Đổi thay ở An toàn khu Đại Từ

|

NDO - NDĐT - Huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được Trung ương chọn là An toàn khu (ATK) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp bởi người dân nơi đây một lòng một dạ theo Đảng. Những năm gần đây, huyện trung du miền núi này đã xác định được trọng tâm phát triển, cách làm và bước đi phù hợp, đó là chọn chè làm cây chủ lực, chọn khu vực trung tâm huyện là điểm nhấn để thu hút đầu tư, tạo sự lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện.

Phát triển cây chè

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đại Từ Nguyễn Xuân Quang vui mừng cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng và tiềm năng, thế mạnh của mình, Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 chọn việc tập trung phát triển cây chè và thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực trung tâm huyện là hai trong bốn trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vị trí nằm ở sườn đông dãy núi Ta Đảo hùng vĩ, thổ nhưỡng phù hợp, được thiên nhiên ưu đãi đã tạo cho huyện Đại Từ điều kiện rất thuận lợi để phát triển cây chè. Người dân có kinh nghiệm và trình độ chế biến đã làm ra chè có hương vị đặc trưng, được người “sành” uống chè ưa thích.

Được thành lập cách đây hơn mười năm, hợp tác xã (HTX) chè La Bằng ở xã La Bằng là một trong những mô hình liên kết sản xuất kiểu mới đầu tiên ở huyện Đại Từ. Là người đứng đầu HTX, chị Nguyễn Thị Hải chia sẻ: Những năm gần đây, được huyện quan tâm đầu tư, hỗ trợ phương tiện tưới, chế biến, hướng dẫn, tạo điều kiện, chúng tôi đã xây dựng HTX chè La Bằng với mô hình sản xuất chè theo chuỗi, đồng nhất về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, đóng gói, do đó chất lượng được nâng cao, chè sạch, hương vị đặc trưng, được người tiêu dùng tín nhiệm, ưa chuộng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ Đỗ Xuân Hòa cho biết: “Qua theo dõi, chúng tôi thấy các thành viên HTX chè La Bằng thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc, chế biến, đặc biệt là thực hiện nghiêm ngặt việc không để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy chè do HTX chè La Bằng sản xuất là chè sạch. Chè La Bằng có màu xanh mật ong, vị đậm, hương vị khác biệt, ngọt hậu, sạch cho nên năm 2017 được chọn làm quà tặng cho các đại biểu cấp cao dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng”.

Huyện Đại Từ có hơn 6.300 ha chè, chiếm khoảng 25% diện tích chè của toàn tỉnh. Xác định chè là cây trồng chủ lực, những năm gần đây, huyện tập trung đầu tư công nghệ tưới, phương tiện chế biến, thành lập nhiều mô hình liên kết sản xuất chè hiệu quả, góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng chè, bình quân mỗi héc-ta chè mang lại thu nhập 500-600 triệu đồng/năm, những diện tích sản xuất chè cao cấp mang lại hàng tỷ đồng/năm. Gần đây, huyện khuyến khích các HTX, các địa phương và người dân quy hoạch nương chè có hàng lối ngay ngắn, đẹp mắt để hướng tới thu hút khách du lịch sinh thái.

Tạo sự lan tỏa

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đại Từ Nguyễn Xuân Quang cho biết thêm: Chúng tôi xác định khu vực trung tâm huyện bao gồm thị trấn Hùng Sơn và các xã Tiên Hội, Khôi Kỳ và Bình Thuận là khu vực trung tâm để tập trung thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng các khu dân cư, khu thương mại, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa để tạo sự lan tỏa, “kéo” các xã khác đi lên.

Để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội trung tâm huyện một cách bài bản, đồng bộ, theo trật tự, trước hết Đại Từ cần làm tốt công tác quy hoạch. Các xã, các khu chức năng thuộc thị trấn Hùng Sơn như khu thương mại, khu dân cư, khu đô thị... đều đã được quy hoạch chi tiết với tỷ lệ 1/500. Quy hoạch này được công bố công khai để huy động sức dân cùng với Nhà nước xây dựng nông thôn mới và mời gọi, tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư từ doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND huyện Phạm Duy Hùng chia sẻ: “Nhờ có quyết tâm cao, bước đi phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, cho nên đến nay các hoạt động xây dựng nông thôn mới, đầu tư, thương mại, dịch vụ trên địa bàn khu vực tâm huyện diễn ra sôi động. Chỉ tính riêng ba năm gần đây, có 35 dự án về các lĩnh vực khu đô thị, khu dân cư, hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao đã và đang được triển khai tại khu vực trung tâm huyện với tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng”.

ATK xưa vốn nghèo nàn, hạ tầng thấp kém, cuộc sống người dân khó khăn, nhưng nhờ biết phát huy tiềm năng, lợi thế, bước đi, cách làm phù hợp và quyết tâm cao của hệ thống chính trị và đồng lòng của người dân, ATK Đại Từ hôm nay đã thay da đổi thịt, đầy cảm hứng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (chỉ còn hơn 6%), khu vực trung tâm huyện gần như không còn hộ nghèo.

Đặc biệt, với các hoạt động đầu tư, thương mại sôi động, đô thị hóa nhanh chưa từng có, khu vực trung tâm huyện đang trở thành “lực kéo”, tạo sự lan tỏa sâu rộng để Đại Từ phát triển nhanh và bền vững.