Nước lũ càn quét qua thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ khiến hai người chết, cuốn trôi nhà và tài sản của hàng chục hộ dân, nhiều diện tích hoa màu bị mất trắng. Gia đình anh Giàng Mí Chá, ở cuối thôn bỗng “trắng tay”, ngôi nhà cùng toàn bộ tài sản bao năm tích cóp, dựng xây đã trôi theo dòng lũ dữ. Gia đình anh Chá được bố trí chỗ ở tạm, cuộc sống cũng vơi đi phần nào khó khăn khi được tiếp nhận sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, các đoàn từ thiện. “Mất nhà, tài sản, vợ chồng tôi không biết phải làm gì. Nhờ sự quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, cuộc sống của gia đình cũng bớt khó khăn”, anh Giàng Mí Chá cho biết.
Tại tỉnh Hà Giang, mưa lũ khiến 40 hộ dân mất nhà cùng toàn bộ tài sản. Với phương châm “không để người dân sống trong cảnh màn trời chiếu đất, không để người dân đói”, chính quyền các huyện, thành phố đã bố trí cho những hộ dân mất nhà ở tạm tại điểm trường, trụ sở thôn, lán trại quân đội, cung cấp chăn màn, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cho biết, hằng năm, các địa phương đều tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Do đó, khi có tình huống thực tế xảy ra đã thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong việc khắc phục hậu quả. Lực lượng tại chỗ đã chủ động hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại ổn định cuộc sống ban đầu, bảo đảm nơi ăn, chốn nghỉ. Sau đó tích cực hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống lâu dài.
Đầu tháng 7, huyện Quản Bạ đã đồng loạt khởi công xây dựng nhà kiên cố cho 16 hộ dân có nhà, tài sản bị lũ cuốn trôi trên địa bàn toàn huyện. Bí thư Huyện ủy Quản Bạ Hoàng Đình Phới cho biết, huyện đứng ra làm nhà mới cho dân, mỗi ngôi nhà trị giá 120 triệu đồng. Kinh phí xây dựng được lấy từ tiền hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại theo quy định của Nhà nước (20 triệu đồng/hộ), cùng với tiền đóng góp của các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm. Huyện phấn đấu đến cuối tháng 7 sẽ hoàn thành việc xây dựng, bàn giao nhà cho người dân.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh Hà Giang có hơn 600 ha đất trồng lúa, ngô, rau màu bị đá, bùn đất vùi lấp. Ngành nông nghiệp đã cử các đoàn công tác xuống vùng bị thiên tai, hướng dẫn địa phương rà soát số diện tích không thể khắc phục để chuyển đổi cơ cấu giống cho phù hợp và kịp thời vụ. Tuy nhiên điều kiện tỉnh còn khó khăn, nhiều hộ dân không có giống tốt để sản xuất, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ hỗ trợ 255 tấn giống ngô, lúa, rau đậu từ nguồn dự trữ quốc gia nhằm giúp người dân. Bên cạnh đó, huy động lực lượng tại chỗ để cải tạo, nạo vét ruộng, kênh mương bị vùi lấp.
Huyện Vị Xuyên có hơn 100 ha lúa, ngô bị vùi lấp do mưa lũ. Để người dân khôi phục sản xuất, ngày thứ bảy đầu tiên sau mưa lũ, Huyện đoàn Vị Xuyên huy động hàng nghìn đoàn viên ở các xã, thị trấn đồng loạt ra quân cùng giúp dân cải tạo ruộng, nương, nạo vét kênh mương. Trên cánh đồng tại các thôn Bản Dâng, Chất Tiền (xã Cao Bồ), hàng trăm đoàn viên đến từ các xã và chi đoàn khối các cơ quan huyện cần mẫn di chuyển từng khúc gỗ to, nạo vét lớp bùn trên mặt ruộng, nạo vét từng mét kênh mương. Chị Bàn Thị Hoa, thôn Bản Dâng xúc động nói: “Nước lũ từ thượng nguồn đổ về, kéo theo bùn đất, cây cối vùi lấp mặt ruộng. Nếu không có công sức của các bạn đoàn viên, thanh niên thì không biết đến bao giờ gia đình tôi mới khắc phục xong diện tích gần một 1.000 m2 ruộng để sản xuất vụ mùa”.
Sau mưa lũ, đâu đâu cũng tràn ngập bùn đất, rác thải, nguy cơ xuất hiện nhiều loại bệnh tật. Sở Y tế tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cử cán bộ bám sát địa bàn để tuyên truyền cho nhân dân phòng, chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ, các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác động vật chết. Các trạm y tế trực tiếp cử cán bộ xuống cơ sở cấp phát thuốc cho nhân dân khử khuẩn nguồn nước, tiến hành phun thuốc khử trùng nhằm hạn chế dịch bệnh. Giám đốc Sở Y tế Lương Viết Thuần cho biết, ngay từ đầu năm, ngành y tế đã có kế hoạch phòng, chống thiên tai, cung cấp đủ vật tư y tế cho các đơn vị trực thuộc. Do đó, các cơ sở y tế chủ động hỗ trợ nhân dân thực hiện phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường, nguồn nước. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh của tỉnh cũng chuẩn bị 10 cơ số thuốc, 300 kg thuốc cloramin B, 50 lít Hanpec, hóa chất diệt côn trùng cùng các đội cơ động để chi viện cho tuyến cơ sở khắc phục hậu quả thiên tai...
Tại TP Hà Giang, nơi có hàng nghìn hộ dân bị ngập sâu trong nước, công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh được thực hiện tích cực. Nước rút đến đâu, cán bộ trạm y tế các xã, phường hướng dẫn người dân vệ sinh nhà cửa, đường phố. Chị Hoàng Thị Kim Huệ, cán bộ Trạm Y tế xã Ngọc Đường (TP Hà Giang) cho biết: “Bùn đất ngập lẫn đồ đạc, nước lũ xâm nhập vào bể nước, giếng nước. Do đó, trạm cử cán bộ xuống cấp phát thuốc cloramin B, hướng dẫn người dân khử khuẩn nguồn nước, phun tiêu độc, khử trùng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh”. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương xảy ra mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hà Giang không có dịch bệnh, chưa xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, các lực lượng chức năng cũng đang tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm.