Phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững

|

Huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Những năm gần đây, người dân trong huyện nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Minh Hóa nói riêng đã biết trồng rừng kinh tế, làm giàu vốn rừng. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập để thoát nghèo bền vững mà nhiều hộ đồng bào DTTS có đời sống khấm khá nhờ trồng rừng.

Trồng rừng để thoát nghèo

Trước đây, đồng bào DTTS ở Minh Hóa có tập quán di cư, đốt rừng làm nương rẫy cho nên rừng thường xuyên bị tàn phá, cuộc sống đói nghèo, lạc hậu. Những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đồng bào DTTS đã được định cư, nhận đất trồng rừng kết hợp chăn nuôi để tạo lập cuộc sống, trong đó nhiều hộ đã vươn lên có cuộc sống khá hơn nhờ trồng rừng kinh tế. 

Gia đình anh Hồ Lâm ở bản Hưng, xã Trọng Hóa là một trong những điển hình của sự thay đổi về suy nghĩ và cách làm mới này ở Minh Hóa. Những năm trước, gia đình Hồ Lâm gồm sáu người sống nhờ nghề đi rừng và làm lúa rẫy. Được mùa thì có lương thực cho vài tháng, mất mùa thì đói kém cả năm. Từ nghèo khó, anh học hỏi kinh nghiệm của những người dưới xuôi, vẫn bám vào rừng nhưng không phải để săn bắt trộm thú rừng, khai thác lậu gỗ mà phải trồng rừng để có sản phẩm thu hoạch quanh năm. Bắt đầu bằng nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Lâm nhận đất ở gần bản để trồng rừng. Mỗi năm một ít, cứ như thế bây giờ anh có gần bảy ha rừng keo lai. Dưới tán rừng, Hồ Lâm thả nuôi bò, lợn rừng lai. Theo cách lấy ngắn nuôi dài, nguồn thu đã tăng lên theo năm tháng và đến nay gia đình Hồ Lâm có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ khai thác rừng trồng và chăn nuôi gia súc. Bà con bản noi gương Hồ Lâm cũng học làm theo, đến nay đã có 20 hộ nhận đất trồng rừng và có nguồn thu lâu dài từ gỗ rừng trồng.
 
Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi cho biết, 2019 là năm đầu tiên bà con DTTS trong xã đăng ký trồng rừng với diện tích 500 ha, lớn nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy, bà con đã nhận thức được những lợi ích thiết thực của việc trồng rừng để phát triển kinh tế, xóa đói nghèo. Nếu trước đây, việc trồng rừng do người dân ở các bản gần trung tâm xã thực hiện thì bây giờ đồng bào người Mày, người Khùa ở các bản xa cũng chủ động đăng ký cây giống với xã để trồng rừng. Để chương trình trồng rừng đạt kết quả cao, xã Trọng Hóa đã chủ động tìm nguồn giống cây chất lượng tốt để hỗ trợ cho bà con; đồng thời cử cán bộ trực tiếp về các bản vùng sâu để động viên, hướng dẫn kỹ thuật cho đồng bào trồng rừng. 

Ðến xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa hỏi về chuyện trồng rừng, ai cũng nhắc đến ông Trương Quốc Đô. Gần 30 năm qua, trên một đồi trọc rộng hơn 17 ha, những cây lim, huỵnh còn sót lại nhờ bàn tay chăm sóc, giữ gìn của ông Đô và các thành viên trong gia đình đã lớn thành rừng và ngày càng phát triển. Đây là cánh rừng lim lớn nhất huyện Minh Hóa, có giá trị hàng tỷ đồng thuộc sở hữu của một cá nhân. Câu chuyện bền bỉ trồng rừng bằng những cây giống bản địa quý của ông Đô được đánh giá là cách làm có hiệu quả cao và điều quan trọng là tăng tính chống chịu bão, lũ và các hình thái thời tiết cực đoan, góp phần bảo vệ cuộc sống người dân. Nhiều năm gần đây, những tấm gương về trồng và bảo vệ rừng như anh Hồ Lâm, ông Trương Quốc Đô xuất hiện ngày càng nhiều ở Minh Hóa, cho thấy phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững đang là hướng đi đúng, được người dân tích cực tham gia, mang lại hiệu quả cao.
 
Tiếp tục làm giàu vốn rừng

Minh Hóa có 123.000 ha đất lâm nghiệp là một thế mạnh ít địa phương ở tỉnh Quảng Bình có được. Do vậy, trong những năm qua, huyện Minh Hóa đã chọn phát triển kinh tế lâm nghiệp mà trọng tâm là trồng rừng là ngành kinh tế trọng điểm của địa phương. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa, so với giống keo lai giâm hom trước đây thì giống keo lai nuôi cấy mô bây giờ có nhiều ưu điểm vượt trội nên được huyện lựa chọn và khuyến khích người dân đưa vào trồng rừng. Với giống cây keo lai nuôi cấy mô, diện tích rừng trồng phát triển thành rừng cây gỗ lớn và có khả năng chống chịu với gió bão, đồng thời góp phần tăng giá trị kinh tế và môi trường của rừng. Thực tế các trận gió bão và áp thấp nhiệt đới trong gần hai tháng qua không làm thiệt hại về rừng ở Minh Hóa.

Mới đây, UBND huyện Minh Hóa đã lồng ghép, trích từ các nguồn kinh phí để hỗ trợ mua giống cây keo lai nuôi cấy mô cho nhân dân trồng rừng với mức 2.100 đồng/cây. Đồng thời, huyện có chủ trương hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng rừng bằng các loại cây bản địa như dỗi, lim, huỵnh, sưa… để phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và ít gãy đổ do gió bão, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa Đinh Gia Tuyết cho biết: “Địa phương đang triển khai thí điểm mỗi xã một mô hình trồng rừng bằng giống cây bản địa để nhân rộng. Tham gia mô hình này, các hộ dân được huyện hỗ trợ 18 triệu đồng/ha để mua giống, phân bón và công chăm sóc. Chúng tôi xác định trồng rừng bằng giống cây bản địa thì thời gian để khai thác dài gấp đôi so với rừng trồng nguyên liệu bằng giống cây keo, tràm song hiệu quả kinh tế lại gấp vài chục lần. Trồng rừng cây bản địa không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá, lâu dài cho người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn nhiều giống cây rừng quý hiếm đang có nguy cơ mất đi do nạn khai thác rừng bừa bãi”. 

Từ những chính sách phù hợp của Đảng bộ và chính quyền địa phương, cùng với sự tham gia tích cực của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, những cánh rừng ở Minh Hóa một thời bị tàn phá dần được phục hồi. Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 11.628 ha rừng trồng, trong đó gần 1.000 ha rừng trồng theo mô hình cây gỗ lớn. Việc trồng rừng bằng các loại cây giống tự nhiên tại địa phương cũng bước đầu mang lại kết quả tích cực. Nhờ vậy, đến nay Minh Hóa là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng vào loại cao ở Quảng Bình, đạt 79%. 

Bí thư Huyện ủy Minh Hóa Bùi Anh Tuấn cho biết, xác định lợi ích to lớn của việc trồng rừng kinh tế trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Minh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025 khẳng định tiếp tục thực hiện tốt chương trình trồng rừng kinh tế để giảm nghèo bền vững. Cụ thể, huyện sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ để trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô và các giống cây bản địa; đồng thời gắn trồng rừng với trồng cây dược liệu để nâng cao hiệu quả của nghề rừng, giúp người dân bảo vệ, phát triển và làm giàu từ rừng.