triển du lịch, cũng như nâng cao vị thế một quốc gia. Nắm bắt các lợi thế này, tại nhiều nước sự kết hợp giữa du lịch và điện ảnh được xác định là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển. Tuy nhiên ở Việt Nam thời gian qua, sự hợp tác giữa hai ngành này còn có phần hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Nghị quyết 08-NQ/TW (ngày 16-1-2017) của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ một số hạn chế, yếu kém của ngành du lịch, trong đó có nguyên nhân: “Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao”, từ đó Nghị quyết đề ra mục tiêu: “Phát triển du lịch thật sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch”. Ðây là các định hướng quan trọng để phát triển ngành du lịch trong thời gian tới, trong đó cần chú ý tới nội dung “chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch”.

Có thể nói, đã đến lúc cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, ngành chức năng nhằm nghiên cứu và xây dựng kế hoạch, chính sách thống nhất, đồng bộ, có tính khả thi, phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của điện ảnh và du lịch. Hai ngành cần sớm ngồi lại với nhau để bàn bạc, xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể, hướng tới mục tiêu chung. Về phía điện ảnh, cần tăng cường hợp tác quốc tế, biến lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng văn hóa của Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn với các nhà làm phim thế giới, khai thác hiệu quả những địa điểm sẵn có trong nước làm bối cảnh phim, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, đồng thời có sản phẩm điện ảnh “chất lượng cao” để quảng bá Việt Nam với bạn bè thế giới. Về phía ngành du lịch, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, điều kiện tiên quyết để giữ chân du khách, cần chủ động mời chào, thậm chí “đặt hàng”, đầu tư cho nhà làm phim, tăng cường quảng bá, thu hút khách du lịch từ các sản phẩm điện ảnh. Ðồng thời cần huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng, bởi đây là nhân tố góp phần tạo ra môi trường thân thiện, cởi mở để chào đón bạn bè quốc tế. Hy vọng với tiềm năng sẵn có, sự vào cuộc tích cực của điện ảnh và du lịch sẽ thúc đẩy sự phát triển của du lịch quốc gia, đáp ứng sự kỳ vọng của toàn xã hội.

(Còn nữa)

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 2-6-2020.

* Để phát triển du lịch quốc gia (Kỳ 1)