Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) tỉnh Ðiện Biên Nguyễn Hoàng Hiệp, cho biết: Trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã định rõ vai trò, tầm quan trọng công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Do đó, Sở VH, TT và DL Ðiện Biên đã tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh chỉ đạo các ngành, UBND cấp huyện quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng nhà văn hóa, hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các DTTS. Cùng với đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng được chú trọng bằng cách phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động để học sinh tham gia sưu tầm ca dao, dân ca; tìm hiểu và học cách sử dụng một số loại nhạc cụ dân tộc; tìm hiểu về Tết, lễ hội truyền thống của một số dân tộc… qua đó giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa văn hóa truyền thống.
Ðiển hình cho cách làm chủ động, linh hoạt sử dụng nguồn lực đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, cộng đồng dân cư ở tỉnh Ðiện Biên không thể không đề cập cách làm riêng của huyện Ðiện Biên. Tháng 4-2016, Huyện ủy Ðiện Biên ban hành riêng Nghị quyết số 05-NQ/HU về chủ trương hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, bản trên địa bàn. Theo đó, mỗi thôn, bản trên địa bàn huyện Ðiện Biên khi xây dựng nhà văn hóa mới theo mẫu thiết kế của huyện sẽ được UBND huyện hỗ trợ từ 150 triệu đến 250 triệu đồng/nhà (tùy theo thiết kế nhà cấp bốn ba gian, bốn gian hay nhà sàn dân tộc Thái ba gian). Chủ trương đúng đắn và cách làm cụ thể, chỉ trong vòng chưa tới bốn năm, toàn huyện Ðiện Biên đã có thêm 77 nhà văn hóa thôn, bản được làm mới trong niềm vui hân hoan của bà con các dân tộc.
Trò chuyện với chúng tôi về kết quả bước đầu triển khai Nghị quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên, Nông Quang Thắng chia sẻ: Từ năm 2016 đến nay toàn huyện có thêm 77 nhà văn hóa thôn, bản được làm mới nâng tổng số nhà văn hóa trong toàn huyện lên 158. Trong số nhà văn hóa thôn, bản được làm mới, có 54 nhà được UBND huyện cấp gần 19 tỷ đồng làm mới; số còn lại do nhân dân, các tổ chức hỗ trợ. Nhờ đầu tư xây dựng nhà văn hóa cho các thôn, bản, đến nay huyện Ðiện Biên đã có 15 trong tổng số 21 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 33% số xã được công nhận đạt chuẩn trong toàn tỉnh). Từ khi nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng làm mới, đồng bào các dân tộc rất vui mừng, phấn khởi. Trưởng thôn Trần Phú, xã Noong Hẹt, huyện Ðiện Biên, Bùi Quốc Việt cho biết: Không chỉ ngày lễ, Tết hay ngày Ðại Ðoàn kết hằng năm, mà gần như đêm nào nhà văn hóa thôn cũng sáng đèn. Bởi theo kỳ sinh hoạt, mỗi tổ chức đoàn thể, như: Thanh niên, phụ nữ, mặt trận, nông dân… đều đăng ký họp tại nhà văn hóa thôn. Có nhà văn hóa mới, phong trào văn hóa văn nghệ của thôn cũng được nâng tầm mới; đội văn nghệ của thôn được rèn luyện nhiều hơn nên tự tin đi giao lưu với các thôn trong xã và các xã trong huyện.
Với huyện Tuần Giáo, việc đầu tư phát triển văn hóa các dân tộc lại được ưu tiên cho công tác kiểm kê, khôi phục phong tục, tập quán riêng của từng dân tộc. Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuần Giáo, Vũ Ðức Lâm, cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Tuần Giáo đã kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của năm dân tộc thiểu số, gồm: Thái, H’Mông, Kháng, Khơ Mú và Phù Lá. Công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tập trung vào: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian. Cùng với đó, UBND huyện Tuần Giáo đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với Phòng Di sản (Sở VH, TT và DL tỉnh Ðiện Biên) về cơ sở, ghi hình thu thập thông tin, phục dựng, bảo tồn Lễ hội Cầu mùa dân tộc Khơ Mú tại bản Huổi Lốt, xã Mường Mùn và ghi hình điệu múa dân tộc Khơ Mú tại bản Hua Ca, xã Quài Tở; phục dựng lễ hội Pang Phoóng (Lễ tạ ơn) của dân tộc Kháng tại xã Rạng Ðông. Ðến nay, Tuần Giáo đã có bốn di sản, gồm: Lễ Xên bản của dân tộc Thái; lễ hội Dòng họ của dân tộc H’Mông; lễ Pang Phoóng của dân tộc Kháng; lễ Cầu mùa của dân tộc Khơ Mú được lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể. Mới đây, Tập quán xã hội và tín ngưỡng lễ Pang Phoóng của đồng bào dân tộc Kháng ở xã Rạng Ðông đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đánh giá kết quả đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa; kiểm kê, phục dựng văn hóa các dân tộc nhất là đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở VH, TT và DL tỉnh Ðiện Biên, Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định: Nhận được sự quan tâm từ các ngành, các cấp, đến nay toàn tỉnh Ðiện Biên 77 trong tổng số 115 xã có nhà văn hóa; 11 trong tổng số 14 phường, thị trấn có nhà văn hóa và 635 trong tổng số 1.441 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa được làm mới hoặc sửa chữa, nâng cấp. Ðây là điều kiện quan trọng để các địa phương có điểm sinh hoạt và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ; để cộng đồng các DTTS có thêm điểm sinh hoạt cộng đồng, tổ chức truyền dạy văn hóa riêng của từng dân tộc. Ðể phát huy hiệu quả đầu tư từ việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, bản gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cùng với việc tập trung bảo đảm cơ sở vật chất văn hóa, Sở VH, TT và DL Ðiện Biên sẽ nghiên cứu xây dựng và triển khai các dự án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể; chú trọng phát triển đội văn nghệ thôn, bản; tổ chức các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng để diễn viên các đội văn hóa thôn, bản có thêm nhiều sân chơi qua đó giữ gìn bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.