Tìm giải pháp triệt phá tín dụng đen

|

NDO - Sáng 30/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo ‘‘Xóa sổ tín dụng đen - bằng cách nào?”. Thông tin về công tác đấu tranh tội phạm tín dụng đen tại hội thảo, Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó Phòng trọng án Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), cho biết tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen diễn biến phức tạp.

Trong năm qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 538 vụ án với 944 bị can; xử phạt hành chính 305 vụ với 396 đối tượng, trong đó khởi tố 485 vụ với 772 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; khởi tố 27 vụ với 35 bị can về tội cố ý gây thương tích, 17 vụ với 108 bị can về tội Cưỡng đoạt tài sản…

Riêng Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp nhiều địa phương để đấu tranh, xử lý các hành vi phạm tội với phương thức thủ đoạn mới, hoạt động núp bóng doanh nghiệp, đan xen nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn, nhất là các vụ án cưỡng đoạt tài sản tại Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Qua đấu tranh tội phạm tín dụng đen, Cơ quan Công an còn phát hiện các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia) đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính, tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng với lãi suất trên 1.000%/năm.

Đặc biệt, gần đây cơ quan Công an đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập doanh nghiệp giả danh công ty tài chính, công ty luật rồi mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến cuối tháng 10/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt 955.000 tỷ đồng, chiếm 28,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 1,4% so với cuối năm 2022. Nếu so với những năm gần đây thì tốc độ tăng này khá thấp (10 tháng đầu năm 2022, tín dụng tiêu dùng tăng đến 18,8%).

Nguyên nhân tình trạng này là do kinh tế khó khăn, thu nhập của người lao động, công nhân giảm nên nhu cầu vay để chi dùng cũng ít hơn, đồng thời còn sự phát triển tràn lan các hội nhóm hướng dẫn cách bùng nợ vay tiêu dùng gây thiệt hại cho các công ty tài chính được cấp phép hợp pháp.

Tin liên quan
Tràn lan hội nhóm hướng dẫn cách bùng nợ vay tiêu dùng

Tại hội thảo, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các công ty tài chính, chuyên gia… đều lo ngại tín dụng đen sẽ bùng phát trong thời gian tới.

Để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và bền vững, TS Lê Thị Hoàng Thanh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) kiến nghị cần xây dựng khung khổ pháp lý nhằm nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng và có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ỳ.

Còn theo Thượng tá Lê Vinh Tùng, cấp có thẩm quyền nên xem xét sửa đổi các quy định của Điều 201 Bộ luật Hình sự (tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự) theo hướng tăng nặng hình phạt tương ứng với số tiền thu lời bất chính.

Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm duyệt, gỡ bỏ, cấm hoạt động đối với các ứng dụng, website liên quan đến hoạt động tín dụng đen; có phương án sao lưu, phục hồi dữ liệu phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp có liên quan theo quy định.

Còn đối với các cơ quan quản lý nhà nước khác, giải pháp trước mắt là cần hoàn tất việc xác thực, làm sạch và loại bỏ sim “rác”, tài khoản ngân hàng “ảo”; xác thực thông tin các tài khoản trên không gian mạng.

Đồng thời, thúc đẩy gói vay tín chấp qua cơ sở dữ liệu dân cư để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vay vốn chính thống.