Ðồng bào Khmer chung sức xây dựng nông thôn mới

|

Bạc Liêu là tỉnh có đông đồng bào Khmer so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù còn không ít khó khăn, song từ nhiều năm qua, các cấp ủy Ðảng, chính quyền, các đoàn thể của tỉnh đã có nhiều cố gắng giúp đồng bào Khmer vươn lên xóa đói, giảm nghèo và chung sức xây dựng nông thôn mới.

Bạc Liêu hiện có hơn 66 nghìn người Khmer, với gần 15 nghìn hộ, chiếm 7,6% số dân toàn tỉnh. Những năm qua, ngoài chính sách của Ðảng và Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer. Nhờ vậy, cuộc sống của bà con được cải thiện, phát triển rõ rệt so với 10 năm trước.

Những ngày giữa tháng ba vừa qua, chúng tôi trở lại Hồng Dân, một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Tại thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, hiện có hơn 28% số hộ là người Khmer, tập trung ở các ấp: Trèm Trẹm, Bà Gồng, Bà Hiên… Nhiều năm qua, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước dành cho đồng bào Khmer ở đây, nhất là chính sách nhà ở, đất ở, hỗ trợ vốn sản xuất, luôn được thực hiện một cách kịp thời, sâu sát. Bí thư Ðảng ủy thị trấn Ngan Dừa Nguyễn Hoàng Vũ cho biết: "Ðến nay, thị trấn đã hoàn thành việc cấp đất cho bà con Khmer theo Quyết định 29 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, chúng tôi chủ động và tích cực tranh thủ từ ngân sách huyện, đồng thời vận động các nhà hảo tâm và nhân dân đầu tư xây dựng hai cây cầu bê-tông vào chùa Ngan Dừa, là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh nổi tiếng của đồng bào Khmer. Có thể khẳng định, 10 năm qua đời sống của đồng bào Khmer nơi đây đã được nâng lên rất nhiều. Việc học hành của con em cũng được quan tâm nhiều hơn. Thị trấn hiện có không ít con em đồng bào Khmer có trình độ đại học, cao đẳng…".

Ðến Vĩnh Trạch Ðông, một xã ven biển có đông đồng bào Khmer của TP Bạc Liêu, chúng tôi ghi nhận cuộc sống của bà con nơi đây đã và đang "thay da đổi thịt" từng ngày. Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Ðông Lê Trường Hận, kết thúc năm 2017, toàn xã có 241 hộ thoát nghèo, đạt gần 12%. Ðạt được kết quả đáng mừng nêu trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự đồng lòng của quần chúng nhân dân và những hộ nghèo ở xã. Năm 2017, TP Bạc Liêu đã chọn xã Vĩnh Trạch Ðông là đơn vị để thực hiện "Năm Dân vận khéo" kết hợp với hành quân dã ngoại huấn luyện làm công tác vận động quần chúng. Ðồng thời, các chi bộ ở xã nhận "đỡ đầu" gần 180 hộ nghèo, chủ yếu là hỗ trợ vốn, tặng phương tiện sản xuất và giúp cách làm ăn với tổng số tiền gần 450 triệu đồng. Ngoài ra, xã cũng vận động và tranh thủ các nguồn lực để xây 80 căn nhà cho các hộ Khmer nghèo.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, đến nay, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng hàng chục mô hình sản xuất có hiệu quả làm điểm nhân rộng nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp cho nông dân nghèo, nhất là đồng bào Khmer. Ðiển hình như mô hình sản xuất lúa theo hướng liên kết cánh đồng mẫu lớn; nuôi tôm và vịt theo hướng an toàn sinh học, mô hình tôm - lúa; mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng, cá điêu hồng, cá lóc mùng, nuôi sò huyết trong ao, nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; mô hình nuôi tôm càng xanh xen tôm sú theo hướng GAP; mô hình trồng nấm rơm, bắp lai, dưa hấu không hạt, rau an toàn, măng tây, ngò rí, hẹ;… Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình Khmer có nguồn thu nhập ổn định, tăng thu nhập, đời sống người dân từng bước được nâng lên rõ rệt.

Hộ gia đình chị Lâm Thị Dol, ở ấp Kim Cấu, xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu là một trong những hộ Khmer nghèo đã nỗ lực vươn lên trở thành hộ khá. Sau khi tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi lợn thương phẩm do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Bạc Liêu phối hợp Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tổ chức, ngoài lợn giống được hỗ trợ, chị còn mua thêm hai con lợn về nuôi. Chị Lâm Thị Dol chia sẻ: "Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ và sự nỗ lực của gia đình mới có được như ngày hôm nay. Gia đình không còn chịu cảnh đói nghèo nữa".

Ðến nay, gần 95% số hộ đồng bào Khmer trong tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng nước sạch. Ngoài ra, 40 trong tổng số 50 xã vùng sâu, vùng xa được nhựa hóa, bê-tông hóa, góp phần phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa được thuận tiện. Ðời sống đồng bào Khmer không ngừng nâng lên, văn hóa truyền thống được giữ gìn bên cạnh việc xây dựng đời sống văn hóa mới. Nhiều con em đồng bào Khmer được hỗ trợ về học tập đã trở thành những cán bộ có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển của tỉnh trên mọi lĩnh vực.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bạc Liêu Trần Hoàng Duyên cho biết: Những năm qua, Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh và các huyện rất quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn vùng có đông đồng bào Khmer. Có thể khẳng định, do thực hiện tốt các chính sách của Ðảng và Nhà nước, nhất là sự nỗ lực cao của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, nhiều hộ đồng bào Khmer ở Bạc Liêu đã cố gắng vươn lên thoát nghèo, bước đầu khá giả, không trông chờ ỷ lại vào sự "trợ cấp cứu đói". Không ít hộ Khmer đã chủ động xin trả lại chế độ trợ cấp hộ nghèo cho địa phương. Ðó thật sự là những tấm gương rất đáng trân trọng, biểu dương và nhân rộng.