Phát triển kinh tế đồi rừng ở Thanh Sơn

|

Là một trong những địa phương có diện tích đồi rừng lớn, trong những năm qua, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã có nhiều giải pháp đưa kinh tế đồi rừng trở thành ngành kinh tế chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều xã trong huyện đổi thay từng ngày nhờ phát triển kinh tế đồi rừng.

Ông Hà Văn Huấn, người dân tộc Mường, ở xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn dẫn chúng tôi cùng các cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện và lãnh đạo xã đi thăm khu rừng trồng mới. Những cơn mưa đầu mùa khiến cho lứa cây non ở đây thêm phần xanh tốt, tràn đầy sức sống. Các buổi gặp gỡ, thăm rừng như thế này của cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện và lãnh đạo xã không đơn thuần là những cuộc trao đổi kinh nghiệm về phát triển rừng với người trồng rừng mà mục tiêu chính là còn góp phần giúp kinh tế đồi rừng trở thành ngành chủ lực trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Với đức tính cần cù chịu khó, cộng với tinh thần ham học hỏi, ông Hà Văn Huấn đã gặt hái được nhiều thành công trong phát triển kinh tế đồi rừng. Ông cho biết, gia đình hiện có khoảng hơn 3 ha rừng. Chỗ thì trồng cây lâm nghiệp, chỗ trồng cây ngắn ngày, diện tích đã được phủ kín hết, tăng giá trị trên một diện tích, thu nhập từ kinh tế đồi rừng cũng bảo đảm cuộc sống cho gia đình, bình quân mỗi năm cho thu nhập từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Ở bản Đồng Cỏ, xã Thục Luyện, gia đình ông Đinh Ngọc Sơn là một trong nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ kinh tế đồi rừng. Ông Sơn chia sẻ, sau nhiều năm gắn bó với rừng, thành công có, thất bại cũng có, ông quyết tâm suy nghĩ làm sao để sống được từ rừng, không thể sống cạnh nguồn tài nguyên to lớn mà cứ đói nghèo mãi. Vừa học, vừa làm, sau nhiều năm cố gắng, đến nay, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông gồm gần 30 ha rừng, hơn 2.000 gốc thanh long ruột đỏ cho thu hoạch hơn 10 tấn quả/năm. Ngoài ra, gia đình ông Sơn kết hợp chăn nuôi bò, gà... nâng tổng thu nhập lên hơn 400 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Thanh Sơn hiện có hơn 45 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm 73% diện tích đất tự nhiên của huyện. Xác định phát triển kinh tế đồi rừng là hướng đi phù hợp, huyện Thanh Sơn đã ban hành nghị quyết phát triển kinh tế đồi rừng giai đoạn 2014 - 2020. Từ định hướng này, Phòng Nông nghiệp huyện đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế đồi rừng với mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Huyện đã tập trung tháo gỡ các “nút thắt” về cơ chế, chính sách và cách thức tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế đồi rừng đi đôi với bảo vệ rừng và môi trường.

Sau ba năm thực hiện, đề án đã tạo phong trào thi đua sản xuất tại các xã, thị trấn trong huyện, nhất là các xã, khu thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế đồi rừng với quy mô lớn như các gia trại, trang trại nông, lâm kết hợp; hình thành được vùng sản xuất gỗ nguyên liệu. Huyện cũng làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân bảo vệ và phát triển rừng, pháp lệnh về giống cây trồng, khuyến khích người trồng chè sử dụng các loại phân bón sinh học, bón phân an toàn qua lá nhằm vừa tăng năng suất vừa thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khỏe người sử dụng. Các xã chủ động phối hợp Phòng Nông nghiệp huyện tuyên truyền phổ biến lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án của Nhà nước thực hiện trên địa bàn; tập huấn, hướng dẫn người dân thâm canh các cây trồng phát triển kinh tế đồi rừng.

Hằng năm, sản lượng gỗ khai thác toàn huyện đạt hơn 123 nghìn m3; doanh thu của các trang trại đạt hơn 70 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt hơn 200 triệu đồng/trang trại/năm. Từ phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhiều hộ đã có đời sống khá và giàu, tiêu biểu như các hộ ông, bà: Đỗ Giang Bân, xã Thắng Sơn, với trang trại tổng hợp quy mô hơn 30 ha, thu nhập hơn một tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương; Phùng Phú Nhân, xã Văn Miếu, với trang trại tổng hợp quy mô gần 8 ha, thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho bảy lao động địa phương; Đỗ Xuân Quang, xã Thục Luyện, trang trại quy mô hơn 30 ha, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm...

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Sơn Kiều Đức Mạnh cho biết, thời gian qua, huyện chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng. Từ khi ban hành nghị quyết và đề án phát triển kinh tế đồi rừng giai đoạn 2014 - 2020, hằng năm, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể giao cho các xã, thị trấn bảo đảm kế hoạch. Không chỉ đẩy mạnh công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, phát triển kinh tế và các sản phẩm từ rừng, huyện còn khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án trên địa bàn, nhất là doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ. Chủ trương này đã mang lại hiệu quả không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất khi có nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú, người dân địa phương cũng có thêm việc làm với mức thu nhập ổn định.

Có thể nói, phát triển kinh tế đồi rừng không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho các hộ dân trên địa bàn huyện Thanh Sơn mà còn góp phần phòng, chống lũ, điều tiết nước; tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, từ đó đưa công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ ngày càng bền vững.