Tuyên Quang đẩy mạnh kiên cố hóa kênh mương

|

Sau hai năm, hơn 230 km kênh mương xây dựng bằng cấu kiện bê-tông đúc sẵn đưa vào sử dụng đã giải quyết bài toán về thiếu nước tưới phục vụ sản xuất cho nông dân ở Tuyên Quang. Mấy năm qua, nhờ thực hiện cứng hóa kênh mương, bà con nông dân đã sản xuất hai vụ lúa, góp phần nâng cao thu nhập.

Nhìn cánh đồng ruộng bậc thang xanh mướt một mầu của ngô, lúa ở thôn Hoắc, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, ít ai biết được trước đây cánh đồng này luôn nằm trong tình trạng thiếu nước sản xuất, năng suất vì thế cũng đạt thấp, nhiều vụ còn bị bỏ hoang. Hai năm trở lại đây, nhờ được đầu tư hệ thống kênh mương dài hơn 900 m bằng cấu kiện bê-tông đúc sẵn cho nên tình trạng thiếu nước sản xuất đã được giải quyết, cánh đồng hơn 8 ha được bà con canh tác hai vụ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân nơi đây. Bí thư Chi bộ thôn Hoắc Lê Tuấn Anh cho biết: Trước đây, người dân chỉ trông vào nguồn nước tự nhiên, cho nên sản xuất bấp bênh. Từ khi xây dựng được tuyến mương bằng cấu kiện bê-tông đúc sẵn, việc tưới tiêu rất thuận lợi, nước đủ thì đóng, thiếu nước thì mở, nước chảy mạnh, hư hao ít. Do vậy, sản lượng và thu nhập tăng khoảng từ 20 đến 30% so với trước đây. Hiện nay, chỉ còn một tuyến mương dài 136 m đã đăng ký tiếp tục xây dựng, hết năm 2018 là thôn hoàn thành cứng hóa kênh mương.

Tại huyện vùng cao Lâm Bình, gần như toàn bộ tính năng ưu việt của kênh mương bằng cấu kiện bê-tông đúc sẵn đã và đang phát huy hiệu quả. Hầu hết đồng ruộng ở Lâm Bình đều bị các dãy núi chia cắt khiến cho việc xây dựng kênh mương theo phương pháp truyền thống gặp nhiều khó khăn, kinh phí lớn. Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, thông qua chính sách hỗ trợ 100% cấu kiện bê-tông thành mỏng đúc sẵn, gối đỡ và chi phí vận chuyển, người dân đóng góp ngày công xây dựng, trong hai năm 2016-2017, huyện đã hoàn thành hơn 24 km kênh mương, đưa vào hoạt động, khắc phục tình trạng thiếu nước, người dân có điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế. Năm 2018, huyện Lâm Bình dự kiến sẽ xây dựng thêm 15 km kênh mương. Nhờ những ưu điểm vượt trội như: thi công đơn giản, nhanh gọn, điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với mọi điều kiện địa hình, lại được Nhà nước hỗ trợ cấu kiện bê-tông đúc sẵn, cho nên được người dân đồng thuận cao trong việc đóng góp ngày công để xây dựng.

Trước đây, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung kiên cố hóa hệ thống kênh mương gắn với giao thông nội đồng. Tuy nhiên, khi xây dựng mương kiên cố theo phương pháp truyền thống đã xuất hiện nhiều bất cập, do chất lượng vật liệu, kỹ thuật thi công có nhiều khiếm khuyết, cho nên kênh bị hư hỏng, xuống cấp rất nhanh, việc phát dọn, nạo vét tốn nhiều công sức, rồi bị rò rỉ, mất nước. Mỗi khi mưa lũ thì hay bị mất nước, cát sỏi dồn vào mương, mất nhiều công nạo vét. Qua nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới xây dựng kênh mương bê-tông bằng cấu kiện đúc sẵn có độ chịu lực cao, mặt cắt kênh mương parabol thuận lợi về mặt thủy lực, dẫn nước nhanh, bề mặt bê-tông nhẵn, nên dễ nạo vét. Chủ trương đúng đã tạo được sự đồng thuận của người dân, cho nên chỉ trong hai năm 2016 và 2017 tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành hơn 230 km kênh mương. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu nâng lên, người dân chủ động trong sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo. Vụ xuân năm 2018, toàn tỉnh thực hiện gieo cấy gần 19.500 ha, đạt 104% kế hoạch.

Góp phần trong công cuộc kiến thiết đồng ruộng này là sự đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Thành Hưng (Công ty Thành Hưng). Ðây là đơn vị tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở tỉnh tạo ra những vật liệu xây dựng có tính ưu việt cao, ứng dụng đa dạng vào mọi lĩnh vực của cuộc sống. Với phương châm nhà thầu tiên phong, sản phẩm vượt trội, Công ty Thành Hưng đã tiếp cận được các sản phẩm bê-tông cường độ cao sử dụng vật liệu địa phương do Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) chuyển giao để sản xuất ra các sản phẩm mương Parabol thành mỏng chất lượng cao, cốt sợi thép phân tán mác 500. Với việc luôn tuân thủ chỉ dẫn kỹ thuật chọn thành phần bê-tông các loại kết hợp với các chuyên gia đầu ngành của Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Công ty Thành Hưng đã sản xuất nhiều sản phẩm với cường độ kháng nén tới 1.735 kg/cm2, lớn hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn yêu cầu chỉ cần gấp tối thiểu 1,5 lần mác bê-tông đã tạo ra các sản phẩm bê-tông mác 500 đến 550 phục vụ việc sản xuất mương Parabol thành mỏng tại nhà máy và phục vụ thi công cầu Tình Húc bắc qua sông Lô.

Theo Ðề án kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu sẽ hoàn thành 780 km kênh mương (đạt tỷ lệ hơn 70%), bảo đảm chủ động nguồn nước phục vụ cho hơn 38 nghìn ha lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản và tạo nguồn nước để áp dụng công nghệ tưới tiên tiến cho khoảng 1.000 ha cây trồng cạn tập trung như cam, chè, mía; giai đoạn 2021 đến 2025, kiên cố 734 km kênh mương (đạt tỷ lệ hơn 90%). Ðây là đòn bẩy cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ việc phát triển sản xuất hàng hóa của tỉnh Tuyên Quang, nhất là sản xuất vụ đông, tận dụng được nguồn nước, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.