Giữa tiết trời se lạnh mùa khô Tây Nguyên, ông Puih Bing, Trưởng thôn Jút 1 đưa chúng tôi theo con đường quanh co uốn lượn vào thôn Jút 1, tới nhà già Ksor Sép. Trong ánh hoàng hôn, người đàn ông hơi gầy, da ngăm đen, đang lẩm nhẩm hát một mình. Ông cười giòn tan, cởi mở. Như chạm đúng mạch cảm xúc, ông liệt kê hát sử thi về anh hùng, phong tục, tình yêu đôi lứa. Ông hát cho chúng tôi nghe, đôi mắt lim dim những vết chân chim đổ dồn nơi khóe mắt, giọng ông lúc trầm lắng, thẳm sâu như lời tâm tình của đôi trai gái, lúc vang vọng, trầm hùng như lời gọi bạn từ trên núi cao. Kết thúc bài hát, ông nói: Người hát kể sử thi nếu không cảm được hồn của sử thi sẽ khó nhớ liền mạch, phải bám theo văn bản gốc từng nghe và thuộc, không tùy tiện sáng tác, thêm vào những ý mới.
Nén tiếng thở dài, ông tiếp: Nền nếp sinh hoạt văn hóa, lao động ở buôn làng thay đổi, cùng quá trình đô thị hóa đã khiến không gian diễn xướng sử thi mất dần, nhiều nghệ nhân không có cơ hội hát kể sử thi trong thời gian dài, cho nên quên luôn những câu sử thi mình từng nhớ. Cái khó hiện nay không chỉ ở chỗ đào tạo người kế tục hát kể sử thi, mà còn làm sao tạo ra lượng người nghe, bởi không có người nghe thì nghệ nhân không thể hát kể. Lúc đó, sử thi chỉ tồn tại trên giấy mà không thể “sống” trong cộng đồng.
Tây Nguyên là một vùng đất thấm đẫm văn chương truyền miệng. Nhiều người ví sử thi Tây Nguyên là “bách khoa toàn thư” về đời sống các dân tộc thiểu số, bởi nó đề cập nhiều mặt, nhiều khía cạnh trong xã hội. Những vùng có bề dày của trường ca là khu vực các huyện, thị xã Ayun Pa, Chư Prông, Đức Cơ, An Khê, Mang Yang của tỉnh Gia Lai, các huyện Cư M’gar, M’Đrắc, Krông Búc, Ea H’leo, của tỉnh Đác Lắc và huyện Đác R’Lấp của tỉnh Đác Nông.
Tài sản quý giá nhất của già Ksor Sép có lẽ là những bài sử thi ông đã khắc ghi trong tâm trí. Trong câu chuyện về những vui buồn cùng sử thi, ông chia sẻ: "Lâu rồi không ai nghe tôi hát cả. Ngày xưa, trong làng nhiều người hát sử thi hay, bây giờ đã theo Yàng hết rồi, chỉ còn lại rất ít người biết hát kể. Lúc nhỏ, tôi nghe trong câu hát của cha có tình người cho nên thích hát sử thi từ đó. Sử thi Tây Nguyên như những mạch nguồn trong mát tự nhiên tan thấm vào tâm hồn. Buổi tối nghe kể bên bếp lửa nhà dài, ngày mai tự hát lại khi hái lúa, chăn trâu, lúc vào rừng đặt bẫy, bắt cá. Những gì có trên mặt đất khi con người sinh ra đều có trong sử thi, bây giờ, chỉ biết hát lúc làm rẫy, đi chăn bò cho đỡ nhớ thôi".
Theo ông Lê Xuân Thái, chuyên viên Phòng Văn hóa, thể thao huyện Ia Grai, không gian diễn xướng sử thi dần thu hẹp, sử thi chủ yếu truyền miệng, người biết hát ngày càng ít, lớp trẻ thì không mặn mà cho nên hát sử thi có nguy cơ mai một rất cao. Cần tổ chức đan xen các hoạt động liên hoan cồng chiêng, tạc tượng nhà mồ, diễn xướng nhạc cụ với hát sử thi để góp phần vực dậy loại hình này.