Câu lạc bộ trăm triệu đồng
Gia đình anh Hồ Văn Pờng, 39 tuổi, người dân tộc Vân Kiều ở bản 10, xã Thanh, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vụ này mới thu hoạch được ba trên tổng diện tích 6 ha sắn, bán được gần 150 triệu đồng. Ngồi đếm tiền bán sắn, anh Pờng rất vui vì đây là lần đầu tiên thu được số tiền lớn đến vậy. Từ nay đến cuối vụ còn khoảng một tháng nữa, khi thu hoạch hết số sắn còn lại, gia đình anh sẽ thu nhập tổng cộng 300 triệu đồng. Anh Pờng khoe đã bảy năm liên tục được Công ty Thương mại Quảng Trị kết nạp vào “Câu lạc bộ có thu nhập một trăm triệu đồng”. Nhờ thu nhập cao từ việc trồng sắn, anh Pờng có tiền xây ngôi nhà to, đẹp, ngoài ra còn tiết kiệm được một khoản tiền gửi ngân hàng để lo chuyện học hành cho các con.
Cùng ở bản Xa Doan, gia đình anh Hồ Văn Hêng, 45 tuổi, vụ này trồng được 3 ha sắn. Với năng suất gần 25 tấn/ha, anh Hêng thu hoạch bán được 150 triệu đồng, một kết quả có thể nói là ngoài mong đợi. Nhờ có tiền từ trồng sắn, gia đình anh sắm được nhiều vật dụng giá trị phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt, có tiền cho con đi học. Bốn năm nay, anh Hêng liên tục vinh dự có tên trong “Câu lạc bộ có thu nhập một trăm triệu đồng”.
Tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đa Krông của tỉnh Quảng Trị có gần 30 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều và Tà Ôi tham gia trồng sắn, với tổng diện tích gần 10 nghìn ha. Trồng sắn được xem là công việc phù hợp nhất với bà con dân tộc thiểu số nơi đây, không chỉ bởi hợp điều kiện tự nhiên, xã hội mà cả với trình độ canh tác của đồng bào, lại cho thu nhập khá cao.
Thấy được điều đó, nhiều năm nay Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (gọi tắt là Công ty Thương mại Quảng Trị) đã liên kết với nông dân trồng sắn rồi bao tiêu sản phẩm, chứ không lấy đất của dân. Ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Quảng Trị cho biết, liên kết trồng sắn với người dân vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con lại vừa giúp chính quyền hai huyện Hướng Hóa, Đa Krông giữ được đất đai vùng biên giới, khẳng định chủ quyền bằng cách tạo điều kiện cho bà con sinh sống và sản xuất.
Sau bảy năm tham gia trồng sắn, phát triển kinh tế, đến nay đã có 73 nông dân người dân tộc Vân Kiều, Tà Ôi có thu nhập hơn một trăm triệu đồng mỗi năm được Công ty Thương mại Quảng Trị kết nạp vào “Câu lạc bộ có thu nhập một trăm triệu đồng”. Hộ thu nhập cao nhất từ trồng sắn được gần bốn trăm triệu đồng/năm, số hộ thu nhập khoảng một trăm triệu đồng /năm thì rất nhiều.
Hằng năm, những thành viên của Câu lạc bộ có thu nhập một trăm triệu đồng được Tổng Công ty thưởng cho một chuyến đi du lịch các nước trong khu vực để học tập, trao đổi kinh nghiệm trồng sắn. Câu chuyện hàng nghìn hộ gia đình người Vân Kiều, Tà Ôi ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đa Krông đổi đời nhờ trồng sắn, đã tạo ra một cuộc cách mạng trong nhận thức để bà con mạnh dạn áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả, tăng giá trị trên cùng diện tích đất canh tác.
Trồng sắn hiện đại để tăng năng suất
Ông Đặng Trọng Vân, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện miền núi Hướng Hóa cho biết, từ nhiều năm nay, sắn vẫn là cây trồng chủ lực của huyện. Nhờ trồng sắn nhiều người dân đã thoát nghèo vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hướng Hóa đã xác định, đến năm 2020 vẫn giữ ổn định diện tích trồng sắn hơn 4.200 ha. Huyện mong muốn Công ty Thương mại Quảng Trị tiếp tục liên kết với bà con nông dân trồng và thu mua sắn. Đây là một hình thức liên kết hai bên đều có lợi: người dân yên tâm sản xuất, ổn định được đầu ra của nông sản, cải thiện thu nhập; Công ty thì bảo đảm được nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa hoạt động.
Những nông dân đầu tiên người Vân Kiều, Tà Ôi trồng sắn giỏi được tôn vinh.
Tuy nhiên, điều trăn trở nhất là năng suất trồng sắn ở Hướng Hóa và Đa Krông vẫn chưa cao, trung bình chỉ đạt từ 20 đến 25 tấn/ha. Nhằm góp phần mang lại lợi nhuận cao hơn nữa cho bà con dân tộc Vân Kiều, Tà Ôi trong việc trồng sắn, Công ty Thương mại Quảng Trị phối hợp chính quyền các xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa đang triển khai mô hình trồng sắn hiện đại. Quy trình ban đầu dùng máy cày phá đất, rồi cày làm nhuyễn tơi xốp đất. Chiếc máy cày ngoài bộ phận cày đất còn được chế tạo thêm bộ phận lên luống, cắt mắt sắn, tưới nước và bón phân. Sau khi đất được cày hai lần tơi xốp, máy tiến hành lên luống, bón phân, tự động cắt mắt sắn trồng với mật độ cây cách cây 0,6 m, hàng cách hàng 0,8 m. Cứ mỗi mắt sắn khi trồng xuống đất được tưới từ 0,5 đến 1 lít nước, đủ độ ẩm nuôi mắt sắn đến khi nảy mầm, ra rễ. Sau khi trồng được một tuần tiến hành phun thuốc diệt cỏ bằng máy. Đến khi cây sắn lên được hai tháng, lại được làm cỏ bằng máy và bón thúc phân cũng như tưới nước. Cây sắn sau chín tháng sẽ cho thu hoạch.
Trồng sắn theo kiểu này ít bị thoái hóa đất vì trong vòng chín tháng, từ khi trồng đến khi thu hoạch cây sắn được bón phân hai lần và đất được làm tơi xốp trước khi trồng, cho nên luôn giữ được độ ẩm cũng như duy trì dinh dưỡng cần thiết cho đất và cây để cây sắn luôn được phát triển bền vững. Ngoài ra việc sử dụng cơ giới hóa 100% trong việc trồng sắn giải phóng được sức lao động, giúp người trồng sắn thu lợi hơn hai lần so với cách trồng sắn truyền thống.
Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa hiện đang thu mua sắn tươi cho người dân với giá 2.100 đồng/kg. Với phương pháp trồng sắn hiện đại, mỗi ha sắn cho thu nhập 80 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư 30 triệu đồng, người trồng sắn còn lãi được 50 triệu đồng. Còn nếu nông dân mạnh dạn hơn, đầu tư sử dụng phương pháp tưới nước nhỏ giọt thì cây sắn sẽ cho năng suất cao hơn và lãi thu về ước đạt đến 65 triệu đồng/ha.
Đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp của UBND tỉnh Quảng Trị, phân tích, cây sắn không còn là cây lương thực nữa mà đã trở thành cây trồng xuất khẩu mang tính hàng hóa cao. Việc chính quyền địa phương cùng Công ty Thương mại Quảng Trị mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, phương pháp canh tác sắn bền vững vào sản xuất để tăng năng suất, hạ giá thành đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ đất và môi trường ở hai huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị là mô hình cần được khuyến khích, nhân rộng.