Trong giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Tuyên Quang được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 50 cây cầu dân sinh (trong đó có ba cầu treo) với tổng vốn đầu tư 201,8 tỷ đồng. Dự án được chia thành bảy thành phần dựa theo mức độ ưu tiên, 18 cây cầu cần được đầu tư cấp bách thuộc dự án thành phần 1, 2, 3, 4, được xây dựng từ năm 2017 với tổng mức đầu tư gần 34 tỷ đồng. Trong đó, các huyện: Hàm Yên có chín cầu, Sơn Dương có ba cầu, Chiêm Hóa ba cầu; các huyện Yên Sơn, Na Hang, Lâm Bình, mỗi huyện một cầu. Riêng các dự án thành phần 5, 6, 7 sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2018 và dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Trong đó, dự án thành phần 5 sẽ xây dựng 11 cây cầu thuộc huyện Hàm Yên; dự án thành phần 6 sẽ xây dựng tám cây cầu thuộc huyện Yên Sơn, Sơn Dương; dự án thành phần 7 sẽ xây dựng 13 cây cầu thuộc các huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình, Na Hang. Các cây cầu được thiết kế bê-tông cốt thép, tuổi thọ thiết kế từ 50 đến 75 năm. Bề rộng cầu từ 3,5 đến 4 m; chiều dài cầu từ 20 đến 50 m. Đến thời điểm hiện tại, đã có bảy cây cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng, số còn lại đã lao dầm và đang hoàn thiện để khánh thành vào quý II này. Những cây cầu dân sinh sẽ giúp người dân vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, chủ yếu là đồng bào DTTS, đi lại thuận lợi hơn, giảm nguy cơ tai nạn đuối nước, giúp giao thương hàng hóa, tạo đà phát triển kinh tế vùng...
Thôn Gà Luộc, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) bị chia cắt bởi con suối Gà Luộc. Con suối không chỉ gây trở ngại về giao thông mà còn là rào cản phát triển kinh tế - xã hội của nhiều hộ dân trong thôn. Để vượt qua suối, trước đây người dân đã góp công, vật liệu dựng cầu tạm bằng những cây tre ghép vào nhau. Cây cầu tạm chỉ đủ chỗ cho người đi bộ, đi xe đạp, còn các phương tiện giao thông khác, người dân phải gửi tại những hộ dân nằm bên kia bờ suối. Chính vì vậy mà nhiều hộ dân trong thôn gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, hàng hóa làm ra khó tiêu thụ, bị ép giá bởi lý do đường sá không thuận lợi, thương lái ngại vào mua. Chị Nguyễn Thị Lành, ở thôn Gà Luộc cho biết, do đường sá đi lại hay ngập lụt, lầy lội, cầu tre thì trơn, con em đi học rất vất vả và nguy hiểm, cho nên nhiều hôm phải cho các cháu nghỉ học. Cuối tháng 9-2017, người dân thôn Gà Luộc vô cùng vui mừng khi được Nhà nước đầu tư xây dựng cây cầu dân sinh bằng bê-tông trị giá hơn một tỷ đồng. Cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn, bán vĩnh cửu bằng bê-tông cốt thép. Cầu có chiều dài hơn 20 m, rộng 3,5 m, hai bên đường dẫn lên cầu mỗi bên dài hơn 20 m được đổ bê-tông. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân trong thôn sẽ không còn nỗi lo tai nạn khi qua suối, trẻ em vẫn có thể tới trường mỗi khi mưa lũ về. Cây cầu cũng là yếu tố quan trọng giúp người dân trong thôn phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu hàng hóa, xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm.
Người dân thôn Cây Vải và thôn Tân Thành, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) cũng rất phấn khởi khi được Nhà nước đầu tư xây dựng cây cầu bê-tông bắc qua suối Cây Vải, kết nối hai thôn Cây Vải và thôn Tân Thành với nhau. Cây cầu được thiết kế với chiều dài 36 m, chiều rộng 4,2 m. Trước đây, chỉ mùa cạn người dân mới có thể góp công bắc cầu tre qua suối, còn tới mùa mưa, thì mọi phương tiện kể cả người đi bộ cũng không dám lội qua suối mà phải đi vòng vài cây số mới ra được tới trung tâm xã.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang Trần Viết Cương cho biết, tuy giá trị đầu tư xây dựng mỗi cây cầu không lớn, có cây cầu chỉ hơn 300 triệu đồng, nhưng rất có ý nghĩa và giá trị sử dụng đối với cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Ngay sau khi được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư, Sở Giao thông vận tải và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan thuộc Bộ, UBND các huyện, xã có công trình tiến hành rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm cầu được xây ở những vị trí thuận lợi nhất, phục vụ được nhiều người dân nhất rồi mới triển khai xây dựng. Đối với công tác quản lý chất lượng công trình, Ban Quản lý dự án thường xuyên cử cán bộ trực tiếp kiểm tra các hạng mục công trình chính của cầu và thường xuyên trao đổi các biện pháp giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai thi công. Do đó, các công trình đang triển khai cơ bản đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ và tiêu chí dự án đã đề ra. Tuy nhiên, Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, đặc điểm địa hình phức tạp với nhiều sông, suối việc đi lại của người dân chủ yếu dựa vào đường bộ, nhu cầu xây mới cầu vẫn rất lớn. Mong muốn giai đoạn tiếp theo sẽ có thêm nhiều cây cầu dân sinh như vậy được xây dựng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Dự án xây dựng cầu dân sinh là việc làm hết sức cấp thiết, đáp ứng sự mong mỏi của người dân tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Khi những cây cầu dân sinh được đưa vào sử dụng sẽ góp phần bảo đảm an toàn giao thông nông thôn, góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.