Ngăn chặn tình trạng cầm cố, mua bán đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số

|

Trong những năm qua, cùng với các chương trình, dự án của Chính phủ, tỉnh Bình Phước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, một bộ phận đồng bào DTTS, vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã phải cầm cố đất, vay nặng lãi… dẫn đến mất đất và lầm vào tỉnh cảnh đói nghèo. Mặc dù tỉnh Bình Phước đã có nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng tình trạng nêu trên vẫn tiếp diễn.

Ðói nghèo do không còn đất sản xuất

Gia đình bà Thị Pang, ngụ thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập thuộc diện đói nghèo vì không có đất sản xuất. Bà có tám người con, trong đó sáu người đã lập gia đình ra ở riêng, còn hai con gái đang ở chung với mẹ trong căn nhà cấp 4 rộng khoảng 50 m2. Trước đây, nguồn thu nhập chủ yếu từ sáu sào đất, nhưng do cần tiền mua sắm và trả nợ cho nên năm 2010, gia đình bà đã bán hết. Gia đình bà Thị Hơ cùng ở xã Bù Gia Mập, trước đây có 6 ha đất trồng điều và được xếp vào diện gia đình có kinh tế khá. Do không biết cách làm ăn và tích lũy, năm 1996, bà Hơ phải bán 3 ha đất lấy tiền chữa bệnh cho chồng. Ðến năm 2011, cần tiền, bà bán điều non 3 ha còn lại (thời hạn 5 năm) với số tiền 30 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, chưa hết một năm thì bà Hơ sang nhượng toàn bộ diện tích đất đã cầm cố. Bán hết đất sản xuất, gia đình bà Thị Hơ trở thành hộ nghèo.

Xã Bù Gia Mập là xã biên giới hiện có 1.716 hộ dân với 70% số dân là đồng bào DTTS, trong đó có 243 hộ nghèo. Năm 2018, toàn xã có 105 hộ cầm cố đất với diện tích 166,8 ha, số tiền 16,952 tỷ đồng; chín hộ bán đất, diện tích 10 ha, số tiền hơn hai tỷ đồng; 14 hộ bán điều non, diện tích 24 ha, số tiền hơn hai tỷ đồng; 25 hộ vay nặng lãi với số tiền là 1,678 tỷ đồng. Theo lãnh đạo xã Bù Gia Mập, đây chỉ là phần nổi, còn trên thực tế rất nhiều hộ dân bằng các cách thức khác nhau đã ngấm ngầm cầm cố, sang nhượng đất, vay nặng lãi. Ðây được coi là nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo hiện nay ở xã Bù Gia Mập.

Tình trạng cầm cố, sang nhượng đất, vay nặng lãi mà đối tượng bị hướng tới đồng bào DTTS cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ học, đi học không chuyên cần của học sinh trên tuyến biên giới huyện Bù Gia Mập. Mặt khác, do nhận thức của đồng bào chưa cao cho nên việc cầm cố đất, bán điều non, bán đất trong đồng bào DTTS chủ yếu là thỏa thuận miệng hoặc bằng giấy viết tay mà không được công chứng, chứng thực, dẫn đến tình trạng tranh chấp gây mất trật tự ở nhiều địa phương.

Ông Phạm Sỹ Hoàn, Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập cho biết, thời gian qua, giá nông sản xuống thấp, một số cây trồng mất mùa cho nên người dân không có tiền để trang trải cuộc sống. Chưa kể, một số hộ có thói quen ăn chơi, mua sắm, trả lễ cưới vợ... dẫn đến bị một số đối tượng dụ dỗ cầm cố vườn, rẫy, cho vay tiền với cách tính lãi cao, khi không có tiền trả thì "siết" đất. Hoạt động nêu trên diễn ra âm thầm trong dân cho nên chính quyền khó can thiệp.

Một số đối tượng còn lợi dụng sự hiểu biết còn hạn chế trong một số đồng bào DTTS để rủ rê bán hàng đa cấp, tham gia các hoạt động tín dụng đen, bảo hiểm. Anh Ðiểu Mon, xã Bình Minh, huyện Bù Ðăng, tỉnh Bình Phước cho biết, gần đây, nhiều đối tượng đã về xã làm quen một số thanh niên người DTTS để rủ tham gia các hội thảo, hội nghị. Tại đây, họ giới thiệu các "dự án" mà người dân chỉ cần bỏ tiền, không cần lao động nhưng thu lợi nhuận cao. Một số người cả tin vay mượn tiền đầu tư rồi phải bán vườn trả nợ.

Sớm có biện pháp ngăn chặn

Trong những năm qua, Bình Phước đã nỗ lực thực hiện các chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS, nhất là các chính sách định canh, định cư, đào tạo lao động, giải quyết việc làm… Riêng trong năm 2018, tỉnh đã đào tạo hơn 34.000 lao động, giải quyết việc làm cho hơn 12.000 người; giải quyết cho hơn 5.000 lượt hộ đồng bào DTTS vay vốn… Ðể ngăn chặn tình trạng cầm cố đất, bán đất trong đồng bào DTTS, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành chỉ thị về tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố, bán đất trong vùng đồng bào DTTS.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước Phạm Thị Ánh Hoa cho biết: Tình trạng đồng bào DTTS bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố, bán đất bằng giấy viết tay trục lợi từ việc dụ dỗ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, gây nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự. Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý các giao dịch mua bán điều non, vay tiền không thuộc hệ thống ngân hàng thương mại, cầm cố đất, bán đất có hoặc không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi phát hiện sự chèn ép đồng bào DTTS về quyền lợi và giá cả trong các giao dịch, cần có biện pháp can thiệp kịp thời để xử lý, răn đe, ngăn chặn. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì tùy theo tính chất có thể xử lý vi phạm hành chính hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự. UBND tỉnh cũng chỉ đạo khi tổ chức họp, hội nghị cấp xã và thôn cần lồng ghép mời già làng, người có uy tín, bí thư chi bộ, trưởng thôn đến để tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc cầm cố, sang nhượng đất, vay nặng lãi; cảnh giác về phương thức, thủ đoạn của một số đối tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết của đồng bào DTTS nhằm trục lợi bất chính. Về lâu dài, UBND các huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn cần chủ động đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo thuận lợi cho đồng bào thế chấp vay vốn ngân hàng, hạn chế vay tiền với lãi suất cao.